Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngại trao đổi thẳng thắn với Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt

Bà Merkel là nhà lãnh đạo thẳng thắn. Ngay tại Bắc Kinh, bà cũng không ngần ngại phê phán Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Ngày 19/10, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) của Đức đã thống nhất khởi động các cuộc đàm phán chính thức về việc thành lập một chính phủ liên minh, 3 tuần sau cuộc bầu cử quốc gia. Nếu các cuộc đàm phán diễn ra theo đúng kế hoạch, ông Olaf Scholz, Bộ trưởng Tài chính Đức và là ứng viên cho chức Thủ tướng, sẽ kế nhiệm bà Merkel sau 16 năm cầm quyền.

Nhân dịp này, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, cựu Đại sứ Việt Nam tại Đức đã chia sẻ về quan hệ Việt Nam và Đức trong thời gian tới.

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 1.

Với một nước phương Tây, chuyện một nhà lãnh đạo cầm quyền liên tục trong 16 năm là rất hiếm. Với hệ thống chính trị đa đảng, khó để một lãnh đạo đảng chính trị cầm quyền quá lâu. Bản thân ông Helmut Kohl thuộc đảng CDU từng giữ chức Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức) 16 năm, từ 1982 đến năm 1998, nhưng ông thuộc số ít. Còn bà Merkel thì là Thủ tướng của một nước Đức sau khi đã thống nhất, liên tục 4 nhiệm kỳ, 16 năm, và là nữ Thủ tướng đầu tiên trong một đất nước khá đặc thù như nước Đức.

Không biết có người phụ nữ nào khác trên thế giới cầm quyền lâu đến như vậy nữa không? Bà Margaret Thatcher của Đảng bảo thủ ở Anh, làm Thủ tướng cũng rất lâu nhưng cũng chỉ 12 năm (1979 đến 1990).

Đó là một trong những lý do tại sao nhiều người xem bà Angela Merkel là Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới trong nhiều năm gần đây. Tạp chí Time cũng nhiều năm bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Điều này đã cho thấy rõ về sự lãnh đạo tài giỏi của bà. Một nước Đức phát triển, nhưng có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển ở 2 miền Đông - Tây, đối mặt với nhiều vấn đề chính trị- xã hội phức tạp trong tình hình thế giới đang có rất nhiều biến đổi. Lãnh đạo một đất nước như vậy đương nhiên không hề dễ dàng.

Bà vốn là người sinh ra ở Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức), được đào tạo dưới hệ thống khác, nhưng lại trở thành lãnh đạo của Đảng chính trị lớn nhất nước Đức, ngày càng củng cố quyền lực và giành được sự tín nhiệm ngày càng cao.

Cũng cần nói thêm rằng, trong thời gian vừa qua, qua việc lãnh đạo kiểm soát đại dịch Covid-19 hiệu quả, uy tín bà càng tăng lên cao. Theo luật pháp của Đức. bà vẫn có quyền ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên bà vẫn quyết định không tham gia tranh cử. Quyết định này làm cho bà thêm đáng kính trọng.

Trong 16 năm cầm quyền, dù không thể tránh khỏi một số chính sách gây tranh cãi nhưng bà đã để lại di sản rất đồ sộ.

Di sản của bà Angela Merkel có thể được nhìn theo những lăng kính khác nhau, từ góc độ về đối nội, đối ngoại, kinh tế, xã hội nhưng cũng có thể nhìn từ góc độ phong cách, tính cách cá nhân…

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 2.

Thứ nhất, bà đã đưa nước Đức đầy khó khăn sau thống nhất với 2 miền có khác biệt rất lớn trở thành nền kinh tế thứ 4 trên thế giới. Trong khi thế giới đối mặt với khủng hoảng, châu Âu gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ, khủng hoảng khu vực đồng Euro…, nước Đức vẫn giữ được nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thất nghiệp ở mức thấp nhất, ngân sách dư giả.Thời điểm tôi còn ở Đức, khoảng năm 2017 - 2018, nước Đức bội thu ngân sách. Chỉ có rất ít nước trên thế giới có bội thu ngân sách. Đó là điều rất có ý nghĩa, rất đặc biệt.

Nền kinh tế mạnh đem lại lợi thế lớn, nâng tầm ảnh hưởng về mặt đối ngoại cho nước Đức. Di sản thứ 2 chính là nâng cao uy tín của Đức trên quốc tế, trở thành đối tác tin cậy và quan trọng cho nhiều nước khác trong EU và thế giới, tạo thế cho nước Đức.

Trong thời gian bà Merkel cầm quyền, EU trải qua rất nhiều sự cố như khủng hoảng nợ công, khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới (2008), khủng hoảng tị nạn từ Syria, Châu Phi; việc nước Anh ra khỏi EU tạo ra cơn địa chấn kinh khủng, đặt ra vấn đề là làm sao để EU không tan vỡ. Với uy tín, tầm ảnh hưởng và cách làm khôn khéo, quyết đoán của mình, bà Merkel đã góp phần rất lớn vào việc xử lý hiệu quả tình hình trên.

Đương nhiên không phải mọi thứ đều suôn sẻ. Tại Đức, chia rẽ trong xã hội vẫn còn rất lớn, giữa các tầng lớp trong xã hội, và phần nào giữa Đông và Tây Đức trước đây do mức sống, văn hóa khác biệt, hay chính sách về người nhập cư cũng gây ra những đảo lộn trong xã hội.

Nhìn từ một lăng kính khác, việc một người phụ nữ trở thành trở thành Thủ tướng ở một quốc gia như Đức, các đảng chính trị tham gia cầm quyền phần lớn là nam giới lãnh đạo, có ý nghĩa khích lệ to lớn đối với phong trào nữ quyền, nâng cao quyền của phụ nữ.

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 3.

Bà Merkel là người xử lý mọi vấn đề, ra các quyết định một cách chắc chắn, không vội vàng sau khi đã cân nhắc trước sau. Có được tác phong này có thể một phần do bà từng là nhà khoa học.

Thẳng thắn trao đổi với Trung Quốc chính kiến về tranh chấp Biển Đông ở ngay Bắc Kinh

Bà là người rất thẳng thắn trao đổi với các đối tác, kể cả Trung Quốc về những vấn đề khác biệt, bất đồng liên quan đến vấn đề Biển Đông ngay trên đất Trung Quốc. Trong 16 năm cầm quyền, bà Merkel sang thăm Trung Quốc 12 lần. Điều đó cho thấy, hợp tác với Trung Quốc vô cùng quan trọng với Đức và bà Thủ tướng là người đặc biệt quan tâm đến sự hợp tác này, nhưng không phải vì thế mà bà ngại ngần nói rõ chính kiến của mình.

Tôi nhớ báo chí lúc đó đưa tin rằng bà đã trao đổi thẳng thắn với Lãnh đạo Trung Quốc rằng, để Trung Quốc tiếp tục phát triển tốt, Trung Quốc không thể không xử lý thỏa đáng quan hệ với các nước láng giềng. Các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Bà cũng từng nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng tại sao không đưa những tranh chấp đó ra giải quyết ở tòa án quốc tế? Được biết, bà còn tặng cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tấm bản đồ Trung Quốc cổ từ năm 1735 , trong đó không có nhiều vũng lãnh thổ mà Trung Quốc đòi hỏi và tranh chấp sau này, thông tin này cũng được báo chí bình luận nhiều.

Bà rất chú ý lắng nghe các ý kiến khác nhau và kiên trì tìm đồng thuận. Tố chất này giúp bà có thể liên minh với các đảng có khác biệt về chính sách, thành lập chính phủ liên minh không chỉ trong một nhiệm kỳ. Đặc biệt, CDU/CSU đã mấy lần liên minh với đảng SPD, một đảng lớn thường có những chính sách khác biệt lớn, để lập chính phủ liên minh do chính bà Merkel là người dẫn dắt.

Trên quốc tế, bà là người rất bản lĩnh. Trong khi Mỹ và một số nước phương Tây có quan hệ căng thẳng với Nga, phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2, bà Merkel vẫn duy trì đối thoại với Tổng thống Nga Putin, vẫn kiên quyết hợp tác với Nga thực hiện dự án năng lượng khổng lồ này vì lợi ích nước Đức.

Trong khi cả châu Âu lo ngại về dòng người tỵ nạn đổ vào, Bà Merkel ra một quyết định rất dũng cảm, nhưng đầy tranh cãi và rủi ro cho nước Đức và ngay chính sinh mệnh chính trị của bà: đó là mở cửa biên giới nước Đức cho hơn 1 triệu người tỵ tràn vào Đức năm 2015.

Quyết định này đến nay vẫn còn là chủ đề tranh cãi, nhưng rõ ràng nó cũng phản ánh sự dũng cảm và bản lĩnh của bà Thủ tướng. Tôi vẫn nghĩ, quyết định này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong bà, không thể làm ngơ trước số phận khốn khó của những người tỵ nạn, sẵn sàng đối mặt với rủi ro. Quyết định này đã phần nào giúp cho châu Âu giảm bớt áp lực của khủng hoảng di cư. Quyết định này cũng phần nào giúp xử lý tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động ở Đức.

Quyết sách về người di cư của bà đã làm xáo trộn đáng kể đời sống xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ ủng hộ. Sẽ còn nhiều đánh giá khác nhau, kể cả trái chiều về chính sách cho người nhập cư của bà, nhưng phải nói đó là một quyết định dũng cảm, đầy tính nhân văn.

Bà cũng là người có phong cách sống giản dị, dễ gần. Tuyệt đại đa số dư luận dành cho bà lời khen và sự ngưỡng mộ. Tôi thấy dư luận ở Việt Nam ta cũng vậy.

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 5.

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 6.

Trong quan hệ 2 nước bà có đóng góp rất lớn. Năm 2011, bà sang thăm Việt Nam và ký Tuyên bố chung Hà Nội, nhất trí nâng tầm quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược. Mặc dù về quy mô kinh tế, Việt Nam rất nhỏ so với Đức nhưng Việt Nam vẫn có sức hút và quan trọng với Đức.

Khi gặp gỡ các doanh nghiệp, bà cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam phát triển rất ấn tượng và còn có thể làm nhiều hơn nữa. Họ thấy có những cơ hội làm ăn lâu dài ở Việt Nam, điều đó đặt nền tảng cho 2 bên tiếp tục phát triển.

Một điểm nhấn nữa trong quan hệ hai nước là khi Đức chủ trì Hội nghị G20 năm 2017, Đức đã mời Việt Nam tham gia dù Việt Nam không phải là thành viên G20. Thực tế, ngay từ năm 2016, khi biết Đức sẽ chủ trì, phía Việt nam, trong đó có Đại sứ quán ta đã bắt đầu thăm dò khả năng được mời dự diễn đàn G20 vô cùng quan trọng này.

Trong khuôn khổ G20 do Đức chủ trì diễn ra vào 2017, phía Đức coi trọng việc tiếp tục thúc đẩy các xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại. Năm 2017, Việt Nam là nước đăng cai tuần lễ cấp cao APEC, chủ trì các sự kiện trong cả năm 2017.

Trong khuôn khổ APEC, là nước chủ nhà của diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nước ta cũng có trách nhiệm thúc đẩy các xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại toàn cầu. Mà thời điểm đó, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bước vào Nhà trắng đã xuất hiện những xu hướng trái ngược trong thương mại quốc tế. Trên thế giới cũng xuất hiện những phong trào đi ngược lại xu thế này, gây ra không ít thách thức lớn cho các nước chủ nhà.

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 7.

Trong bối cảnh đó, Đức và Việt Nam nhận thức được những lợi ích song trùng. Việc Thủ tướng Đức mời Thủ tướng ta tham gia G20 là dịp rất tốt để hai nước phối hợp ở các diễn đàn đa phương xử lý hài hòa lợi ích của cộng đồng quốc tế, cũng như của hai nước Việt - Đức. Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực các diễn đàn, sự kiện G20 năm 2017. Thủ tướng ta đã dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg tháng 7/2017, đóng góp thiết thực vào thành công của Hội nghị.

Chương trình năm đó còn rất thành công khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết hợp đi thăm chính thức Đức và tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức với khoảng 600 doanh nghiệp Đức và 100 doanh nghiệp Việt Nam, điều chưa từng xảy ra trước đó, với việc ký kết 37 văn bản, hợp đồng hợp tác, tạo cú hích lớn cho hợp tác song phương Việt - Đức.

Có thể nói: việc bà Merkel mời Thủ tướng Việt Nam tham gia tiến trình G20 và tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 rất có ý nghĩa với việc hợp tác Việt - Đức ở tầm chiến lược.

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 8.

Chính phủ của bà Merkel rất nhất quán trong việc ủng hộ EVFTA, và từ rất sớm, vì họ cũng nhận thấy rất rõ lợi ích của Hiệp định này. Khi EVFTA vẫn trong quá trình thương thảo và còn có nhiều ý kiến khác nhau trong Liên minh châu Âu, chúng tôi đã nhận được sự cam kết ủng hộ của nước Đức

Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược,năm 2011 và năm nay hai nước đang kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ hai nước được đẩy lên rất nhiều. Dù đảng của bà Merkel cầm quyền tiếp hay đảng SPD lên, lợi ích song trùng của 2 nước trong phát triển vẫn còn đó và sẽ tiếp tục.

Khi ra tạo ra lợi ích song trùng, đan xen với nhau lâu dài thì quan hệ hợp tác giữa 2 nước sẽ bền vững. 10 năm kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vừa qua tạo ra nền tảng và sẽ còn tiếp tục làm sâu sắc hơn về kinh tế, chính trị, quân sự, an ninh.

Bà Merkel trong mắt nguyên Đại sứ Việt Nam: Không ngán cả Mỹ, Trung và lời mời Việt Nam dự G20 cực đặc biệt - Ảnh 9.

Olaf Scholz, thuộc đảng SPD hiện đang được xem là ứng viên sáng giá cho vị trí tân Thủ tướng Đức.

Ông Olaf Scholz từng là Thị trưởng TP Hamburg, là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính cho bà Merkel, có nhiều kinh nghiệm chính trường.

Mặc dù là CDU và SPD là hai đối thủ chính trị lớn nhất của nhau, nhưng chính sách của 2 đảng vẫn có điểm chung. Hai đảng đã liên minh với nhau thành lập chính phủ trong nhiều năm. Dù sẽ có nhiều điểm khác về chính sách nhưng sẽ có nhiều chính sách hiện tại được tiếp tục.

Có một điểm thuận lợi là đảng SPD vốn có quan hệ tốt với ta. Thủ tướng Gerhard Schröder của đảng SPD, người tiền nhiệm của bà Merkel, năm 2004 từng sang thăm Việt Nam và dưới thời ông làm Thủ tướng, Đức đã hợp tác với Việt Nam trong dự án xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia và nhà Quốc hội.

Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, trong quan hệ với Việt Nam, dù đảng nào lãnh đạo cũng sẽ thúc đẩy quan hệ Việt - Đức phát triển.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng

Theo Soha

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn Soha đặt lại.