Ấn Độ và kế hoạch gia nhập “Ngũ nhãn”

Cái gọi là “Câu lạc bộ Ngũ Nhãn” do Mỹ dẫn đầu, là liên minh thu thập tình báo phức tạp nhất trong lịch sử nhân loại. Và Ấn Độ dường như đang không muốn đứng ngoài cuộc với câu lạc bộ độc quyền này.

Lợi ích khi gia nhập Ngũ Nhãn

Từ trên cao của tầng bình lưu, chính xác là ở độ cao 20.000 mét bên trên biển Caribe, có một con mắt không hề chớp nháy của vị thần công nghệ đang giám sát các cánh đồng lúa bạt ngàn ở Los Palacios (phía Tây Havana, Cuba).

Những hình ảnh siêu rõ nét được chụp từ camera Hycon 73B của máy bay gián điệp U2 từ ngày 14 tháng 10 năm 1962 cho thấy cảnh một đoàn xe quân sự Liên Xô đang chạy trên đường. Liền đó, các nhà phân tích cúi xuống một cái bàn trong tòa nhà Stuart ở Washington để nhìn thấy một số thứ mới mẻ: 6 tên lửa đạn đạo tầm trung SS4 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bắn thẳng vào sâu trong lục địa Mỹ.

Khi đó, ông Arthur Lundahl, giám đốc Trung tâm diễn dịch hình ảnh quốc gia Mỹ (NPIC) quả quyết với thuộc cấp của mình: “Chúng ta đang ngồi trên câu chuyện vĩ đại nhất thời đại này”. Chỉ trong vòng vài tiếng, hình ảnh đã khiến thế giới đứng sát rìa của một cuộc chiến tranh hạt nhân (song may sao chuyện khủng khiếp đó đã không xảy ra).

Nhiều nỗ lực hiện nay đang cố gắng đưa Ấn Độ vào bên trong cái gọi là “câu lạc bộ Ngũ Nhãn” do Mỹ cầm trịch: một liên minh thu thập tình báo tinh vi nhất trong lịch sử nhân loại. Bằng thứ ngôn ngữ được soạn thảo bởi Thượng nghị sỹ Ruben Gallego (chủ tịch của Tiểu ban Dịch vụ vũ trang hạ viện chuyên về các hoạt động đặc biệt và tình báo) thì Dự luật ủy quyền quốc phòng Mỹ năm 2022 đang kêu gọi Giám đốc tình báo quốc gia (DNI) báo cáo về những lợi ích và rủi ro của việc “mở rộng vòng tròn tin cậy sang những nền dân chủ đồng chí hướng”.

Điều này có nghĩa là Ngũ Nhãn sẽ bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ cũng như các đối tác Châu Âu quan trọng nhằm đấu tranh chống lại cái mà một số người tin là Cuộc chiến tranh lạnh đối kháng Trung Quốc. Ít nhất là kể từ năm 2015, Mỹ và Ấn  Độ đã thảo luận về việc xiết chặt quan hệ tình báo của họ, thậm chí là cả một số tư cách thành viên khác của Ngũ Nhãn. Ngôn ngữ của dự luật mới cho thấy ý tưởng đang thu hút sự chú ý thật sự.

Ấn Độ và kế hoạch gia nhập “Ngũ nhãn” -0
Ông Ajit Doval kêu gọi “định hình những học thuyết mới” để trao quyền cho các cơ quan tình báo Ấn Độ. Ảnh nguồn: India. 

Xét về nguyên tắc, tư cách thành viên Ngũ Nhãn sẽ mang lại cho Ấn Độ sự ủng hộ mà nước này rất cần nhằm chống lại sức mạnh quân sự vượt trội của Giải phóng quân nhân dân Trung Quốc (PLA): khả năng New Delhi sẽ thu thập và giải mã thông tin liên lạc chiến lược của Trung Quốc, cũng như tăng cường hiểu biết tiếng Trung và chuyên môn quân sự, những yếu tố mà người Ấn đang thiếu và yếu.

Mặc dầu vậy cũng giống như những giao dịch khác, việc gia nhập này cũng liên quan đến những điều kiện và điều khoản ngầm (một trong số đó ít hấp dẫn). Ngũ Nhãn có nguồn gốc từ việc chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ và Vương quốc Anh ngay từ thời Thế chiến II, và đến năm 1955 thì mở rộng thành một liên minh chính thức bao gồm các nền dân chủ nói tiếng Anh. Các trạm lắng nghe được điều hành bởi 5 quốc gia thành viên đã được bổ sung thêm vệ tinh ngay từ thập niên 1970 cho phép các dịch vụ tình báo của họ thu thập hầu như mọi liên lạc điện tử từ khắp nơi trên thế giới. 

Những lùm xùm về do thám gián điệp

Quy mô các hoạt động của Ngũ Nhãn bắt đầu được hé lộ công khai từ thập niên 1990 dựa trên những thông tin của các ông Nicky Hager (New Zealand), James Bamford (Mỹ) và nhà báo Duncan Campbell (Anh). Sợ rằng các quốc gia thành viên có thể lợi dụng liên minh để tiến hành hoạt động gián điệp chống lại người dân của họ cũng như phục vụ các lợi ích thương mại, nên trong 2 năm 2000 và 2001, các báo cáo được công bố bởi Nghị viện Châu Âu cho rằng những lo sợ này là có cơ sở hẳn hoi.

Cơn thịnh nộ đã buộc cựu giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) James Woolsey phải lên tiếng thú nhận rằng Mỹ đã tiến hành hoạt động gián điệp tại Châu Âu nhưng đều nhắm mục tiêu vào những thực thể vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế và “đút lót” để đạt được hợp đồng béo bở. Ông Woolsey tuyên bố rằng tình báo kinh tế và thương mại không được chuyển giao cho các công ty Mỹ.

Ông Fred Stock, nguyên sĩ quan tình báo Canada trước đó từng đưa ra lời làm chứng cho rằng ông Woolsey đã công khai một phần sự thật. Ông Stock bức xúc phàn nàn rằng ông đã bị sa thải từ năm 1993 vì việc đã công khai chỉ trích CIA nhắm vào các mục tiêu kinh tế và dân sự, trong số đó đáng chú ý là những thông tin về đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), vấn đề mua ngũ cốc Trung Quốc cùng việc bán vũ khí Pháp.

Cũng có bằng chứng cho thấy Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã do thám những mục tiêu Mỹ (mặc dù không nằm trên đất Mỹ, và những hành động này được xem là vượt quá luật pháp quốc gia). Bà Margaret Newsham (người đã làm việc tại Ngũ Nhãn ở Anh từ năm 1977 đến năm 1981) đã làm chứng khi cho hay rằng những cuộc điện đàm của cố thượng nghị sỹ Strom Thurmond đã bị can thiệp. Cũng theo tiết lộ của bà Newsham thì công nghệ nhắm mục tiêu vào các cuộc điện đàm của những nhân vật cụ thể đã tồn tại ngay từ năm 1978.

Ấn Độ và kế hoạch gia nhập “Ngũ nhãn” -0
Luật sư, nhà ngoại giao, chính trị gia kiêm cựu Giám đốc Tình báo của CIA, ông James Woolsey. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Những công bố của bà Newsham càng củng cố cho điều mà nhiều người đã hồ nghi từ lâu, rằng hiệp định Ngũ Nhãn đã cho phép Mỹ và Anh giám sát công dân mình, từ chính người thực hiện hợp đồng phụ cho đối tác liên minh của họ.

Quy mô các hoạt động của Ngũ Nhãn đã trải khắp thế giới, và khả năng của họ xâm nhập trơn tru vào những mạng máy tính thậm chí được bảo vệ tối mật đã được nhấn mạnh bởi tiết lộ từ cựu sĩ quan NSA, Edward Snowden, ngay từ năm 2013. Snowden đã chứng minh cơ chế giám sát điện tử quy mô lớn đã can thiệp sâu vào quyền riêng tư của công dân các đối tác Ngũ Nhãn.

Tuy nhiên, gạt các vấn đề riêng tư qua một bên, thì liệu lợi ích an ninh quốc gia của Ngũ Nhãn có nặng hơn rủi ro của nó không? Câu trả lời không rõ ràng như người ta tưởng. Thứ nhất, công nghệ giám sát có thể được người bán chống lại nhà cung cấp. Trong hàng thập kỷ, các quốc gia trên thế giới (bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Iran) đã mua thiết bị liên lạc được mã hóa từ hãng CryptoAG (Thụy Sỹ). 

Mặc dầu vậy vào năm 2015, trong những tài liệu do NSA phân loại cho thấy rằng CryptoAG (công ty có các chủ nhân bí mật là CIA và BND) đã thiết kế ra những thuật toán mã hóa cho phép các cơ quan tình báo nghe lén trên lưu lượng thông tin. Bằng cách này, CIA đã nghe lén các Lãnh tụ Hồi giáo tối cao của Iran trong cuộc cách mạng năm 1979, hay các chuyển liên lạc quân sự Argentina cho Vương quốc Anh trong suốt sự kiện Chiến tranh Falklands, cùng việc khám phá bằng chứng các quan chức Lybia chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom khủng bố ở Berlin.

Rất có thể Mỹ cũng nghe lén nội tình những phần quan trọng của lưu lượng tình báo – liên lạc Ấn Độ và Pakistan, mặc dù các kho lưu trữ tài liệu phân loại hiện có không cho thấy các chương trình quân sự và hạt nhân của nước này (Ấn Độ) bị ảnh hưởng. Mỹ đã bắt đầu cung cấp trang thiết bị cho Trung tâm nghiên cứu hàng không của Cánh phân tích và nghiên cứu (ARC, tổ chức tình báo hình ảnh của Ấn Độ) nhằm do thám các tài sản hải quân và chương trình hạt nhân của Trung Quốc ngay từ năm 1962.

Những hạn chế của tình báo công nghệ

Các quốc gia đối tác Ngũ Nhãn hiểu rất rõ những tình huống khó xử này; các nước như Australia, Canada và New Zealand kết luận rằng những lợi ích chiến lược của họ được phục vụ tốt nhất ngay cả khi sự riêng tư của họ đã bị xâm phạm. New Delhi (hoặc Tokyo) có lẽ sẽ đưa ra kết luận tương tự, song quyết định gia nhập vào liên minh này cần phải được cân nhắc hết sức cẩn thận. Vấn đề thứ 2 với tư cách Ngũ Nhãn như cách mà học giả Kristie Macrakis đã miêu tả về “thói kiêu ngạo công nghệ”.

Mặc dù Mỹ đã chi ước tính tới 70% ngân sách tình báo khổng lồ của mình cho các phương tiện công nghệ, thì học giả Macrakis chỉ ra rằng Liên Xô vẫn thu được nhiều thành tựu hơn khi sử dụng tình báo con người kiểu cũ. Các cơ quan tình báo Liên Xô có thể tuyển dụng điệp viên trong các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Mỹ, cũng như những hoạt động và công nghệ tình báo liên lạc.

Ấn Độ và kế hoạch gia nhập “Ngũ nhãn” -0
Tên lửa đạn đạo SS4 tầm trung của Liên Xô (người Nga gọi nó là R12) diễu hành trên quảng trường Đỏ ở Moscow. Ảnh nguồn: Ngày 1 tháng 5 năm 1965 / Wikimedia Commons.

Một trong những minh chứng được nhắc đến nhiều nhất là việc CIA đã cho đào một mật đạo ngay bên dưới Berlin để nghe lén liên lạc điện thoại của Liên Xô. Ngay từ khi bắt đầu triển khai kế hoạch từ năm 1953, đường hầm này bị Liên Xô qua mặt bằng cách sử dụng điệp viên hai mang người Anh, George Blake. Người Xôviết cung cấp các thông tin sai lệch qua mạng, đánh lừa đối phương.

Ngay cả những hình ảnh nổi tiếng chụp bởi máy bay U2 dẫn đến việc lộ tên lửa hạt nhân Liên Xô ở Cuba cũng chỉ được tạo ra bởi hoạt động tình báo tinh vi của Oleg Penkovsky: một sĩ quan tình báo quân sự ở Moscow, người đã chuyển giao thông tin về số tên lửa đạn đạo tầm trung cho Mỹ. Nếu thiếu những thông tin (được cố tình trao) này thì các chuyên gia giải hình ảnh khó lòng mà nhận ra những cơ sở quân sự gần Moscow. Bài học ở đây khẳng định rằng không phải công nghệ tình báo không hữu ích, mà là nó có hạn chế.

Ngay cả khi Ấn Độ nghĩ tới triển vọng khi gia nhập cộng đồng Ngũ Nhãn, thì nước này cần phải giải được bài toán khó về thâm hụt kinh niên đang tồn tại trong cộng đồng tình báo của mình. Chúng bao gồm sự thiếu hụt số lượng nhân sự được tuyển vào các cơ quan tình báo, rào cản ngôn ngữ và chuyên môn khu vực, nhân viên công nghệ kém cùng giáo dục và phương pháp đào tạo đã lạc hậu.

Những phương tiện của Cục tình báo Ấn Độ với các hoạt động hoàn toàn trái ngược với các cơ quan tình báo ở phương Tây; Cục điều tra liên bang Ấn với ngân sách hạn hẹp hơn đang tìm kiếm khoản ngân sách trị giá 9,6 tỷ USD trong năm tài chính 2020. Trước đó, năm 2013, Quốc hội Ấn thông báo về số lượng 8.000 vị trí trong Cục tình báo vẫn còn trống (trong tổng số nhân viên 25.867 người).

Mọi thứ vẫn như cũ. Mặc dù số lượng chính xác khó ước tính được, nhưng trong số 30 quan chức cấp giám đốc hỗn hợp (cấp quan trọng của cơ quan hành pháp cấp cao) lại chỉ có 9 người hoạt động trong các lĩnh vực an ninh quốc gia như chống khủng bố. Từ lâu các chuyên gia hiểu được những thực trạng này. Chính viên chức cấp cao N.N. Vohra cũng phải than phiền: “Không có cơ chế nào có thể đánh giá hiệu suất hoạt động của 2 cơ quan tình báo quyền lực của chúng ta”.

Trong một bài viết, ông Ajit Doval (cố vấn an ninh quốc gia NSA Ấn Độ hiện thời) đã kêu gọi một cuộc tranh luận nhằm “định hình những học thuyết mới, đề xuất những thay đổi cấu trúc, nhằm tối ưu hóa các nguồn lực, cùng thẩm tra những thay đổi luật pháp và hành chính cần thiết để trao quyền cho các cơ quan tình báo”. Đáng buồn thay chỉ một phần nhỏ trong lời khẩn khoản của ông Doval đã được thực hiện  khiến cho cộng đồng tình báo Ấn Độ phải đối mặt với nhiều vấn đề mà không tư cách thành viên nào có thể khắc phục được.

Theo An ninh Thế giới