Mối hiềm khích trăm năm phía sau xung đột Armenia - Azerbaijan

Cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan có lịch sử từ đối đầu giữa hai cộng đồng dân cư tại nơi là giao điểm của các đế chế Ottoman, Nga và Ba Tư.

Nagorno-Karabakh, tên gọi kết hợp giữa các từ trong tiếng Nga và tiếng Thổ, có nghĩa là "ngôi vườn đen trên núi". Đây là khu vực không giáp biển nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Azerbaijan, nhưng phần lớn cư dân là người Armenia. Bao quanh Nagorno-Karabakh là một vùng được vũ trang hạng nặng.

Đặc điểm địa lý của khu vực biên giới Armenia - Azerbaijan càng khiến tình hình tại Karabakh thêm phức tạp, bởi khu vực tự trị Nakhichevan của Azerbaijan nằm kẹp giữa hai bên là lãnh thổ của Armenia. Bất cứ hành động quân sự nào của Azerbaijan tại Karabakh có thể dẫn tới việc Armenia trả đũa tại Nakhichevan.

Hiềm khích cả thế kỷ
Xung đột giữa các cộng đồng dân cư Armenia và Azeri ở Nagorno-Karabakh có nguồn gốc từ đầu thế kỷ 20, khi khu vực này là giao điểm giữa các đế chế Ottoman, Nga và Ba Tư. Trong khi đa phần cư dân Azeri theo đạo Hồi, người Armenia tại Nagorno-Karabakh chủ yếu theo Cơ Đốc giáo.

Khi Azerbaijan và Armenia gia nhập Liên Xô năm 1921, chính quyền trung ương ở Moscow sáp nhập Nagorno-Karabakh vào Azerbaijan, nhưng trao cho người dân tại đây quy chế tự trị.


Đến cuối thập niên 1980, căng thẳng kéo dài nhiều năm giữa cộng đồng người Arrmenia và người Azeri về quyền sở hữu khu vực Nagorno-Karabakh bùng nổ.

Năm 1988, cơ quan lập pháp Nagorno-Karabakh bỏ phiếu lựa chọn độc lập khỏi Azerbaijan và trở thành một phần của Armenia, châm ngòi cho bạo lực và các cuộc thanh trừng sắc tộc giữa các lực lượng người Azeri và người Armenia.

xung dot Armenia - Azerbaijan anh 1

Pháo của Azerbaijan khai hỏa tấn công vị trí quân Armenia hôm 28/9. Ảnh: Anadolu.

 

Mặc dù vậy, cộng đồng quốc tế không công nhận kết quả bỏ phiếu cũng như sự ly khai của Nagorno-Karabakh, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia tách ra từ Liên Xô

Năm 1991, Nagorno-Karabakh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, sau đó tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan. Tới năm 1992, xung đột mở rộng thành chiến tranh toàn diện giữa Armenia và Azerbaijan, gây ra cái chết của khoảng 30.000 người, đồng thời khiến hơn 1 triệu người mất nhà cửa.

Dưới sự hòa giải của Nga, Armenia và Azerbaijan đồng ý ký thỏa thuận ngừng bắn năm 1994, để lại vùng Nagorno-Karabakh dưới quyền quản lý tạm thời của Armenia.

Cũng trong năm 1994, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) thành lập nhóm công tác Minsk, nhằm thúc đẩy thương lượng thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa hai nước.

Các đồng chủ tịch của nhóm Minsk là Nga, Pháp và Mỹ không thừa nhận tuyên bố độc lập của Nagorno-Karabakh, nhưng đồng thời phản đối việc trao trả toàn bộ vùng này cho Azerbaijan trước khi đạt được một giải pháp chính trị cuối cùng.

Bất chấp nỗ lực của nhóm Minsk, hai quốc gia láng giềng từ chối giải quyết dứt điểm tranh chấp bằng con đường hòa bình.

Do vị trí địa lý Nagorno-Karabakh nằm cách xa các trọng tâm chính trị - an ninh của thế giới, các nước lớn cũng không mặn mà trong gây sức ép buộc Armenia và Azerbaijan sớm giải quyết dứt điểm tranh chấp.

Đồng thời, sự chia rẽ của các nước lớn trong nhóm Minsk đã biến vấn đề Nagorno-Karabakh thành một diễn đàn để cạnh tranh ảnh hưởng, thay vì kiến tạo hòa bình.

Nagorno-Karabakh cho đến nay vẫn được coi là một phần lãnh thổ Azerbaijan, nhưng do lực lượng ly khai kiểm soát.

Dầu mỏ và khí đốt
"Dầu mỏ đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột lần này", cơ quan tư vấn chính sách Atlantic Council bình luận.

Nagorno-Karabakh là nơi nằm không xa các tuyến đường ống dẫn dầu mỏ và khí đốt quan trọng của khu vực và thế gới.

Tuyến đường ống dẫn dầu chính của Azerbaijan là tuyến Baku-Tbilisi-Ceyhan, vận chuyển 80% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này, đi xuyên qua Georgia tới bờ biển phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.

Lượng dầu mỏ tương đương 1,2 triệu thùng chảy qua tuyến Baku-Tbilisi-Ceyhan mỗi ngày, chiếm hơn 1% sản lượng dầu mỏ thế giới.

Trong khi đó, tuyến ống dẫn Trans-Anatolian - chạy từ Baku, xuyên qua Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, với điểm cuối là Italy - đưa khí đốt từ biển Caspi tới thị trường châu Âu.

Cả hai tuyến ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan và ống dẫn khí đốt Trans-Anatolian đều chỉ nằm cách Nagorno-Karabakh trên dưới 60 km.

 

may bay F-16 Tho Nhi Ky ban roi may bay ArmeniaD anh 1

Một người lính gốc Armenia trong cuộc giao tranh với lực lượng của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh. 

Ảnh: Reuters/Bộ Quốc phòng Armenia.

 

"Xung đột Nagorno-Karabakh gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế một phần bởi nó đe dọa sự ổn định của khu vực được coi là hành lang cho các tuyến ống dẫn dầu và khí đốt tới các thị trường lớn của thế giới", công ty tư vấn OilX đánh giá.

Dầu mỏ và khí đốt từ vùng biển Caspi chỉ có hai con đường để tới phương Tây: một tuyến thông qua Nga, tuyến còn lại đi qua vùng Caucasus. Trong bối cảnh châu Âu hy vọng gia tăng tiếp cận với các nguồn năng lượng khai thác từ biển Caspi để giảm phụ thuộc vào Nga, xung đột ở Nagorno-Karabakh là tin tức không hề được mong đợi.

Nguồn tin từ Azerbaijan cáo buộc Armenia đã triển khai các tay súng thuộc lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) tới gần đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan. PKK là tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh đang hỗ trợ Azerbaijan trong cuộc xung đột, liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, một số nguồn tin từ Nga cho biết các tổ chức vũ trang Hồi giáo do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã được triển khai từ Syria tới Azerbaijan để chiến đấu chống lực lượng Armenia.

Nga, nước có liên minh quốc phòng với Armenia, cho biết đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng và “hiện không bàn về các lựa chọn quân sự”.

Ngày 29/9, Armenia cáo buộc tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi máy bay Su-25 của nước này và chiếc F-16 cất cánh từ Azerbaijan. Armenia cho biết vụ việc xảy ra trên lãnh thổ Armenia, chiếc Su-25 bị bắn rơi khi đang thực hiện một nhiệm vụ quân sự.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều lập tức bác bỏ cáo buộc nêu trên, đồng thời yêu cầu Armenia "rút quân khỏi vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng".

Trong bối cảnh lo ngại cuộc xung đột có thể lan rộng, kéo theo sự tham chiến của các nước trong khu vực, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến tổ chức cuộc họp khẩn cấp về vấn đề Nagorno-Karabakh trong ngày 29/9, theo đề nghị của Bỉ, cùng sự bảo trợ của Pháp và Đức.

Theo Duy Anh/Zingnews

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link