11/09/1973: Tổng thống Chile Salvador Allende thiệt mạng trong đảo chính

Ngày này cách đây 48 năm, quân đội Chi lê với sự giật dây của CIA đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Salvador Allende, nhà lãnh đạo Marxist dân cử đầu tiên ở Mỹ Latinh.

Nguồn: Chilean president Salvador Allende dies in coup, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, lực lượng vũ trang của Chile đã tiến hành một cuộc đảo chính chống lại chính phủ của Tổng thống Salvador Allende, nhà lãnh đạo Marxist dân cử đầu tiên ở Mỹ Latinh. Allende cùng những người ủng hộ mình đã rút về La Moneda – dinh thự tổng thống được xây dựng như pháo đài ở Santiago – khi đó đang bị xe tăng và bộ binh bao vây, đồng thời bị máy bay phản lực của không quân ném bom. Dù sống sót sau vụ không kích, Allende đã tự sát khi quân đội xông vào cung điện đang bốc cháy. Người ta nói rằng tổng thống đã sử dụng khẩu súng trường tự động mà lãnh đạo Cuba, Fidel Castro, tặng cho ông.

Chính phủ Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã mất ba năm chuẩn bị cho cuộc đảo chính chống lại Allende, người bị chính quyền Nixon xem là mối đe dọa đối với nền dân chủ ở Chile và Mỹ Latinh. Trớ trêu thay, Allende, người được bầu ra một cách dân chủ, lại được thay thế bởi nhà độc tài tàn bạo, Tướng Augusto Pinochet, người đã cai trị Chile bằng “nắm đấm sắt” suốt 17 năm tiếp theo.

Salvador Allende Gossens sinh ra trong một gia đình thượng lưu Chile vào năm 1908. Ông trở thành một nhà hoạt động theo chủ nghĩa Marx, đồng thời cũng là một bác sĩ. Năm 1933, ông tham gia sáng lập Đảng Xã hội Chile. Được bầu vào Hạ viện năm 1937, Allende sau đó trở thành Bộ trưởng Y tế trong chính phủ cánh tả của Tổng thống Pedro Aguirre Cerda. Năm 1945, ông chính thức trở thành Thượng nghị sĩ. Sau thất bại trong những lần ra tranh cử tổng thống hồi thập niên 1950 và 1960, cuối cùng, vào tháng 9/1970, Allende đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua tổng thống ba bên, với 36,3% số phiếu bầu. Do không đạt được đa số phiếu phổ thông, kết quả bầu cử của ông đã phải được Quốc hội Chile xác nhận.

Sau chiến thắng của Allende và liên minh cánh tả, Tổng thống Mỹ Richard Nixon cho triệu tập Giám đốc CIA Richard Helms đến Nhà Trắng, và ra lệnh phải ngăn Allende lên nắm quyền, hoặc lật đổ ông. Bởi Allende đã lên tiếng đe dọa quốc hữu hóa các ngành công nghiệp do Mỹ sở hữu ở Chile, Nixon chắc chắn không muốn một Fidel Castro khác lên nắm quyền ở Tây bán cầu trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống Mỹ đã cấp 10 triệu đô la cho chiến dịch bí mật chống lại Allende, và chỉ thị rằng nó phải được thực hiện mà Đại sứ quán Mỹ tại Chile không hề hay biết.

Sau khi nhận lệnh từ Washington, CIA đã cố gắng mua chuộc, ép buộc và tống tiền Quốc hội và Quân đội Chile nhằm phủ nhận chiến thắng bầu cử của Allende, phát động một chiến dịch quốc tế nhằm chống lại Allende, và trả tiền cho một vị tướng cánh hữu để người này ám sát tướng Rene Schneider, chỉ huy trưởng các lực lượng vũ trang Chile. Mặc dù bản thân ông cũng là một người bảo thủ, Schneider vẫn kiên quyết phản đối đảo chính, hoặc bất kỳ sự can thiệp quân sự nào khác vào các quá trình dân chủ của Chile. Ông đã bị sát hại bởi một nhóm người do tướng cánh hữu Roberto Viaux cầm đầu. Một tháng sau, nhóm này nhận được tờ ngân phiếu trị giá 35.000 đô la từ CIA. Nhiều năm sau, CIA tuyên bố họ chỉ yêu cầu bắt cóc Schneider.

Chỉ còn một tuần nữa trước khi Quốc hội Chile bỏ phiếu về kết quả bầu cử của Allende, tổng hành dinh CIA đã gửi một bức điện tới văn phòng tại Chile với nội dung: “Chắc chắn phải lật đổ Allende bằng một cuộc đảo chính. Sẽ tốt hơn nhiều nếu điều đó xảy ra trước ngày 24/10, nhưng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực ngay cả sau thời hạn này.”

Sau một cuộc tranh luận sôi nổi tại Quốc hội Chile, cơ quan với đa số thành viên theo đường lối bảo thủ đã quyết định thừa nhận chiến thắng của Allende vào ngày 24/10, sau khi ông hứa ủng hộ 10 sửa đổi hiến pháp theo hướng tự do. Bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ, sự tôn trọng truyền thống dân chủ của Chile, nước có truyền thống dân chủ lâu đời nhất ở Mỹ Latinh, đã chiến thắng sự cuồng loạn về ý thức hệ. Vài ngày sau, một cuộc đảo chính vụng về, được thực hiện bởi một nhóm sĩ quan quân đội Chile, chỉ khiến người dân nước này thêm đồng lòng ủng hộ Allende, người sau đó tuyên thệ nhậm chức vào ngày 3 tháng 11.

Trong gần ba năm giữ chức Tổng thống Chile, Allende đã tái cấu trúc xã hội Chile theo đường lối xã hội chủ nghĩa, trong khi vẫn duy trì chính phủ dân chủ, tôn trọng quyền tự do dân sự và các trình tự công bằng. Cùng lúc đó, CIA tìm mọi cách để gây bất ổn cho chính phủ của Allende, và đã chi tổng cộng 8 triệu đô la cho nỗ lực này. Các nhóm đối lập nhận được tài trợ từ CIA, các nỗ lực tuyên truyền chống lại Allende cũng được tiếp tục, đình công được phát động trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Chile, và các nhân viên CIA duy trì liên hệ chặt chẽ với quân đội Chile. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của cuộc đảo chính năm 1973 không xuất phát từ hoạt động ngầm của các điệp viên Mỹ, mà là từ phản ứng dữ dội của quốc tế (cũng do Mỹ kích động) đối với các chính sách kinh tế của Allende, vốn đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Chile.

Năm 1971, Tổng thống Allende bắt đầu quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài ở Chile, bao gồm các mỏ đồng thuộc sở hữu của Mỹ – vốn là nguồn tài nguyên chính của Chile – và một công ty điện thoại lớn cũng do người Mỹ điều hành. Nixon vô cùng tức giận, và ông đã thành lập một đội đặc nhiệm liên ngành để tổ chức các cuộc trả đũa kinh tế chống lại Chile. Đội này đã âm thầm tìm cách làm giảm giá kim loại đồng trên thế giới, và ra lệnh cấm hoàn toàn mọi viện trợ kinh tế từ Mỹ cho Chile. Họ cũng thành công trong việc buộc Ngân hàng Thế giới phải cắt mọi khoản vay cho Chile, Ngân hàng Xuất nhập khẩu và Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ cũng quay lưng lại với Chile. Trong khi đó, các nguồn đầu tư nước ngoài khác vào Chile đã cạn kiệt do lo ngại bị quốc hữu hóa.

Đến năm 1973, nền kinh tế Chile rơi vào tình trạng hỗn loạn. Lạm phát, đình công, thiếu lương thực tràn lan khắp nơi; bạo lực giữa cánh hữu và cánh tả đã trở thành chuyện thường ngày. Tổng thống Allende vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều công nhân và nông dân, nhưng tầng lớp trung lưu đã chuyển sang chống lại ông. Đã có một thảo luận công khai về một cuộc đảo chính quân sự sắp xảy ra, và những kẻ chủ mưu thậm chí còn chẳng cần sự trợ giúp của CIA để tiến hành đảo chính. Tuy nhiên, CIA vẫn được thông báo trước về kế hoạch đảo chính, và vào ngày 10/09, tin này đến tai Nixon.

Ngày hôm sau, 11/09/1973, ba nhánh của quân đội Chile đã phát động một cuộc tấn công phối hợp chống lại chính phủ dân chủ. Allende đã cùng đoàn quân cảnh vệ trung thành của mình đến dinh tổng thống La Moneda. Người ta đã chụp được ảnh ông đang kiểm tra hệ thống phòng thủ của dinh thự với khẩu súng trường trong tay. Xe tăng và quân đội tiến đến bao vây La Moneda. Allende và những người ủng hộ mình được lệnh đầu hàng lúc 11 giờ sáng, nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc tấn công của không quân Chile. Allende từ chối.

Đúng 11 giờ sáng, giọng nói của Allende qua điện thoại được phát trên Radio Magallanes, đài phát thanh của Đảng Cộng sản. “Tôi chỉ có thể nói điều này với các công nhân: Tôi sẽ không từ chức,” ông tuyên bố. “Tôi sẽ trả giá bằng mạng sống của mình, để bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi của đất nước. Tôi có niềm tin vào Chile và vận mệnh của nó. Những người khác sẽ vượt qua giai đoạn u tối và cay đắng này, khi bọn phản bội đang dần vươn lên. Mọi người, xin hãy nhớ rằng, không bao lâu nữa, con đường vĩ đại sẽ mở ra, và những người tự do sẽ bước trên đó, để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Đây là những lời cuối cùng của tôi, với niềm tin chắc chắn rằng, sự hy sinh này không hề vô ích.”

Trước giữa trưa, hai máy bay chiến đấu đã bay qua Santiago và nhắm xuống La Moneda, bắt đầu bắn tên lửa với độ chính xác cao qua các cửa ra vào và cửa sổ ở phía bắc của dinh thự. Sáu đợt tấn công nữa đã diễn ra trong vòng 20 phút tiếp theo. La Moneda chìm trong biển lửa, nhưng Allende vẫn sống sót ở một bên cánh của tòa nhà. Khoảng 2 giờ chiều, Allende được cho là đã tự sát bằng cách kê khẩu súng trường dưới cằm mình và nhả đạn. Người ta nói rằng trên thân khẩu súng có một tấm kim loại màu vàng được khắc dòng chữ “Tặng người bạn tốt của tôi, Salvador Allende. Từ Fidel Castro.”

Vài tuần sau, Fidel Castro nói với người dân Cuba rằng, Allende đã thiệt mạng trong lúc ông đang tiến quân và xả súng. Những tên lính phát xít, Castro nói, đã hạ gục ông dưới một làn đạn. Câu chuyện này đã được nhiều người ủng hộ Allende sử dụng, và ngày nay vẫn được kể lại dưới nhiều biến thể khác nhau. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật riêng của Allende cho biết, ông đã chứng kiến tổng thống tự bắn mình bằng khẩu súng trường, và cuộc khám nghiệm tử thi của Allende vào năm 1990 xác nhận rằng, ông đã chết vì một phát đạn làm vỡ hộp sọ.

Sau cuộc đảo chính, Tướng Augusto Pinochet Ugarte, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, trở thành nhà độc tài của Chile. Ông cho bắt giữ hàng trăm người ủng hộ Allende, bao gồm cả hai công dân Mỹ, sau đó tra tấn và hành quyết họ. Mỹ ngay lập tức cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho nhà cầm quyền mới của Chile – “vị cứu tinh của nền dân chủ” – và nhiều khả năng, CIA đã giúp ông ta xác định và bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Trong 17 năm cai trị độc tài của Pinochet, hơn 3.000 đối thủ chính trị đã bị ám sát hoặc “biến mất.” Biệt đội sát thủ của ông ta cũng hoạt động cả bên ngoài Chile; vào năm 1976, Orlando Letelier, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Allende, đã chết trong một vụ đánh bom xe ở Washington, D.C.

Năm 1988, Pinochet đồng ý tham gia một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về tương lai của Chile, và đa số người dân Chile đã từ chối tiếp tục duy trì chế độ độc tài của ông. Bầu cử dân chủ được tổ chức vào năm 1989; sang năm 1990, Pinochet từ chức, và Patricio Aylwin Azócar tuyên thệ nhậm chức, trở thành lãnh đạo mới của Chile. Năm đó, thi hài của Salvador Allende đã được khai quật và chính thức tổ chức tang lễ.

Pinochet vẫn là người đứng đầu lực lượng vũ trang của Chile cho đến năm 1998, nhờ đó ông nhận danh hiệu “Thượng nghị sĩ suốt đời”. Tháng 10 năm đó, trong một chuyến đi đến Anh, Pinochet bị bắt, sau khi Tây Ban Nha tìm cách dẫn độ ông để xét xử tội hành quyết công dân Tây Ban Nha. Dưới áp lực của các công tố viên châu Âu, Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh cho CIA và các cơ quan khác của Mỹ giải mật tất cả các tài liệu liên quan đến hoạt động của họ ở Chile trong nửa đầu thập niên 1970. Tuy nhiên, CIA từ chối tiết lộ nhiều tài liệu với lý do lo ngại rằng chúng sẽ tiết lộ các phương pháp vận hành hiện vẫn được CIA sử dụng trên khắp thế giới.

Sau thời gian giằng co pháp lý kéo dài, Bộ trưởng Nội vụ Anh tuyên bố vào tháng 1/2000 rằng, Pinochet 84 tuổi không đủ khả năng để ra hầu tòa, và yêu cầu đưa ông trở lại Chile. Trở lại Chile, ông từ chức Thượng nghị sĩ vào năm 2002, sau phán quyết của Tối cao Pháp viện rằng ông không thể hầu tòa vì sức khỏe đang suy yếu. Sau đó, vào tháng 5/2004, Tối cao Pháp viện Chile cuối cùng đã ra phán quyết rằng Pinochet vẫn đủ khả năng ra tòa. Cuối cùng, vào tháng 12/2004, ông đã bị tuyên án với một số tội danh. Pinochet qua đời năm 2006.