Công bố tài liệu mật liên quan tới đồng minh quan trọng: Nước đi "tránh bão dư luận" của ông Biden

Quyết định của Tổng thống J. Biden công bố các tài liệu mật liên quan đến vụ khủng bố 11/9/2001 là một bước đi nhằm tìm ra toàn bộ sự thật.

Ngày 3/11/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh chỉ thị Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khác của Mỹ phân tích các tài liệu điều tra của Cục điều tra Liên bang (FBI) về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 để có thể công khai hoá. Theo sắc lệnh này, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland phải công bố các tài liệu liên quan trong vòng sáu tháng tới. 

Nhà Trắng cho biết, thông tin về các cuộc tấn công khủng bố không nên được giữ bí mật nếu lợi ích của việc công bố các tài liệu này đáp ứng được đòi hỏi của công chúng và không gây thiệt hại đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Các gia đình nạn nhân trong vụ khủng bố cho rằng, việc công bố các tài liệu mật của FBI có thể sẽ làm sáng tỏ "vai trò của Ả Rập Saudi trong vụ này". 

Quyết định của ông Biden

Thứ nhất: Công luận Mỹ đòi hỏi minh bạch hoá kết quả điều tra của FBI về vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001. Đặc biệt, gia đình và người thân các nạn nhân gây sức ép mạnh mẽ đối với chính quyền của Tổng thống J. Biden. Họ đang đệ đơn kiện chính phủ Ả Rập Saudi lên Toà án liên bang với cáo buộc nước này liên quan đến vụ tấn công và cho biết họ cần các thông tin ai đã đứng sau vụ khủng bố. 

Đầu tháng 8/2021, hàng trăm gia đình nạn nhân của vụ khủng bố đã ký một lá thư yêu cầu Tổng thống J. Biden công bố các tài liệu mà họ cho rằng có sự tham gia của các quan chức Ả Rập Saudi. Nhiều người Mỹ vẫn tin rằng chính quyền Ả Rập Saudi hoặc chính các cơ quan đặc nhiệm của Mỹ dưới hình thức nào đó đã tham gia vào vụ khủng bố.

Trước đó, gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố đã từ chối tham gia lễ tưởng niệm thảm kịch lần thứ 20 và yêu cầu Tổng thống J. Biden cũng không đến dự buổi lễ, trừ khi ông cho công bố các tài liệu mật. Họ tin các tài liệu này sẽ làm sáng tỏ vai trò của Ả Rập Saudi trong vụ tấn công. Từ lâu, gia đình các nạn nhân đã tìm cách buộc Riyadh phải chịu trách nhiệm về những cáo buộc có liên hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. 

Công bố tài liệu mật liên quan tới đồng minh quan trọng: Nước đi tránh bão dư luận của ông Biden - Ảnh 1.

Thứ hai: Các nhà phân tích chính trị cho rằng, việc Tổng thống J. Biden quyết định công bố các tài liệu mật này ngay sau khi Washington kết thúc việc rút quân khỏi Afghanistan và đang phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích từ dư luận Mỹ và các đối thủ của ông là nhằm chuyển hướng sự chú ý khỏi thất bại của cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan. 

Người dân Mỹ đang so sánh các sự kiện 11/9/2001 với vụ khủng bố 26/8/2021 ở sân bay quốc tế Kabul làm 13 lính Mỹ thiệt mạng và 20 người khác bị thương. Với quyết định này, người đứng đầu Nhà Trắng muốn tìm cách giảm cường độ chỉ trích ở trong nước, trong đó có đảng Cộng hoà đang lợi dụng tình hình này để hạ uy tin của đảng Dân chủ, thậm chí đòi luận tội J. Biden.

Thứ ba: Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020, Ông J. Biden đã hứa nếu đắc cử, ông sẽ chỉ thị cho Bộ trưởng Tư pháp "đích thân xem xét tình hình của tất cả các vụ án mà đến nay được coi là bí mật quốc gia, và sẽ công khai hoá các thông tin về những gì đã xảy ra trong hai thập kỷ qua. Ông nói: "Khi tranh cử Tổng thống, tôi đã cam kết minh bạch hoá các tài liệu liên quan đến vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. 

Các thông tin thu thập được và lưu trữ liên quan đến cuộc điều tra của Chính phủ Mỹ về vụ khủng bố 11/9/2001 phải được giải mật, trừ trường hợp có những lý do cực kỳ cần thiết". Quyết định công bố các tài liệu này, Tổng thống J. Biden đang thực hiện lời hứa của ông trong chiến dịch tranh cử. Dịp kỷ niệm 20 năm sự kiện bi thảm 11/9 là thời điểm phù hợp nhất để ông J. Biden tuyên bố thực hiện lời hứa của mình.

Và cuối cùng, về mặt pháp lý, các tài liệu mật này đã hết niên hạn lưu giữ. Việc công bố các tài liệu này ông J. Biden không vi phạm các quy định luật pháp của nước Mỹ.

Quan điểm của chính phủ Ả Rập Saudi

Chính phủ Ả Rập Saudi từ lâu đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến các sự kiện ngày 11/9/2001. 

Ngày 8/9/2021, Đại sứ quán Ả Rập Saudi tại Washington đã tuyên bố ủng hộ việc giải mật tất cả các hồ sơ như một cách để "cuối cùng chấm dứt vĩnh viễn những cáo buộc vô căn cứ chống lại Vương quốc". Đại sứ quán cho biết, bất kỳ cáo buộc nào về sự đồng lõa của Ả Rập Saudi là "hoàn toàn sai sự thật". Ả Rập Saudi là đối tác hết sức quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Trong suốt 20 năm qua, Riyadh đã liên tục kêu gọi minh bạch hoá tất cả các tài liệu điều tra liên quan đến thảm kịch 11/9, đặc biệt là kết luận của Uỷ ban 11/9 đã khẳng định Ả Rập Saudi không liên quan gì đến tội ác này. Uỷ ban này hoàn toàn không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào về việc chính phủ hoặc quan chức cấp cao nào của Ả Rập Saudi đã biết trước về các cuộc tấn công hoặc tham gia vào việc lập kế hoạch hoặc thực hiện các cuộc tấn công này dưới bất kỳ hình thức nào. 

Công bố tài liệu mật liên quan tới đồng minh quan trọng: Nước đi tránh bão dư luận của ông Biden - Ảnh 2.

Tờ báo "Okaz" của Ả Rập Saudi mới đây cho biết, năm 2018 tòa án Manhattan của Mỹ đã bác bỏ cáo buộc Ả Rập Saudi liên quan đến các sự kiện 11/9 vì không có đủ bằng chứng. Thẩm phán George Daniels của tòa án Manhattan đã tuyên bố, tất cả các cáo buộc chống lại Ả Rập Saudi là không đủ bằng chứng và không thể dựa vào những câu chuyện và những suy nghĩ của những người tìm cách đòi bồi thường.

Kể từ đó, có rất nhiều câu chuyện bịa đặt khác nhau và các thông tin giả dối được đưa ra, nhưng Okaz cho rằng mọi cáo buộc Ả Rập Saudi đồng lõa trong vụ khủng bố 11/9 là vô căn cứ và điều này đã được chính quyền của bốn đời Tổng thống của Mỹ xác nhận. Đặc biệt là Ả Rập Saudi bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất đã lên án  những tội ác này.

Tờ báo nói thêm, việc Tổng thống J. Biden quyết định giải mật các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của FBI về các sự kiện 11/9, là vì lợi ích của chính quyền đảng Dân chủ đang chịu thất bại chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ sau khi rút quân khỏi Afghanistan. 

Ả Rập Saudi đã và sẽ vẫn là đối tác hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là kể từ khi Riyadh và Washington cùng đối đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập và Yemen. Quan điểm của Riyadh là rất minh bạch và rõ ràng ngay từ ngày đầu tiên xảy ra vụ khủng bố và không có gì phải che giấu. 

Nhiều nghi vấn cần phải làm rõ

Trong khi Ả Rập Saudi ủng hộ việc giải mật các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra của Mỹ về vụ khủng bố để chấm dứt vĩnh viễn những cáo buộc vô căn cứ thì những cáo buộc nhằm vào Riyadh vẫn không chấm dứt. Câu hỏi tại sao trong số 19 kẻ khủng bố có đến 15 tên được huần luyện lái máy bay mang quốc tịch Ả Rập Saudi vẫn chưa có câu trả lời.

Mới đây, cùng với việc Tổng thống J. Biden quyết định công bố một số tài liệu mật liên quan đến vụ án, Danny Gonzalez, cựu đặc vụ FBI, người đã từng tham gia vào các công việc điều tra của "Chiến dịch Encore" khẳng định ít nhất 2 trong số 19 kẻ bắt cóc và đâm máy bay vào các tòa nhà của Mỹ ngày 11/9/2001 là Nawaf Al-Hazmi và Khalid Al-Mihdhar, đã nằm trong một mạng lưới hỗ trợ bên tronng nước Mỹ và nhận được sự giúp đỡ từ nhân viên tình báo của Ả Rập Saudi làm việc tại Mỹ. 

D. Gonzalez nói với hãng tin CBS News: "19 tên không tặc không thể tự thực hiện được vụ giết 3.000 người cùng một lúc như vậy mà không có sự trợ giúp nào của bên ngoài. Tôi tin là các hồ sơ điều tra sẽ làm sáng tỏ vấn đề này". 

Cựu điệp viên Mỹ cáo buộc rằng Omar Bayoumi, một nhân viên tình báo của Ả Rập Saudi làm việc tại Mỹ đã giúp 2 tên này tìm một căn hộ tại San Diego và mở tài khoản ngân hàng. Hai tên này tiếp tục tham gia khóa đào tạo lái máy bay tại một trung tâm gần đó và sau này, trở thành 2 trong số 5 kẻ khủng bố đã bắt cóc và lao máy bay vào Lầu Năm Góc.

Gonzalez cho biết công chúng sẽ biết được rất nhiều điều nếu hồ sơ của "Chiến dịch Encore" được công bố, và nó sẽ thay đổi cách hiểu của công chúng về vụ 11/9.

Công bố tài liệu mật liên quan tới đồng minh quan trọng: Nước đi tránh bão dư luận của ông Biden - Ảnh 4.

Gonzalez nói thêm: "Bằng chứng là có, tôi đã trông thấy, nhưng theo lệnh của FBI, tôi không được phép tiết lộ chi tiết một số thông tin tuyệt mật nhất định về "Chiến dịch Encore". Một cựu đặc vụ khác, Ken Williams, người đã viết một bản ghi nhớ trước ngày 11/9 cảnh báo cấp trên của mình rằng, những kẻ khủng bố đang học lái máy bay ở Arizona.

Ủy ban 11/9 đã kết thúc sứ mệnh của mình năm 2004, nhưng FBI tiếp tục điều tra vai trò của Ả Rập Saudi trong vụ 11/9 cho đến năm 2016 theo chiến dịch bí mật mang tên "Chiến dịch Encore". 

Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ không sẵn sàng chia sẻ các tài liệu quan trọng liên quan đến "Chiến dịch Encore" và các cuộc điều tra khác đã làm tăng thêm sự nghi ngờ của công chúng và gia đình các nạn nhân. 

Hai đặc vụ kỳ cựu này hiện đang tham gia vào nỗ lực chung của các gia đình nạn nhân vụ 11/9, kêu gọi giải mật các tài liệu liên quan đến vai trò của Arab Saudi trong các cuộc tấn công. Ông D. Gonzalez cũng khẳng định với CBS News rằng "không cần phải là một đặc vụ FBI với 26 năm kinh nghiệm mới nhận thấy rằng những kẻ khủng bố đã được hỗ trợ từ ai đó". 

Đạo luật JASTA cho phép kiện Ả Rập Saudi

Đạo luật Công lý chống lại các nhà tài trợ khủng bố (The Justice Against Sponsors of Terrorism Act - JASTA) là một đạo luật được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2016. Đạo luật này cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Ả Rập Saudi. 

Đạo luật JASTA từng bị Tổng thống Mỹ Barack Obama phủ quyết ngày 23/9/2016. Nhưng ngày 28/9/2016, Quốc hội Mỹ biểu quyết lại lần nữa và chính thức vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống B. Obama. 

JASTA cho phép các tòa án liên bang thực hiện quyền tài phán đối với bất kỳ quốc gia nước ngoài nào hỗ trợ các hành động khủng bố quốc tế chống lại tài sản hoặc công dân Mỹ bất kể quốc gia đó có bị đưa vào danh sách tài trợ khủng bố hay không. Đạo luật này cho phép các gia đình nạn nhân của vụ tấn công ngày 11/9 tiếp tục kiện Ả Rập Saudi là nước có công dân tham gia các vụ tấn công khủng bố, mặc dù luật không nêu đích danh Ả Rập Saudi.

Công bố tài liệu mật liên quan tới đồng minh quan trọng: Nước đi tránh bão dư luận của ông Biden - Ảnh 5.

Những tài liệu đầu tiên

Ngày 11/9/2021, theo sắc lệnh của Tổng thống J, Biden, FBI đã công bố tài liệu đầu tiên liên quan đến vụ tấn công khủng bố và việc các nhà chức trách Ả Rập Saudi bị nghi ngờ hỗ trợ cho những kẻ không tặc. Tài liệu 16 trang này mô tả các cuộc liên lạc giữa những kẻ bắt cóc với các nhà ngoại giao Ả Rập Saudi ở Mỹ, nhưng không có bằng chứng nào khẳng định sự đồng lõa của chính phủ Ả Rập Saudi trong kế hoạch này.

Tài liệu được biên soạn dựa trên các cuộc phỏng vấn một nhân viên của lãnh sự quán Ả Rập Saudi Omar Al-Bayumi ở Los Angeles năm 2015, người sau đó đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Mỹ và nhiều năm trước đó đã thường xuyên tiếp xúc với các công dân Ả Rập Saudi, mà các nhà điều tra cho biết nhân vật này đã cung cấp "sự hỗ trợ hậu cần đáng kể" cho những kẻ không tặc.

Năm 2016, chương cuối cùng của báo cáo do Uỷ ban 11/9 soạn thảo đã được đưa ra công chúng. Những kẻ tham gia vào vụ tấn công khủng bố được nhắc đến là Nawaf Al-Hazmi và Khalid Al-Mihdhar đã đến Mỹ vào năm 2000. 

Điều đã được khẳng định là xuất phát từ tình đồng hương, hai người này đã được những người Ả Rập Saudi giúp đỡ. Một trong số những người giúp đỡ họ là Omar Al-Bayumi, lúc đó là một quan chức chính phủ của Ả Rập Saudi. Không lâu trước khi xảy ra vụ tấn công 11/9, ông và nhà ngoại giao quen thân Fahad Al-Tumayri, người có tư tưởng Hồi giáo cực đoan đã rời Mỹ.

Omar Al-Bayumi khai rằng anh ta tình cờ gặp Nawaf Al-Hazmi và Khalid Al-Mihdhar tại một nhà hàng ở Los Angeles và đã sớm kết bạn với nhau. Al-Bayumi đã khuyên Al-Hazmi và Al-Mihdhar chuyển đến San Diego, Arizona. Tại đây, các chiến binh Al-Qaeda tiếp tục bí mật chuẩn bị cho một cuộc tấn công khủng bố và thậm chí đã nộp đơn xin vào một trung tâm dạy lái máy bay, một kỹ năng cần thiết để cướp máy bay thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật JASTA năm 2016, thân nhân của khoảng 3000 nạn nhân của vụ khủng bố 11/9/2001 đã tận dụng cơ hội này đệ đơn kiện Ả Rập Saudi. Quá trình này bắt đầu năm 2017 và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Nhiều nguyên đơn cho rằng việc đi tìm sự thật đã cố tình bị cản trở. Lời khai của các quan chức Ả Rập Saudi trước tòa đã bị giữ kín. FBI đã tiến hành các cuộc điều tra của riêng mình trong hơn mười năm, không chịu chia sẻ các thông tin được tìm thấy. 

Vừa qua, hơn 3.500 người, thành viên gia đình của các nạn nhân và những người sống sót bị thương đã ký một kiến nghị tập thể gửi lên Bộ Tư pháp kêu gọi điều tra các hành vi của FBI nghi là đã tiêu hủy các bằng chứng về mối liên hệ giữa những kẻ khủng bố và các quan chức Ả Rập Saudi.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, những tài liệu này có nhiều tình tiết liên quan đến sự dính líu của Ả Rập Saudi, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông, vào vụ khủng bố. Việc giữ kín các thông tin này cho đến nay là để tránh ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh với Ả Rập Saudi.

Quyết định của Tổng thống J. Biden công bố các tài liệu mật liên quan đến vụ khủng bố 11/9/2001 là một bước đi nhằm tìm ra toàn bộ sự thật, xoa dịu nỗi đau của gia đình các nạn nhân và góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố ở Mỹ và trên toàn cầu.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Theo Soha