Nguồn cơn Trung Quốc đáp trả Australia

Vài ngày sau khi Ngoại trưởng Australia lần đầu kêu gọi điều tra nguồn gốc nCoV, đại sứ Trung Quốc tại nước này cảnh báo về làn sóng tẩy chay.

 

"Có lẽ người dân Trung Quốc sẽ tự hỏi rằng tại sao phải uống rượu Australia hoặc ăn thịt bò của họ", đại sứ Trung Quốc tại Australia Thành Cạnh Nghiệp trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính Australia hồi cuối tháng trước.

Chưa đầy một tháng sau, chiến dịch trừng phạt Canberra của Bắc Kinh dường như đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Hôm 12/5, Trung Quốc dừng nhập thịt bò từ 4 lò mổ lớn của Australia, trích dẫn những vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch. 5 ngày sau, Trung Quốc áp thuế hơn 80% với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, với lý do bán phá giá.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với tổng thương mại giữa hai nước đạt hơn 214 tỷ USD chỉ trong năm 2018. Trong bối cảnh đối mặt nguy cơ suy thoái vì Covid-19, mối quan hệ này càng quan trọng với Australia hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, suốt những thập kỷ qua, nước này lại bị mắc kẹt giữa một Trung Quốc đang trỗi dậy, mang lại cho họ lợi ích kinh tế lớn, và mối quan hệ an ninh lâu năm với Mỹ.  

Quan hệ Trung Quốc - Australia bắt đầu rạn nứt hồi năm 2017, khi Canberra đưa ra luật an ninh mới nhằm ngăn sự can thiệp của nước ngoài vào chính trị trong nước. Bắc Kinh cho rằng luật này nhắm thẳng vào họ, khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên lạnh nhạt.  

Giữa lúc căng thẳng còn sâu sắc, Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm 19/4 kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc nCoV. Không lâu sau, Thủ tướng Australia Scott Morrison trở thành lãnh đạo quốc tế đầu tiên ngoài Mỹ thúc đẩy vấn đề này. "Việc thế giới muốn có đánh giá độc lập về tất cả những điều đã xảy ra dường như hoàn toàn hợp lý và đúng đắn", ông phát biểu hôm 29/4.

Theo bình luận viên Ben Westcott của CNN, chủ đề nguồn gốc nCoV ngày càng bị chính trị hóa trong những tháng gần đây, khi cả Washington và Bắc Kinh đều cố gắng lợi dụng nó để phân tán sự chú ý khỏi những vấn đề kinh tế trong nước. Do đó, lời kêu gọi của Canberra khiến hiềm khích giữa nước này với Bắc Kinh leo thang.

Chính phủ Australia đã triệu đại sứ Thành Cạnh Nghiệp và cáo buộc những bình luận của ông là hành vi "áp bức kinh tế". Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 28/4, khi một phóng viên của hãng thông tấn Australia nói với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng rằng "chưa từng nghe" người dân bình luận gay gắt như lời ông Thành, ông Cảnh cho hay chúng có thể được tìm thấy dễ dàng trên mạng xã hội Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham cho biết phía Trung Quốc khẳng định việc dừng nhập thịt bò và áp thuế với lúa mạch không liên quan đến lời kêu gọi điều tra nguồn gốc nCoV của Australia. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá những động thái của Bắc Kinh gần như chắc chắn là trả đũa.

Richard McGregor, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Lowy của Australia, nhận định Bắc Kinh có khả năng muốn dùng Canberra để gửi thông điệp tới thế giới. "Khi Trung Quốc muốn trừng phạt một quốc gia, họ hành động công khai để chứng minh cái giá phải trả nếu vượt mặt họ", ông cho hay, nói thêm rằng khó có thể tái xây dựng nhanh chóng niềm tin trong quan hệ Trung Quốc - Australia.

Nội bộ Australia ngày càng xuất hiện nhiều cuộc thảo luận rằng liệu họ có nhất thiết phải cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không. Hồi cuối tháng 4, Andrew Hastie, thành viên Liên minh Tự do - Quốc gia cầm quyền ở Australia, đăng một bản kiến nghị lên mạng nhằm kêu gọi chính phủ "hành động vì chủ quyền đất nước", chỉ ra "cái giá thực sự" của việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, cựu ngoại trưởng Australia Bob Carr lại cho rằng Canberra đang mạo hiểm quan hệ kinh tế với Bắc Kinh để củng cố quan hệ an ninh với Washington. "Chúng ta đang đặt bản thân lên trước những đồng minh khác của Mỹ, dường như nhằm thực hiện chính sách đối lập với Trung Quốc", Carr nói.

Theo cựu quan chức này, động lực thúc đẩy Australia hành động như "cấp phó" của Mỹ xuất phát từ niềm tin sai lầm rằng quan hệ chặt chẽ hơn với Washington sẽ giúp bảo vệ Canberra khỏi những hành vi hung hăng của Bắc Kinh.

"Một quan điểm điên rồ tại Canberra cho rằng nếu Bắc Kinh giáng đòn lên chúng tôi, việc của chúng tôi là phải chịu đựng một cách đầy trách nhiệm, thể hiện mình là đồng minh tự nguyện hy sinh cho Mỹ và biết tuân lệnh cấp trên", Carr nói thêm.

Ngành xuất khẩu nông sản của Australia bị tấn công trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang cố gắng nhập khẩu hàng tỷ USD nông sản Mỹ, một phần trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một. "Các nhà xuất khẩu Mỹ rất có khả năng sẽ lấp đầy khoảng trống từ việc loại bỏ nông dân Australia", Carr nhận định.

Hiện còn rất nhiều lĩnh vực thương mại không bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng, bao gồm việc nhập khẩu hàng tỷ USD quặng sắt từ Australia, mặt hàng mà Trung Quốc vô cùng cần để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng. Tuy nhiên, Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho biết giới chức Trung Quốc đã lập danh sách những mục tiêu trả đũa tiềm năng trong tương lai, bao gồm hải sản, bột yến mạch và trái cây Australia.

Carr kêu gọi mở rộng chính sách ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc để hàn gắn quan hệ hai nước. Trong khi đó, Alexander Downer, một cựu ngoại trưởng Australia khác, lại cho rằng Canberra nên giữ vững lập trường.

"Dựa trên toàn bộ kinh nghiệm của tôi, Trung Quốc sẽ cố gắng bắt nạt bạn nhiều nhất có thể. Tôi cảm thấy tiếc cho những nông dân trồng lúa mạch, nhưng ít nhất chúng tôi không gục ngã và có được cuộc điều tra mình mong muốn", Downer cho hay.

Chuyên gia McGregor nhận định bất kể quyết định cuối cùng của Australia là gì, Trung Quốc vẫn cần cẩn thận về mức độ dồn ép nước này, đặc biệt tại thời điểm nhiều quốc gia châu Âu và châu Á đang đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc.

"Nếu họ thấy Trung Quốc trừng phạt một nước chỉ vì nêu quan điểm bình thường về sự cần thiết của việc điều tra Covid-19, nhiều người sẽ tự hỏi họ nên điều tiết quan hệ với Trung Quốc như thế nào", ông nói.

Ánh Ngọc (Theo CNN)

Nguồn: VNExpress
Nguồn:vpdf.org.vn Copy link