Đàm phán biên giới Việt – Trung: Chuyện kể của người trong cuộc (kỳ cuối)

Hai gói đàm phán mà Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tham gia để hoàn tất hồ sơ cho công tác phân giới cắm mốc ở biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc rất quan trọng.

 

Hai gói đàm phán cuối cùng mà Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được tham gia để hoàn tất hồ sơ cho công tác phân giới cắm mốc ở biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc là hai gói vô cùng quan trọng, nhạy cảm: gói sáu cửa khẩu trong đó có cột mốc 1116-1117 tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu nghị - Hữu nghị quan và các mốc giới tại khu vực Thác Bản Giốc – Cửa sông Bắc Luân.

Mốc 1116 đã được cắm thành công tốt đẹp, nhưng chỉ còn chưa đầy 10 ngày cho một cuộc đàm phán đầy khó khăn phía trước: Các mốc giới tại khu vực cửa sông Bắc Luân – thác Bản Giốc.

Gặp khó ở Bản Giốc

Quỹ thời gian eo hẹp và đếm ngược để hoàn thành công tác PGCM, kết thúc quá trình đàm phán biên giới đầy khó khăn, thăng trầm từ 1974 chỉ còn tính từng ngày tiến tới ký kết Nghị định thư PGCM và bản đồ đính kèm, ghi nhận kết quả PGCM và ký các văn kiện pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới (Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới, Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc).

dam phan bien gioi viet trung chuyen ke cua nguoi trong cuoc ky cuoi
  •  
  •  
  •  
  •  
Sơ đồ giải quyết khu vực sông Bắc Luân (bên trái) và sơ đồ giải quyết khu vực thác Bản Giốc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

   

“Qua trao đổi, phía bạn cũng có vài ý kiến dường như muốn lùi thời hạn hoàn thành PGCM để các trưởng đoàn mới có thời gian nhìn nhận vấn đề. Đàm phán cấp Chính phủ về phân định Vịnh Bắc Bộ chấm dứt tại Hà Nội cuối năm 2000, vì vậy bạn cũng có ý muốn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới đất liền sẽ tiến hành ở Bắc Kinh.

Nếu vậy cuộc đàm phán theo lịch 30/12/2008 bắt đầu tại Hà Nội sẽ không phải là phiên kết thúc vấn đề. Phía Việt Nam mong muốn kết thúc đàm phán tại Hà Nội đúng thời hạn. Đó là những vấn đề mà hai bên cần có sự trao đổi không chỉ cứng nhắc trong khuôn khổ đàm phán mà còn trên tinh thần xây dựng và tình hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai nước, để hoàn thành mục tiêu chung đúng hạn”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhớ lại.

Cuối cùng, những nỗ lực từ cả hai phía đã được đền đáp xứng đáng khi cuộc họp giữa hai Trưởng đoàn (được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao – số 1 Tôn Thất Đàm) vào trưa 31/12/2008 đã đi đến thống nhất các vấn đề cơ bản về vị trí các mốc giới cuối cùng tại khu vực cửa sông Bắc Luân và thác Bản Giốc và quan trọng nhất là nội dung của nó đã đảm bảo được lợi ích của cả hai bên.

“Hai đoàn thống nhất đến 17 giờ cùng ngày sẽ tổ chức họp báo tại Nhà khách Chính phủ (số 2 Lê Thạch) để ký Biên bản cuối cùng và ra Tuyên bố kết thúc đàm phán. Thông báo đã được phát đi cho các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, “đêm 30 chưa phải là Tết”, các vấn đề liên tục nảy sinh và thành viên cả hai đoàn vẫn liên tục làm việc kể cả trong lúc di chuyển địa điểm họp nhằm đảm bảo có được tiếng nói chung trong sơ đồ thực địa kèm theo Biên bản sẽ được ký vào chiều tối cùng ngày”, ông nói.

Theo luật pháp quốc tế và Hiệp ước hoạch định biên giới 1999, biên giới sông suối đi theo trung tuyến luồng chính. Về mặt kỹ thuật, luồng sâu hiện tại ở phía Nam cồn Pò Thoong. Trong cuộc họp trưa cùng ngày, hai trưởng đoàn đã thống nhất đối với gói Thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân, biên giới sẽ không đi theo luồng trung tuyến dòng chảy chính mà sẽ kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật.

Theo đó, tại thác Bản Giốc, Đường biên giới được thỏa thuận đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong, cắt qua cồn Pò Thoong (rộng 3ha), (phía Việt Nam 1/4 cồn, phía Trung Quốc 3/4 cồn) trước khi đổ vào nhánh chính của sông Quây Sơn quy thuộc ½ thác chính và toàn bộ thác phụ cho Việt Nam, ½ thác chính cho Trung Quốc.

Tại cửa sông Bắc Luân, đường biên giới quy thuộc ¾ bãi Tục Lãm (rộng 42 ha) và 1/3 bãi Dậu Gót cho Việt Nam, ¼ Tục Lãm và 2/3 bãi Dậu Gót cho Trung Quốc). Hai bên cũng đã ký Hiệp định về quy chế đi lại bảo đảm việc đi lại cho người dân tại khu vực.

Tuy nhiên, do có sự hiểu nhầm nên bộ phận pháp lý – kỹ thuật của bạn lại vẽ đường biên giới đi cong, từ mốc 53 (cũ) chạy theo luồng sâu phía nam cồn Pò Thoong rồi mới lên cồn từ phía Tây Nam. Đường này không khớp với sơ đồ phía Việt Nam chuẩn bị thể hiện biên giới từ đất liền đi thẳng lên cồn từ phía Đông Bắc.

Mâu thuẫn dẫn đến khả năng việc ký Biên bản cuối cùng có thể không diễn ra nếu không thống nhất được sơ đồ. Trước tình huống này, phía bạn đề xuất: “Hai bên sẽ ký biên bản trước và sơ đồ để sau”.

Tuy nhiên, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết, “Sơ đồ chỉ có giá trị khi nó đi kèm Biên bản. Chính vì vậy, muốn kết thúc đàm phán đúng thời hạn thì phải thống nhất được sơ đồ thực địa. Nếu không, sau khi ký Biên bản sẽ tiếp tục cần đến các cuộc đàm phán khác và việc cắm mốc tại các khu vực này sẽ tiếp tục kéo dài.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai phía, cụ thể là người dân hai nước sinh sống và quản lý đi lại trong khu vực các mốc giới này”.

Giao thừa “trắng” ở Hà Nội

19 giờ, buổi lễ vẫn chưa diễn ra. Các phóng viên, cả trong nước cũng như quốc tế, đã chờ tại phòng họp báo hơn hai tiếng. Tất cả đều sốt ruột. Trong khi Trưởng đoàn Vũ Dũng vẫn kiên định việc hoàn thành sơ đồ được ký cùng với Biên bản thì phía bạn đưa ra đề xuất: Hai trưởng đoàn ra tuyên bố kết thúc đàm phán trước để mọi người khỏi chờ đợi, sau đó sẽ ký Biên bản kèm sơ đồ trong đêm.

Đề xuất này được phía Việt Nam chấp nhận. Chuyên viên hai đoàn thở phào còn bộ phận pháp lý - kỹ thuật do ông Thao điều hành vẫn chưa xóa được nỗi lo!

Sau Tuyên bố chung, các chuyên viên pháp lý - kỹ thuật gấp rút hoàn thiện các tài liệu. “Đó là đêm Giao thừa tết Dương lịch, người dân đổ tới khu vực Bờ Hồ rất đông do có sự kiện phố hoa và khai trương tượng Lý Thái Tổ. Ngay cạnh đó, trong Nhà khách Chính phủ - chúng tôi căng mình làm việc cho thời khắc lịch sử” - Đại sứ Thao nhớ lại.

Đúng 2 giờ 5 phút ngày 1/1/2009, hai trưởng đoàn chính thức ký tắt vào Biên bản và sơ đồ phân giới cắm mốc cuối cùng, với các cột mốc và biên giới đi thẳng từ mốc 53 cũ lên cồn Pò Thoong theo đúng tinh thần đàm phán của hai trưởng đoàn, hoàn thiện toàn bộ hồ sơ PGCM cho Nghị định thư để trình lên Lãnh đạo hai nước ký.

“Tất cả chúng tôi lặng đi. Khi thời khắc lịch sử đó diễn ra chỉ có hai đoàn và anh chị em phục vụ của Nhà khách Chính phủ, không có phóng viên nào chứng kiến. Chúng tôi ôm nhau, nước mắt rưng rưng khi nhìn lại khối lượng công việc mà cả hai bên đã hoàn thành trong suốt hơn 8 năm ròng PGCM và xa hơn là 35 đàm phán (1974-2009). Những nỗ lực từ hai phía và sự trông mong của nhân dân hai nước thật khó mà đong đếm được”, ông nói.

“Chúng tôi ôm nhau, nước mắt rưng rưng khi nhìn lại khối lượng công việc mà cả hai bên đã hoàn thành trong suốt hơn 9 năm ròng PGCM và xa hơn là 35 đàm phán”. (Đại sứ Nguyễn Hồng Thao)

Và, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam và Trung Quốccó một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý được hai bên thống nhất và trên thực địa, có giá trị trường tồn với hai quốc gia, tạo điều kiện tăng cường giao lưu hữu nghị và phát triển hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật... giữa hai nước. Ngay sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, ngày 2/1/2009, tuyến đường sắt Hà Nội - Nam Ninh đã được đưa vào hoạt động.

“Ba rưỡi sáng, các công việc còn lại mới thực sự được hoàn thành. Tôi điện ngay cho tỉnh Cao Bằng truyền đạt chỉ đạo của trên triển khai ngay việc xây nền mốc 835 (2) và 836 (2) bên phía Việt Nam ở bờ sông Quây Sơn. Phía tỉnh Cao Bằng cũng đón giao thừa trắng đêm chờ tin”, ông chia sẻ.

“Chúng tôi nhẹ nhõm ra về trên đường phố Hà Nội vắng lặng và tinh khiết lạ thường. Tôi nhớ, đêm đó, trời mưa bay. Những đêm mưa bay nhẹ sau khi hoàn thành nhiệm vụ thật là những kỷ niệm không quên”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hồi tưởng.

Qua ánh mắt chan chứa niềm tự hào của vị Đại sứ, tôi thấy như sự kiện ấy chỉ mới vừa diễn ra với ông ngày hôm qua. Ông bảo: “Trong sự nghiệp làm ngoại giao của tôi – 2008 là một năm thực sự đáng nhớ. Tôi thật may mắn được tham gia và chứng kiến sự kiện tuyệt vời đó! Và, tôi muốn dành những trang hồi ức này tới anh Vũ Dũng, người thủ trưởng đáng kính đã đi xa”.

dam phan bien gioi viet trung chuyen ke cua nguoi trong cuoc ky cuoi
Lễ chào mừng hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tháng 2/2009.

KHÁNH NGUYỄN

Nguồn: TGVN
Nguồn:vpdf.org.vn Copy link