Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba suýt dẫn đến 'Ngày tận thế hạt nhân'

Mọi thứ diễn ra vào ngày “Thứ Bảy đen tối” 27/10/1962, khi suýt nữa những mệnh lệnh được đưa ra mà rất có thể sẽ làm thay đổi lịch sử của nhân loại.

Tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 của Liên Xô. Ảnh: CIA
Tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 của Liên Xô. Ảnh: CIA

Nguồn cơn của cuộc khủng hoảng

Ngày 14/10/2021 tròn 59 năm ngày bắt đầu cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hay còn gọi là cuộc khủng hoảng tháng Mười tại Cuba kéo dài 13 ngày (từ ngày 14/10 đến 28/10/1962). Hầu hết các nhà sử học coi đây là thời điểm tiến đến gần nhất sự tự hủy diệt nhân loại bằng chiến tranh hạt nhân. Mọi việc khi đó bắt đầu với việc Mỹ triển khai 15 tên lửa tầm trung PGM-19 Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ. Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, cũng như có thể dễ dàng tấn công Moscow và hầu hết các trung tâm công nghiệp và hành chính của Liên Xô.

Tên lửa PGM-19 Jupiter được cho là có thể chạm đến mục tiêu chỉ trong 10 phút, nhưng trên thực tế Liên Xô hoàn toàn không thể phòng thủ trước một cuộc tấn công tiềm tàng. Hơn nữa, vào thời điểm đó Liên Xô có sự tụt hậu đáng kể so với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân chiến lược. Liên Xô có số lượng đầu đạn và phương tiện mang vũ khí hiệu quả ít hơn nhiều lần. Cụ thể, nước này sở hữu chỉ 300 đầu đạn và quả bom, trong khi phía Mỹ có đến 6.000. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là liệu Liên Xô có thể tấn công đáp trả hay không. Được bố trí ở vị trí rất gần và nguy hiểm như vậy, nên những tên lửa PGM-19 Jupiter đã làm thay đổi nghiêm trọng cán cân quân sự giữa các bên.

Cách thức đáp trả cho hành động này đã được Liên Xô đưa ra rất nhanh và đúng phong cách của nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev. Cho rằng người Mỹ ngang nhiên đẩy tên lửa đến sát sườn lãnh thổ của mình, nên Liên Xô sẽ đặt tên lửa ngay tại “sân sau” của người Mỹ, đó chính là Cuba. Hơn nữa, Tư lệnh Fidel Castro từ lâu đã mong muốn có một tình bạn thân thiết hơn nhiều với Moscow. Vì vậy, đây là cách mà ông sẽ chấp nhận. Nói cách khác, nhà lãnh đạo Fidel Castro thực sự không có bất kỳ phản đối nào trước một quyết định như vậy, bởi ông có lý do cụ thể của riêng mình nhằm bổ sung lực lượng quân đội Liên Xô và vũ khí nguyên tử trên hòn đảo Tự do.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba suýt dẫn đến 'Ngày tận thế hạt nhân' ảnh 1
Khu vực tên lửa Liên Xô được triển khai tại Cuba năm 1962. Ảnh: globallookpress.com

Chiến dịch Anadyr của Liên Xô

Cuba là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, án ngữ như một “khúc xương trong cổ họng” của Washington, nên nhà lãnh đạo nước này hiểu rằng, nỗ lực mang đến hòn đảo “nền dân chủ” bằng bom và tên lửa chỉ là vấn đề thời gian, và điều đó sẽ sớm xảy ra. Vì vậy, có thể sự hiện diện quân đội Liên Xô tại đây sẽ làm nguội những cái đầu nóng của Mỹ? Theo đó, Liên Xô đã bắt đầu Chiến dịch Anadyr với hơn 20 tên lửa đạn đạo tầm trung R-12 được phóng qua đại dương, bắn trúng ở khoảng cách 2.000 km, cùng 16 tên lửa R -16 có tầm bắn xa gấp đôi. Mỗi tên lửa có thể mang theo đầu đạn nhiệt hạch có sức công phá 1 megaton bay đến Washington, cũng như hầu hết các căn cứ không quân chiến lược của Mỹ.

Vấn đề bắt đầu xảy ra từ thời điểm những chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ sục sạo khắp bầu trời Cuba để xác định các vị trí đặt tên lửa đạn đạo của Liên Xô. Một phóng sự ảnh về chủ đề này thoạt đầu được gửi đến Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA), sau đó là đến Lầu Năm Góc và Nhà trắng. Tin này được coi là một “gáo nước lạnh” đối với giới lãnh đạo Mỹ. Các cuộc tham vấn ở cấp cao nhất ngay lập tức được tiến hành nhằm đưa ra những hành động đáp trả. Cuối cùng, tất cả những đề xuất đã được thống nhất còn lại ba phương án chính, đó là tấn công vào tên lửa Liên Xô “trước khi quá muộn” (mặc dù trên thực tế đã là quá muộn), mở một cuộc xâm lược Cuba, hoặc phong tỏa hoàn toàn hòn đảo Tự do. Cuối cùng, người Mỹ đã lựa chọn phương án thứ ba là phong tỏa.

Quyết định “cách ly” Cuba của Mỹ

Vấn đề là phong tỏa đường biển, theo luật pháp quốc tế, được coi là hành động chiến tranh, khác hẳn với việc triển khai bất kỳ loại vũ khí nào tại một địa điểm nào đó. Phía Mỹ thực sự không muốn hành động như những kẻ xâm lược, nên ngày 22/10/1962, Tổng thống John F. Kennedy chỉ tuyên bố quyết định “cách ly” Cuba. Theo đó, Hải quân Mỹ sẽ tiến hành tuần tra khu vực xung quanh Cuba ở khoảng cách 500 hải lý nhằm “ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí đến hòn đảo này”. Moscow đã đáp trả một cách rõ ràng rằng, thuyền trưởng các tàu Liên Xô thậm chí sẽ không nghĩ đến việc tuân theo bất kỳ mệnh lệnh nào từ Hải quân Mỹ. Và trong trường hợp đó, Liên Xô sẽ thực hiện “bất kỳ biện pháp nào” nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu của mình.

Bốn con tàu chở đầy tên lửa được tháp tùng bởi bốn chiếc tàu ngầm tiếp tục hành trình đến hòn đảo Tự do. Sau đó, tình hình diễn biến theo một kịch bản khốc liệt: Cả Mỹ và Liên Xô, cũng như các đồng minh trong khối NATO và Tổ chức Hiệp ước Warszawa đã đưa quân đội nước mình vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, lãnh đạo các quốc gia liên tục trao đổi thư tín nhưng vẫn không có kết quả. Chiếc máy bay trinh sát U-2 tiếp theo bị tên lửa Liên Xô bắn rơi trên bầu trời Cuba và cái chết của phi công gần như dập tắt mọi nỗ lực đạt được một thỏa thuận hòa bình. Kết quả, mọi thứ diễn ra vào ngày “Thứ Bảy đen tối” 27/10/1962, khi suýt nữa những mệnh lệnh được đưa ra mà rất có thể sẽ làm thay đổi lịch sử của nhân loại.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng đã được giải quyết một cách thỏa đáng cho tất cả các bên. Theo đó, để đổi lấy việc Liên Xô rút quân đội và vũ khí hạt nhân ra khỏi Cuba, Washington đã đưa ra lời hứa chắc chắn sẽ từ bỏ kế hoạch xâm lược Cuba. Ngoài ra, Mỹ cũng đã rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó bắt đầu hành xử có phần khiêm nhường hơn.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba suýt dẫn đến 'Ngày tận thế hạt nhân' ảnh 2
Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev (bên trái) và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Ảnh: AF

Bắt giữ điệp viên “ba mang” Oleg Penkovsky

Ngày 22/10/1962, cùng ngày Tổng thống John F. Kennedy tuyên bố trên truyền hình về lệnh phong tỏa Cuba và những quả tên lửa Liên Xô đang nhắm vào nước Mỹ, đại tá tình báo Liên Xô Oleg Penkovsky, điệp viên “ba mang” làm việc đồng thời cho cả Mỹ và Anh, đã bị âm thầm bắt giữ tại Moscow. Cho đến nay, hiện vẫn còn diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt của những người có quan điểm trái ngược nhau về vai trò của ông ta trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, chính Penkovsky đã tiết lộ cho CIA về Chiến dịch Anadyr của Liên Xô, vì vậy mà người Mỹ luôn tỏ ra trong tình trạng báo động. Trong khi đó, một số khác thì cho rằng, những thông tin phía Mỹ có được về việc Điện Kremlin trong bất kỳ trường hợp nào cũng sẽ không lùi bước trong cuộc xung đột này đã buộc Washington phải nhượng bộ và ngăn chặn Tổng thống John F. Kennedy tấn công hòn đảo tự do.

Ngoài ra, những người khác nữa lại khẳng định rằng, vào thời điểm xảy ra sự kiện nghiêm trọng này, điệp viên “ba mang” Oleg Penkovsky đang bị các nhân viên Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) kiểm soát chặt chẽ, đến mức ông ta không thể truyền bất kỳ thông tin nào cho phương Tây.

Cuối cùng, Penkovsky đã bị tuyên án tử hình và xử bắn sau phán quyết của Tòa án Quân sự Tối cao Liên Xô, đồng thời cũng mang theo phần lớn bí mật của mình xuống tận nấm mồ.


Link gốc:

https://www.qdnd.vn