Hành trình ly kỳ của khẩu pháo giúp Ukraine giành lại đảo Rắn

Từ chỗ suýt bị phá hủy, khẩu lựu pháo 2S22 của quân đội Ukraine được cho là đã đóng vai trò lớn trong việc tấn công lực lượng Nga trên đảo Rắn.

Sau một thời gian kiểm soát, lực lượng Nga đã rút khỏi đảo Rắn của Ukraine ở biển Đen ngày 30.6. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đây là "cử chỉ thiện chí" nhằm chứng minh rằng Nga không cản trở việc xuất khẩu hàng hóa từ các cảng ở Ukraine.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố quân đội nước này đã đóng vai trò then chốt trong việc đẩy lực lượng Nga chạy khỏi hòn đảo bằng xuồng cao tốc. Bộ Quốc phòng Ukraine công bố một đoạn video trong đó khẩu lựu pháo 2S22 Bohdana lắp trên xe tải bắn về phía hòn đảo, cách bờ biển Ukraine vài chục ki lô mét.

Hành trình ly kỳ của khẩu pháo giúp Ukraine giành lại đảo Rắn - ảnh 1

Khói bốc lên từ đảo Rắn trong ảnh chụp ngày 29.6

REUTERS

Máy bay không người lái TB-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã giúp nhắm mục tiêu cho quả đạn pháo 155 mm, đồng thời thực hiện loạt đạn tiếp theo để diệt các mục tiêu còn lại.

Việc Nga rời khỏi đảo Rắn đánh dấu giai đoạn mới trong cuộc tranh giành giữa hai bên đối với quyền kiểm soát hòn đảo trơ trọi này, nằm ngay tuyến hàng hải giữa eo biển Bosphorous và Odessa.

Nga giành được hòn đảo ngay ngày đầu tiên mở chiến dịch quân sự nhưng sau nhiều tháng tấn công, lực lượng Ukraine đã khiến lực lượng Nga trên đảo không thể cầm cự dù được cho là đã đưa nhiều hệ thống phòng thủ đến.

Pháo 2S22 được sản xuất tại nhà máy cơ khí Kramatorsk tại thành phố Kramatork, tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine khoảng 5 năm trước. Khẩu pháo nặng 28 tấn có ưu thế hơn so với các loại pháo thời Liên Xô của Ukraine và bắn đạn 155 mm theo chuẩn NATO thay vì các loại đạn 122 mm hay 152 mm theo chuẩn Liên Xô.

Hành trình ly kỳ của khẩu pháo giúp Ukraine giành lại đảo Rắn - ảnh 2

Quân đội Ukraine đăng ảnh pháo 2S22 lên Facebook nói rằng loại pháo này là một trong những yếu tố dẫn đến "cử chỉ thiện chí" của Moscow

BỘ QUỐC PHÒNG UKRAINE

Theo Forbes, lực lượng Ukraine được cho là sở hữu số lượng hạn chế pháo 2S22, thậm chí khẩu pháo được dùng để tấn công đảo Rắn còn được cho là khẩu duy nhất còn lại. Khi quân đội Nga tán công miền đông Ukraine, nhân viên nhà máy đã tính đến việc phá hủy khẩu pháo để nó không rơi vào tay đối phương. Tuy nhiên, sự phản kháng mạnh mẽ của quân đội Ukraine sau đó đã cản bước lực lượng Nga và kế hoạch phá bỏ 2S22 bị gác lại.

Theo Forbes, loại pháo này mới chỉ bắn thử một vài lần vào tháng 10.2021. Kết quả có vẻ ổn nên hồi tháng 5, quân đội Ukraine đã triển khai nó ra tiền tuyến, có thể là tại miền đông.

Hành trình ly kỳ của khẩu pháo giúp Ukraine giành lại đảo Rắn - ảnh 3

Đảo Rắn trong ảnh chụp từ vệ tinh ngày 30.6

REUTERS

Hai tháng sau, 2S22 được triển khai đến tây nam Ukraine, có điểm gần nhất với đảo Rắn ở khoảng cách 32 km. Pháo 2S22 sử dụng loại đạn tiêu chuẩn có tầm bắn 40 km.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng Ukraine đã sử dụng các hệ thống vũ khí khác để tấn công hòn đảo trước khi 2S22 tham chiến. Theo trang The Drive, đó có thể là hệ thống rốc két phóng loạt HIMARS M142 do Mỹ vừa cung cấp.

Mặt khác, việc Nga rút khỏi đảo Rắn không đồng nghĩa lực lượng Ukraine sẽ quay trở lại hòn đảo này vì hệ thống điện, nước, trú ẩn đã bị phá hủy, cộng thêm nguy cơ bị Moscow tấn công trở lại bằng tên lửa.

Theo Thanh Niên