Chủ nghĩa xã hội qua góc nhìn của Albert Einstein

Nhiều lần Einstein tự giới thiệu mình là người theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng ít ai biết đến bài báo “Why Socialism?” đăng trong số đầu tiên của tạp chí Monthly Review của Mỹ (số tháng 5-1949).

 

Chủ nghĩa xã hội qua góc nhìn của Albert Einstein

Albert Einstein (sinh năm 1879 tại Đức, mất 1955 tại Hoa Kỳ) được xem là một trong những nhà vật lý lớn nhất từ trước tới nay. Công trình chính của ông, thuyết tương đối (1905/1915), là xương sống của ngành vật lý hiện đại. Năm 1922, ông nhận Giải Nobel vì những đóng góp quan trọng cho vật lý học lý thuyết, nhất là việc khám phá định luật về hiệu ứng quang điện. Tháng 12-1932 ông sang Mỹ rồi không trở về nước khi Đức Quốc xã giành chính quyền vào đầu năm sau.

Không những là một nhà khoa học vĩ đại, Einstein còn hoạt động tích cực chống chiến tranh, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa quân phiệt. Trước nỗi khổ của dân tộc Do Thái, ông góp phần đáng kể vào việc thành lập và xây dựng nước Israel.

Nhiều lần Einstein tự giới thiệu mình là người theo chủ nghĩa xã hội. Nhưng ít ai biết đến bài báo “Why Socialism?” đăng trong số đầu tiên của tạp chí Monthly Review của Mỹ (số tháng 5-1949). Trong đó, ông đề cập đến những vấn đề của cả chế độ tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội.

Nguồn: Albert Einstein, Why Socialism? Monthly Review May 2009 [May 1949]

Biên dịch: Phạm Hải Hồ

——————————————

Sự khác nhau giữa khoa học và kinh tế [1]

Một người không phải là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế – xã hội có nên bày tỏ quan điểm về chủ nghĩa xã hội hay không? Một loạt lý do khiến tôi nghĩ rằng nên làm việc ấy.

Trước hết, chúng ta hãy xem xét vấn đề từ quan điểm khoa học. Bề ngoài có vẻ như không có sự khác biệt đáng kể nào về phương pháp giữa thiên văn học và kinh tế học: Các nhà khoa học thuộc hai ngành ấy đều cố gắng khám phá những quy luật được chấp nhận rộng rãi cho một nhóm hiện tượng để hiểu càng rõ càng tốt về mối liên kết giữa chúng với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế lại có những khác biệt về phương pháp. Việc khám phá những quy luật chung trong lĩnh vực kinh tế gặp khó khăn, bởi vì các hiện tượng kinh tế chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố rất khó được đánh giá riêng biệt. Hơn nữa, như đã biết, kinh nghiệm tích lũy từ đầu giai đoạn gọi là “văn minh” chủ yếu bị ảnh hưởng và giới hạn bởi những vấn đề không chỉ có tính chất kinh tế. Chẳng hạn như đa số các thực thể quốc gia lớn trong lịch sử đều tồn tại nhờ xâm lăng nước khác. Các dân tộc xâm lược đã củng cố vị thế của mình – về pháp lý và kinh tế – là giai cấp có đặc quyền đặc lợi ở nước bị xâm chiếm. Họ nắm giữ độc quyền sở hữu đất đai và cử những người từ tầng lớp của mình vào chức linh mục. Trong vai trò quản lý hệ thống giáo dục, các linh mục đã thể chế hóa tình trạng phân chia giai cấp của xã hội và tạo ra một hệ thống giá trị ảnh hưởng tới hành vi xã hội của người dân mà những người này hầu như không nhận thức được điều đó.

Mặc dù truyền thống lịch sử ấy có thể nói là thuộc về quá khứ nhưng chúng ta chưa thực sự vượt qua cái mà Thorstein Veblen [2] gọi là “giai đoạn cướp bóc” ở nơi nào cả. Các dữ kiện kinh tế quan sát được thuộc về giai đoạn đó và cả những quy luật mà chúng ta có thể rút ra từ chúng cũng không thể áp dụng cho những giai đoạn khác. Vì mục tiêu thực sự của chủ nghĩa xã hội chính xác là để khắc phục và vượt qua giai đoạn nói trên, khoa học kinh tế hiện nay chỉ có thể giúp chúng ta hiểu một ít về xã hội xã hội chủ nghĩa trong tương lai.

Lý do thứ hai là, chủ nghĩa xã hội hướng tới mục tiêu đạo đức – xã hội. Nhưng khoa học lại không thể tạo ra những mục tiêu, nó càng không thể gợi cho con người những mục tiêu ấy; trong trường hợp tốt nhất, khoa học chỉ có thể cung cấp phương tiện để đạt tới những mục tiêu nào đó. Trái lại, các mục tiêu lại được những nhân vật có lý tưởng đạo đức cao cả nghĩ ra và – nếu không chết non mà mạnh mẽ, đầy sức sống – chúng sẽ được nhiều người tiếp nhận, phổ biến và quyết định, tuy có phần không chủ ý, sự tiến hóa chậm rãi của xã hội.

Bởi những lý do ấy, chúng ta nên thận trọng, không đánh giá quá cao khoa học và phương pháp khoa học khi xem xét các vấn đề của con người; chúng ta không nên cho rằng chỉ các chuyên gia mới có quyền phát biểu về những vấn đề liên quan đến tổ chức của xã hội.

Quan hệ giữa cá nhân và xã hội

Từ lâu nay, vô số tiếng nói khẳng định rằng xã hội loài người đang trải qua một cuộc khủng hoảng và sự ổn định xã hội bị phá hủy. Đặc điểm của một tình trạng như thế là những cá nhân có thái độ bàng quan, thậm chí đầy ác cảm đối với tập thể lớn hay nhỏ của họ. Để giải thích điều tôi muốn nói, tôi xin kể một kinh nghiệm cá nhân. Cách đây không lâu, tôi thảo luận với một người đàn ông thông minh và thân thiện về hiểm họa của một cuộc chiến tranh mới mà theo tôi, nó đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của nhân loại và chỉ một tổ chức siêu quốc gia (a supra-national organization) mới có thể bảo đảm sự an toàn trước hiểm họa ấy. Đáp lại, người khách của tôi – rất bình thản, lãnh đạm – nói: “Tại sao bạn hết sức chống lại sự biến mất của loài người như vậy?”

Tôi chắc rằng chỉ trước đây một thế kỷ thôi, không ai có thể phát biểu một cách nông nổi như thế. Đó là phát biểu của một người đã nỗ lực tìm sự thăng bằng nội tâm nhưng vô ích và đã mất ít nhiều hy vọng thành công. Đó là biểu hiện của nỗi cô đơn, cách biệt khiến bao người phải đau khổ trong lúc này. Đâu là nguyên nhân của nó? Có lối thoát nào không?

Không khó đặt ra những câu hỏi ấy, nhưng trả lời chúng với một chút chắc chắn là điều khó khăn. Tuy vậy, tôi phải cố gắng hết sức, mặc dù biết rõ những cảm nghĩ và nỗ lực của chúng ta thường trái ngược nhau và khó hiểu vì không thể được diễn tả bằng những công thức đơn giản, dễ dàng.

Con người vừa là một cá thể vừa là thành viên của xã hội. Là một cá thể, con người cố gắng bảo vệ sự sống của mình và người thân cũng như tìm cách thỏa mãn nhu cầu cá nhân, phát triển năng khiếu bẩm sinh của mình. Là thành viên xã hội, con người cố tìm sự tôn trọng và yêu mến của đồng loại, chia sẻ niềm vui với họ, an ủi họ khi đau buồn và giúp họ cải thiện điều kiện sống. Chỉ sự hiện hữu của các nỗ lực đa dạng, thường trái ngược nhau ấy mới làm nên tính cách riêng của một người và sự kết hợp đặc thù của chúng quyết định mức độ một cá nhân có thể đạt tới trạng thái cân bằng nội tại và góp phần giúp ích cho xã hội. Hoàn toàn có thể là sức mạnh tương đối của hai động lực ấy chủ yếu phụ thuộc vào di truyền. Nhưng rốt cuộc rồi nhân cách vẫn thường được tạo nên bởi môi trường mà một người tình cờ lạc vào trong thời gian phát triển của mình, bởi cấu trúc xã hội mà trong đó anh ta lớn lên, bởi các truyền thống và sự phán đoán của xã hội về những hành vi khác nhau. Đối với con người cá thể, khái niệm “xã hội” trừu tượng có nghĩa là toàn thể các mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp của người ấy với những người đồng thời và tất cả những người thuộc các thế hệ trước. Con người cá thể có khả năng tư duy, cảm xúc, phấn đấu và làm việc độc lập; nhưng trong đời sống thể chất, lý trí và tình cảm của mình, cá nhân phụ thuộc vào xã hội đến nỗi không thể nào nghĩ đến và hiểu cá nhân bên ngoài khung cảnh xã hội. Chính “xã hội” là cái đem lại cho con người quần áo, chỗ ở, công cụ lao động, ngôn ngữ, các hình thức tư duy và đa số nội dung tư tưởng; con người sống được là nhờ công sức và thành tựu của nhiều triệu người trong hiện tại và quá khứ, tất cả đều ẩn sau cái từ nhỏ nhoi “xã hội”.

Vì thế, sự phụ thuộc của cá nhân vào xã hội là một quy luật tự nhiên, một quy luật – cũng như loài kiến và loài ong – con người không thể xóa bỏ được. Tuy nhiên, trong khi cả quá trình sống của các loài ong kiến bị ràng buộc cho tới từng chi tiết nhỏ bởi bản năng di truyền bất biến, các mẫu hình xã hội và các mối quan hệ tương hỗ của con người dễ biến đổi và nhạy cảm với sự đổi thay. Ký ức, khả năng tạo ra cái mới và năng khiếu giao tiếp bằng lời nói là điều kiện cho con người có những phát triển không chịu sự chi phối của các nhu cầu sinh học. Các phát triển như thế hiện rõ qua những truyền thống, thiết chế và tổ chức; qua văn chương; qua những thành tựu khoa học kỹ thuật; qua những tác phẩm nghệ thuật. Điều ấy giải thích vì sao con người, trong một ý nghĩa nào đó, có thể tự tác động đến đời sống của mình và vì sao trong quá trình này, tư duy và ý chí có thể giữ một vai trò.

Qua đường di truyền, con người khi sinh ra đã có một cơ sở sinh học phải được xem là vững chắc, không thể thay đổi. Nó bao gồm cả các bản năng tự nhiên vốn đặc trưng cho loài người. Ngoài ra, trong cuộc đời mình con người còn tiếp nhận từ xã hội một nền tảng văn hóa qua việc giao tiếp và nhiều loại ảnh hưởng khác. Chính cái nền tảng văn hóa ấy phải chịu thay đổi theo thời gian và chi phối mạnh mẽ các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Với những nghiên cứu đối chiếu các nền văn hóa gọi là “sơ khai”, ngành nhân chủng học hiện đại chỉ rõ rằng hành vi xã hội của con người có thể rất khác nhau và tùy thuộc vào những mẫu hình văn hóa, những cách thức tổ chức chiếm ưu thế trong xã hội. Đây chính là điều mà những ai mong muốn thay đổi số phận con người có thể đặt hy vọng vào: Không phải bởi nền tảng sinh học của mình mà con người buộc phải tiêu diệt lẫn nhau hay cam chịu những điều bất hạnh do con người tự gây ra cho mình.

Nếu chúng ta tự hỏi nên sửa đổi cơ cấu xã hội và quan điểm về văn hóa như thế nào để con người càng hài lòng với đời sống của mình càng tốt, thì chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng có những hoàn cảnh không thể nào thay đổi được. Như đã đề cập trước đây, trạng thái sinh học của con người, trên thực tế, không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi. Hơn nữa, những phát triển công nghệ và dân số học trong một vài thế kỷ gần đây đã tạo ra những điều kiện vững bền. Với một mật độ dân số tương đối cao và những vật dụng không thể thiếu cho sự tồn tại của họ, thì một sự phân công tối đa và một bộ máy sản xuất tập trung cao độ là hết sức cần thiết. Thời kỳ mà những cá nhân riêng lẽ hay những nhóm nhỏ có thể hoàn toàn tự cung tự cấp, thời kỳ có vẻ bình dị, yên ả khi hồi tưởng ấy đã vĩnh viễn qua rồi. Chỉ hơi cường điệu nếu khẳng định rằng nhân loại ngay bây giờ đã tạo thành một cộng đồng sản xuất và tiêu dùng toàn thế giới.

Bản chất cuộc khủng hoảng trong thời đại chúng ta

Đến đây, tôi có thể trình bày ngắn về vấn đề đối với tôi là bản chất cuộc khủng hoảng trong thời đại của chúng ta. Nó liên quan đến mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Hơn bao giờ hết, con người nhận thức về sự lệ thuộc của mình vào xã hội. Nhưng con người không trải nghiệm sự lệ thuộc ấy như một điều tích cực, một quan hệ hữu cơ, một sức mạnh che chở mình, mà như một mối đe dọa các quyền lợi tự nhiên hay ngay cả đời sống kinh tế của mình. Hơn nữa, con người có một vị trí trong xã hội cho phép các bản năng ích kỷ luôn luôn được nhấn mạnh, trong khi các bản năng xã hội vốn đã yếu thì ngày càng suy yếu hơn. Tất cả mọi người – cho dù họ có vị trí nào trong xã hội đi nữa – đều cảm thấy khổ sở vì quá trình ấy. Vô tình bị trói buộc bởi tính tự kỉ trung tâm, họ cảm thấy bất an, cô độc và mất đi niềm vui chân chất, giản dị và tự nhiên. Con người chỉ có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống ngắn và đầy nguy hiểm của mình qua sự cống hiến cho xã hội.

Theo quan điểm của tôi, tình trạng vô chính phủ về mặt kinh tế hiện nay là nguồn gốc của sự tha hóa. Trước mắt chúng ta là một cộng đồng sản xuất khổng lồ mà các thành viên không ngừng tìm cách tước đoạt lẫn nhau các thành quả lao động tập thể – không bằng bạo lực nhưng thường bằng sự nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ. Về phương diện này, điều quan trọng là nhận thức rằng các phương tiện sản xuất – tức là toàn bộ khả năng sản xuất cần thiết để làm ra hàng tiêu dùng cũng như tư liệu sản xuất mới – về mặt pháp lý có thể thuộc về tài sản cá nhân và đa số trường hợp cũng là như thế.

Để đơn giản hóa, sau đây tôi sẽ gọi “công nhân” là những người không sở hữu phương tiện sản xuất – mặc dù đó không hẳn là nghĩa thông thường của từ “công nhân”. Chủ sở hữu phương tiện sản xuất giữ một vị trí trong xã hội cho phép ông ta mua sức lao động của công nhân. Với các phương tiện sản xuất, người công nhân làm ra những sản phẩm mới và những sản phẩm này trở thành tài sản của nhà tư bản. Điểm chính yếu trong quá trình ấy là tỉ lệ giữa giá trị thực mà người công nhân tạo ra và tiền công anh ta thực sự nhận được. Nếu như hợp đồng lao động “để ngỏ”, tiền công của người công nhân không được định bởi giá trị thực của sản phẩm mà bởi nhu cầu tối thiểu của anh ta và yêu cầu về sức lao động của nhà tư bản so với số công nhân cạnh tranh việc làm với nhau. Điều quan trọng là nên hiểu rằng ngay cả trong lý thuyết, lương công nhân cũng chẳng được định bởi giá trị sản phẩm do anh ta làm ra.

Tư bản tư nhân có khuynh hướng tập trung vào tay một số ít người – một phần do sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản, phần khác do phát triển công nghệ và sự mở rộng phân công lao động đã thúc đẩy quá trình hình thành những đơn vị sản xuất lớn, làm thiệt hại những đơn vị nhỏ hơn. Kết quả của những tiến trình ấy là một tập đoàn tư bản đầu sỏ với quyền lực to lớn mà ngay cả một tổ chức chính trị có cấu trúc dân chủ cũng không kiểm soát được. Thật vậy, các đại biểu của cơ quan lập pháp được bầu bởi những đảng phái chủ yếu nhận tài trợ hoặc ít nhất cũng chịu tác động của những nhà tư bản tư nhân, những người trên thực tế tách biệt cử tri với ngành lập pháp. Hậu quả là các đại biểu nhân dân không bảo vệ đầy đủ quyền lợi của các bộ phận dân chúng thiệt thòi về mặt xã hội. Hơn nữa, trong điều kiện hiện hữu, tất nhiên các nhà tư bản kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp các phương tiện thông tin chính yếu (báo chí, đài phát thanh, hệ thống giáo dục). Vì thế nên công dân khó có thể, trong đa số trường hợp gần như không thể rút ra những kết luận khách quan và sử dụng các quyền chính trị của mình một cách khôn ngoan.

Tình trạng phổ biến trong một nền kinh tế dựa trên chế độ tư hữu về tư bản được mô tả bởi hai nguyên lý chính: thứ nhất, các phương tiện sản xuất (tư bản) thuộc sở hữu tư nhân, chủ sở hữu được tùy nghi sử dụng; thứ hai, hợp đồng lao động là hợp đồng để ngỏ. Dĩ nhiên không có xã hội tư bản nào là thuần túy theo đúng nghĩa. Đặc biệt cần lưu ý rằng sau những cuộc đấu tranh chính trị gay gắt và dai dẳng, công nhân đã thành công trong việc đảm bảo một hình thức sửa đổi đôi chút của “hợp đồng lao động để ngỏ” cho một số bộ phận công nhân nào đó. Nhưng nhìn chung, nền kinh tế hiện nay không khác gì chủ nghĩa tư bản “thuần túy” cho lắm.

Sản xuất vì lợi nhuận, không vì lợi ích. Không có một bảo đảm nào để những ai có khả năng và sẵn sàng làm việc đều có thể tìm được việc làm; gần như lúc nào cũng có một “đạo quân thất nghiệp”. Người lao động luôn luôn sợ mất việc làm. Vì những công nhân thất nghiệp và lương thấp không tạo thành một thị trường mang lại lợi nhuận nên việc sản xuất hàng hóa bị giới hạn và hậu quả là tình trạng nghèo khổ. Tiến bộ công nghệ thường khiến số người thất nghiệp tăng thêm thay vì làm giảm gánh nặng công việc cho tất cả mọi người. Cùng với sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản, động cơ lợi nhuận là nguyên nhân của sự bất ổn trong quá trình tích lũy vốn và đầu tư, khiến cho ngày càng có nhiều đợt suy thoái nặng nề hơn. Cạnh tranh vô giới hạn khiến lao động bị lãng phí rất nhiều và làm bại liệt ý thức xã hội của những cá nhân mà tôi đã đề cập tới.

Tôi cho rằng tình trạng bại liệt ấy là tai họa lớn nhất của chủ nghĩa tư bản. Cả hệ thống giáo dục của chúng ta phải chịu tổn thất vì nó. Sinh viên bị nhồi sọ là phải nỗ lực cạnh tranh với nhau, họ được tập luyện để tôn thờ sự thành công hám lợi như là bước chuẩn bị cho đường công danh của họ.

Vấn đề tập trung quyền lực trong chủ nghĩa xã hội

Tôi tin chắc rằng chỉ có một phương cách loại trừ tai họa nặng nề đó, ấy là thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa kèm theo một hệ thống giáo dục hướng tới những mục tiêu xã hội. Trong một nền kinh tế như thế, các phương tiện sản xuất thuộc về xã hội và được sử dụng theo kế hoạch. Một nền kinh tế kế hoạch điều tiết sản xuất theo nhu cầu sẽ phân phối công việc cho tất cả những ai có khả năng lao động và bảo đảm sinh kế cho mọi đàn ông, đàn bà cũng như trẻ con. Ngoài việc giúp con người khai thác năng khiếu bẩm sinh của mình, hệ thống giáo dục còn cố gắng phát triển trong con người một ý thức trách nhiệm đối với đồng loại, thay vì ca tụng quyền lực và sự thành công như trong xã hội hiện tại của chúng ta.

Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng một nền kinh tế kế hoạch chưa phải là chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế kế hoạch theo cách hiểu thông thường có thể kèm theo một sự nô dịch hóa cá nhân hoàn toàn. Thành tựu của chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải có giải đáp cho vài vấn đề chính trị – xã hội vô cùng khó khăn: Xét đến việc tập trung hóa cao độ những lực lượng chính trị và kinh tế, làm thế nào để có thể ngăn ngừa một bộ máy quan liêu có quyền lực tuyệt đối, vô hạn? Làm thế nào để các quyền lợi của cá nhân được bảo vệ và nhờ đó mà một đối trọng dân chủ của bộ máy quan liêu được bảo đảm?

Nhận thức về các mục tiêu và vấn đề của chủ nghĩa là vô cùng quan trọng trong thời kỳ quá độ của chúng ta. Trong điều kiện hiện nay, việc thảo luận các vấn đề ấy một cách cởi mở, tự do là điều cấm kị [3] nên tôi cho rằng sự sáng lập tạp chí này là một dịch vụ công quan trọng.

—————————————————–

Chú thích:

[1] Các tiểu đề và lời chú thích là của người dịch.

[2] Thorstein Veblen (1827-1929): nhà kinh tế học và xã hội học Hoa Kỳ, nghiên cứu về sự hình thành chủ nghĩa tư bản độc quyền của Mỹ, lý thuyết về xã hội, những quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng v.v. Ông có ảnh hưởng lớn trong giới khoa học kinh tế quốc dân và xã hội học ở Mỹ.

[3] Chắc hẳn Einstein muốn nói đến chính sách chống cộng cực đoan ở Mỹ trong “thời kỳ McCarthy” (1947-1956). Không kể nhiều đảng viên cộng sản và lãnh tụ phái tả, những người bị tình nghi âm mưu lật đổ, phá hoại, hoạt động gián điệp đều là đối tượng của chính sách này. Trong số đó, có nhiều nhà khoa học (ví dụ như Edward Condon, Robert Oppenheimer, Albert Einstein) và nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng (Charlie Chaplin, Thomas Mann, Bertold Brecht, Arthur Miller v.v.). Họ bị theo dõi, thẩm vấn điều tra, cách chức hay trục xuất, thậm chí bị án tù. Nặng nề nhất là trường hợp hai vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg bị kết án tử hình vì tội cung cấp tài liệu làm bom nguyên tử cho Liên Xô, chủ yếu chỉ dựa trên lời khai của một em trai của Ethel. Năm 1953, hai người bị tử hình, bất kể sự phản đối dữ dội trên khắp thế giới.

Theo PRO&CONTRA