Cuộc đời bi kịch của nữ điệp viên Krystyna Skarbek

Câu chuyện về những người hùng thời chiến thường có 2 màu đen và trắng. Những anh hùng rạng ngời thường rất gan dạ và khi họ chiến thắng thì sẽ diễu hành xuống đường để gặt hái cơn mưa huy chương, rồi đoàn tụ gia đình và sống hạnh phúc trọn đời.

Nhưng nữ điệp viên người Ba Lan Krystyna Skarbek (còn có các tên khác là Christine Skarbek, Christine Granville và Jacqueline ‘Pauline’ Armand) dù là một trong những người hùng của thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai (ĐCTGII), lại có một kết thúc không có hậu: bị tình nhân sát hại, không được trao huân/ huy chương, không được vinh dự diễu hành mừng chiến thắng. Hoàn toàn bị phủi sạch mọi công lao.

Khởi đầu không suôn sẻ

Krystyna Skarbek sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng khá rắc rối. Để kiếm thật nhiều tiền, người cha Jerzy Skarbek quyết định kết hôn với một quý bà giàu có là người thừa kế của Goldfeders, một gia đình chủ ngân hàng gốc Do Thái. Dù đã lập gia đình nhưng Jerzy lại dành ít thời gian cho vợ, tiếp tục sống phiêu lưu, du lịch, tán gái, cưỡi ngựa, cờ bạc và tiệc tùng. Rồi rất nhanh người vợ cũng bắt chước chồng. Nhưng ngay cả mối quan hệ giữa Krystyna và cha ruột cũng không mấy phẳng lặng.

Ông Jerzy Skarbek qua đời vào năm 1930, khi gia đình nợ như chúa chổm. Mang trong mình nửa dòng máu Do Thái, bà đã sớm chịu sự phân biệt đối xử ngay trong tầng lớp quý tộc Ba Lan. Sống cùng người cha phóng túng nên từ nhỏ Krystyna đã thiếu kỷ luật nên không thể tốt nghiệp ngôi trường nữ sinh thượng lưu. Bù lại, ở Krystyna lại có vẻ đẹp rực rỡ, sắc sảo và quyến rũ, vì thế mà cô gái trẻ nhanh chóng được công nhận trong xã hội nghệ thuật và quý tộc ở Warsaw.

Rồi Krystyna kết hôn với một thương gia trẻ và giàu có tên là Gustav Gettlich. Cuộc hôn nhân kéo dài không đầy 1 năm thì tan vỡ khi người chồng Gustav muốn bắt vợ ở nhà làm nội trợ, nhưng cá tính độc lập và khó đoán của Krystyna lại quá lớn, họ không tìm thấy điểm chung. Ngay sau khi ly dị, Krystyna đã rời thủ đô Warsaw và chuyển tới sống ở Zakopane, đó là một khu nghỉ mát y tế trứ danh của Ba Lan nằm ngay trong rặng núi Tatra. Tại đây, Krystyna đã giành chiến thắng khi trở thành Hoa hậu trượt tuyết và có những mối quan hệ gần gũi với các hướng dẫn viên miền núi, giới buôn lậu và xã hội địa phương. Sau đó, bà đã gặp người chồng thứ hai tên là Jerzy Gizycki. Jerzy là một nhà ngoại giao kỳ cựu và hơn vợ 20 tuổi. Người đàn ông này cũng nằm trong số ít những quý ông có địa vị cao trong xã hội Ba Lan, cùng sự nổi tiếng đủ lớn để cưới Krystyna.

Cuộc đời bi kịch của nữ điệp viên Krystyna Skarbek - Ảnh 1.

Hình ảnh Christine Granville vào năm 1950 Ảnh nguồn: KEYSTONE/HULTON ARCHIVE/GETTY IMAGES.

Trở thành điệp viên của Anh

Ngay sau khi kết hôn, ông Jerzy Gizycki nhận quyết định thuyên chuyển làm lãnh sự ở Kenya. Thời kỳ đó hai vợ chồng đi tàu mất nhiều tuần để đến Phi Châu, rồi họ đến Johannesburg vào cuối tháng 8 năm 1939. Nhưng trước khi hai vợ chồng đến Kenya thì tin tức về ĐCTGII bùng nổ. Chính phủ Ba Lan không khẩn báo cho dân chúng biết và nỗi thống khổ từ họa xâm lăng của Adolf Hitler, hai vợ chồng quay xe lại bờ biển và đón chuyến tàu đầu tiên để sang Châu Âu. Vào thời điểm hai vợ chồng đặt chân lên đất Anh, không có người Ba Lan hay chính phủ Ba Lan lưu vong nào được thành lập ở Anh. Quân đội Ba Lan bắt đầu tái tập hợp lại ở Pháp sau khi bị đánh bại hoàn toàn trong cuộc xâm lược của Hitler. Không có khả năng tham gia cuộc chiến với phía Ba Lan, Krystyna liền quyết định gia nhập tình báo Anh.

Nhờ các mối quan hệ bạn bè, Krystyna đã bắt liên lạc với các viên chức của Cục tình báo mật (SIS) và trở thành một điệp vụ Anh. Trên sân khấu cuộc chiến khi đó, Anh không có kế hoạch thực sự nào để phản công Đức Quốc xã (ĐQX), nhưng Krystyna quan tâm mạnh mẽ tới việc nuôi dưỡng phong trào cách mạng Ba Lan cũng như xâm nhập vào phòng tuyến Đức. Và đó là lý do tại sao Krystyna được gửi sang Hungary nhằm xây dựng cơ sở hoạt động cho đất nước Ba Lan bị chiếm đóng. Sứ mạng của điệp viên Krystyna ở Budapest là thu thập tình báo về tình hình Ba Lan và báo cáo cho Cục chiến lược đặc biệt (SOE, tổ chức tình báo mật thời chiến của Anh). Krystyna hoạt động rất thành công nhờ sự hợp tác với ông Andrzej Kowerski (Andrew Kennedy) – người khi ấy tiến hành đưa binh lính và quan chức từ Ba Lan sang Hungary. Tuy nhiên, Krystyna lại rất háo hức khi đi Ba Lan một mình nhằm lấy được những dữ liệu đầu tay và liên lạc với các phong trào cách mạng bí mật của Ba Lan.

Để vào đất nước Ba Lan cần phải băng qua rặng Tatra bằng đường bộ, vượt qua các hẻm núi. Những người viết tiểu sử của Krystyna biết được rằng bà đã thu thập nhiều tin tình báo chất lượng từ một nhóm gây tranh cãi có tên là Musketeers. Một trong những bằng chứng có giá trị về tội ác của ĐQX chống lại người Do Thái và người Ba Lan đó là điệp viên Krystyna đã quay lén một cuộn vi phim với dữ liệu về việc triển khai quân đội Đức để chuẩn bị xâm lược Liên Xô. Vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, ĐQX đã mở Chiến dịch Barbarossa nhắm mục tiêu xâm lược toàn bộ lãnh thổ Liên Xô. Krystyna nằm trong số những điệp viên đầu tiên đã chuyển tải một phần cuộn vi phim cho Các lực lượng đồng minh phương Tây. Trong lần vượt biên lần thứ 4 vào Ba Lan, lính canh Slovakia đã bắt giữ Krystyna.

Dù Krystyna đã lập mưu trốn thoát, nhưng nhiều tài liệu và ảnh của bà đã được chuyển tới Gestapo, vài ngày sau đó nữ điệp viên bị bắt ở Budapest. Nhờ vào việc giả các triệu chứng bệnh lao ở giai đoạn cuối, Krystyna đã thoát khỏi Gestapo, và cùng với Andrzej Kowerski ra khỏi Hungary đến Romania an toàn trong một cốp xe hơi ngoại giao. Họ được cấp lại danh tính và các tài liệu mới, và bản thân điệp viên Krystyna mang tên mới là Christine Granville, còn ông Andrzej Kowerski đổi tên mới là Andrew Kennedy. Tiếp đó họ xuôi phương Nam và đi qua các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Palestine và đến Cairo, Ai Cập - “cơ quan quan sát” của Đông Âu tại thời điểm đó.

Cuộc đời bi kịch của nữ điệp viên Krystyna Skarbek - Ảnh 2.

Francis Cammaerts (1916-2006), một điệp viên của SOE trong Thế Chiến II, tại lễ tang của cựu điệp viên Christine Granville ở Kensal Green (London). Ảnh: Daily Mail.

3 năm mắc kẹt ở Cairo

Lúc đặt chân đến Cairo, Christine Granville và Andrew Kennedy được “chào đón” bằng sự buộc tội là “điệp viên hai mang”, hồ sơ của họ đã bị đóng băng. Có nhiều lý do giải thích cho sự mất lòng tin mà họ phải đối mặt. Trước hết, tổ chức cách mạng chính yếu của Ba Lan đã không tin họ do sự hợp tác của họ người với tổ chức gây tranh cãi Musketeers. Thật không may, những thành viên của Musketeers đã tạo ra sự ngờ vực giữa các tướng lĩnh SOE. Xa hơn, hoàn cảnh trốn thoát khỏi Gestapo và hành trình hoạt động xuyên lục địa của hai người càng tăng thêm sự hoài nghi. Bởi dư luận thời bấy giờ luôn chắc chắn rằng không ai có thể sống sót nổi một khi bị Gestapo thẩm vấn, ngoài ra, thật khó để người ta tin rằng hai người lại có thể vượt trót lọt Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do Vichy (chính phủ Pháp hợp tác với phe Trục phát xít) đang kiểm soát suôn sẻ.

Đối với bà Christine thì việc bị quy kết của chính quyền Ai Cập thực sự là cú đập mạnh. Kể từ thời điểm bắt đầu chiến tranh, điều duy nhất mà Christine muốn là phải có mặt ở tiền phương nhằm tái lập cho quê hương càng nhanh càng tốt. Thay vào đó, bà bị ngăn cản tham gia vào bất kỳ sứ mệnh mới nào của SIS và được đối xử theo kiểu nhân sự nhàn rỗi. Bầu không khí như vậy khiến bà mệt mỏi. Suốt 3 năm, Christine và Andrew đã bị mắc kẹt ở Cairo. Đó là thời khắc khó khăn nhất của họ. Cả hai bị gạt ra, hoặc chỉ tham gia các nhiệm vụ đơn giản. Cuối cùng, vào năm 1943, nhờ một chỉ huy mới của SOE mà Christine đã tham gia nhiệm vụ trong mơ của mình: thay thế một người giao liên làm công việc văn thư cho một lãnh tụ cách mạng ở miền Nam nước Pháp, Francis Cammaerts.

Lập chiến công ở mặt trận Pháp

Lần thứ 3 Krystyna phải mang một cái tên khác để hoạt động: Jacqueline Armand (bí danh Pauline). Bà trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt bao gồm các hoạt động nhảy dù, sử dụng vũ khí cận chiến, xử lý chất nổ và mã Morse. Tháng 7 năm 1944, Jacqueline được thả xuống khu vực lâu đài Vercors và ngay lập tức bà trở thành một trong những cộng sự gần kề và đáng tin cậy nhất của Francis Cammaerts. Jacqueline được kính trọng và đánh giá cao là vì bà am hiểu địa hình khu vực và xã hội, cũng như biết cách “tàng hình” ở những vùng núi cao. Cuối năm 1944, ngay đêm đổ bộ của quân Đồng Minh vào miền Nam nước Pháp, lãnh tụ Francis Cammaerts đã bị bắt cùng với 2 sĩ quan SOE khác.

Viên chức thẩm vấn Gestapo không biết Francis và những đồng đội của ông là ai, nhưng chỉ vì họ có những tờ tiền chung series nên gã này đã hạ lệnh xử tử họ trong vòng 48 tiếng. Nhận được mật báo, Jacqueline liền nảy ra một kế táo bạo để giải thoát chỉ huy và các đồng đội. Bà tìm đến nhà ngục của Gestapo ở Digne-les-Bains (Pháp) và ung dung sải bước vào văn phòng của Albert Schenck, sĩ quan liên lạc của Gestapo. Jacqueline giới thiệu mình là vợ của Francis Cammaerts và là cháu gái của Thống chế Anh, Bernard Montgomery. Bà thông báo cho gã này về kế hoạch xâm lược Pháp của quân Đồng Minh và số phận viên sĩ quan đã được định đoạt (nếu y rơi vào tay du kích Pháp) trừ phi giúp thả “người chồng” và 2 nhân viên của ông ra. Jacqueline thuyết phục hoàn hảo đến nỗi Abert tin tưởng và đồng ý hợp tác.

Một khoản “hối lộ” lên tới 2 triệu Franc (số tiền bảo đảm sự an toàn cho Albert Schenck và 2 viên sĩ quan) đã đưa 3 sĩ quan SOE ra khỏi nhà lao, rồi đặt lên một chiếc xe tải nhỏ, sau đó chạy ra khỏi cổng ngục thất Digne chỉ vài giờ trước khi kế hoạch xử tử bắt đầu! Vài tuần sau đó, Jacqueline lập mưu thuyết phục 2.000 đàn ông Ba Lan (từng gia nhập quân đội Đức theo đúng nghĩa đen) mạnh bạo trút bỏ quân phục của họ và nổi dậy chống lại các cấp chỉ huy. Chẳng mấy chốc quân Đồng Minh đã giải phóng nước Pháp. Điệp viên Jacqueline (Krystyna) được gọi quay về Anh để báo cáo tình hình.

Bị phủi sạch công lao

Ngay cả trước khi về lại London, Jacqueline đã nhận tin tức về Khởi nghĩa Warsaw mà đành bất lực không thể tham gia. Cách Warsaw vài km, Hồng quân Liên Xô đã dừng chân. Khởi nghĩa Warsaw đã bùng nổ trong vòng 2 tháng và 1 ngày khiến vùng thủ đô bị thiêu rụi và dân cư bị tiêu vong rất nhiều. Ngay khi đó, Jacqueline lại được lệnh phải đến Cairo, điều bà lo sợ cho tương lai đã thành sự thật.

Bất chấp những lá thư tuyệt vọng gửi đến các cấp chỉ huy SOE, họ không tuyển dụng Krystyna nữa. Do cả gia đình bị xóa sổ trong chiến tranh, giờ đây Krystyna không còn ai, không còn nơi quay về. Ban đầu, người Anh từ chối cấp hộ chiếu cho Krystyna, sau đó nhờ các chỉ huy SOE, bà mới có nó. Để tồn tại trên đất Anh, Krystyna phải làm đủ việc lặt vặt. Cuộc sống của bà trở nên bơ vơ và sầu não.

Khoảng năm 1951, Krystyna có một mối tình không mấy êm đẹp với Dennis George Mulldowney, một công nhân người Ireland. Họ cũng không tìm thấy tiếng nói chung, Krystyna đã biên thư cho ông Andrzej Kowerski (Andy Kennedy), họ luôn xem nhau là bạn chí thân, bà muốn nhờ ông đưa mình đi khỏi London. Andrzej đồng ý nhưng đến trễ. Ngay trên cầu thang của khách sạn Shelbourne (London) vào ngày 15 tháng 6 năm 1952, Dennis Muldowney đã đâm chết Krystyna. Một cái chết nghiệt ngã khi bà khăng khăng muốn rời nước Anh để có cuộc sống mới. Dennis ở bên cạnh xác chết cho đến khi cảnh sát ập tới và yêu cầu được tử hình càng sớm càng tốt. Theo tín ngưỡng công giáo, Dennis muốn đoàn tụ với người tình sau khi chết, nhưng thực thế thì y đã bị tuyên án và xử giảo 3 tháng sau đó.

Văn Chương

Theo Soha