Tuyến đường biển phương Bắc - mục tiêu, thách thức lớn của nước Nga

Tuyến đường biển phương Bắc được xem như "chìa khoá" cho sự phát triển Bắc Cực và khu vực Viễn Đông, là một mục tiêu lớn và thách thức cũng rất lớn đối với nước Nga.

Diễn đàn Kinh tế phương Đông lần thứ 6 vừa diễn ra trong những ngày đầu tháng 9 tại thành phố Vladivostok, thủ phủ của đại khu liên bang Viễn Đông của nước Nga.

Theo báo chí Nga, một trong những trọng tâm của diễn đàn lần này là quyết tâm của Nga trong việc xây dựng và hoàn thiện Tuyến đường biển phương Bắc. Đây được xem là "chìa khoá" cho sự phát triển Bắc Cực và khu vực Viễn Đông, một mục tiêu lớn và thách thức cũng rất lớn đối với nước Nga.

Đây được xem là một trong những giải pháp thay thế kênh đào Suez, một tương lai của vận tải toàn cầu hay còn gọi là "dầu mỏ mới" của nền kinh tế Nga. Những cách ví von của báo chí Nga về Tuyến đường biển phương Bắc cho thấy "sức nặng" của dự án mà Nga đang đặt nhiều tâm huyết.

Tuyến đường biển phương Bắc chạy dọc theo các vùng biển của Nga ở Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, có chiều dài khoảng 5.600 km. Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất từ châu Á đến châu Âu và là dự án kinh tế trọng tâm của Nga ở Bắc Cực và khu vực Viễn Đông.

Ông Nikolai Korchunov, đại diện Nga tại Hội đồng Bắc Cực, cho biết: "Tuyến đường biển phương Bắc ngắn hơn 40% so với tuyến đường vận tải qua kênh đào Suez. Khoảng cách ngắn hơn cho phép giảm không chỉ thời gian mà còn giảm chi phí nhiên liệu".

Hiện tại, các tàu hàng mới chỉ có thể đi qua tuyến đường biển phương Bắc 5 tháng trong một năm, vào thời điểm xuân hè. Lưu lượng hàng hoá qua tuyến đường này vào năm ngoái là khoảng 33 triệu tấn. Và Nga cần một tuyến đường biển phương Bắc vận hành quanh năm.

"Tuyến đường biển phương Bắc quanh năm" nằm trong chiến lược phát triển kinh kế - xã hội của Nga và sẽ phải bắt đầu vào năm 2030. Điểm cốt yếu của dự án này là tàu phá băng và vệ tinh.

Tuyến đường biển phương Bắc - mục tiêu, thách thức lớn của nước Nga - Ảnh 1.

Điểm cốt yếu của dự án Tuyến đường biển phương Bắc quanh năm là tàu phá băng và vệ tinh (Ảnh minh họa: NOAA)

Theo Tập đoàn nhà nước Rosatom - nhà điều hành của Tuyến đường biển phương Bắc, nhiệm vụ quan trọng nhất là phát triển đội tàu phá băng hạt nhân cực mạnh và đảm bảo hệ thống liên lạc vệ tinh ổn định theo toàn bộ chiều dài tuyến đường trong điều kiện phức tạp của băng, gió và dòng chảy.

Các chuyên gia ước tính, chi phí đầu tư cần thiết để phát triển tuyến đường này vào khoảng 15 tỷ USD. Tính theo kế hoạch đến năm 2030, với lưu lượng hàng hoá đạt 110 triệu tấn/năm thì tổng chi phí vận chuyển, theo ước tính sơ bộ, sẽ vào khoảng 5,5 tỷ USD và doanh thu vào khoảng 900 triệu USD mỗi năm. Điều đó nghĩa là dự án sẽ không "hồi vốn" trong tương lai gần.

Chính Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định, nước Nga có những mục tiêu đầy tham vọng và không phải cho một tương lai gần và trong đó có Tuyến đường biển Phương Bắc - một hàng lang vận tải quốc tế, động lực cho sự phát triển của Bắc Cực và khu vực Viễn Đông.

Nhật Linh - Phóng viên thường trú Đài THVN tại Nga