“Thay máu” để thay đổi

Quốc hội Israel vừa chính thức thông qua chính phủ mới với hai thủ tướng sẽ luân phiên nhau cầm quyền trong chính phủ liên kết. Sự kiện đã thổi luồng gió mới vào chính trường Israel vốn lâm vào bế tắc kéo dài khi trải qua 4 lần bầu cử vẫn chưa thể thành lập được chính phủ mới.

Giờ đây, người ta trông đợi Chủ tịch Đảng Yamina, ông Naftali Bennett và Chủ tịch Đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid-hai gương mặt sẽ lần lượt làm Thủ tướng của Israel trong cùng một nhiệm kỳ sắp tới, sẽ phối hợp với nhau như thế nào để tạo ra những “thay đổi” như đúng với tên gọi của chính phủ mới-“Chính phủ thay đổi”?

“Chính phủ thay đổi” đã chính thức kết thúc 4 nhiệm kỳ thủ tướng tổng cộng 12 năm cầm quyền của ông Benjamin Netanyahu, người giữ chiếc ghế quyền lực lâu nhất trong lịch sử Nhà nước Do Thái. Nên khách quan mà nói, người ta hoàn toàn có thể hy vọng vào những đổi thay sau cuộc “thay máu” có thể gọi là lịch sử trên chính trường Israel. Lần đầu tiên chính phủ liên kết không có sự tham gia của Đảng Likud cánh hữu của ông B.Netanyahu và cũng lần đầu tiên, một đảng của người Arab Hồi giáo tham gia chính phủ. 

“Thay máu” để thay đổi
 Phiên họp Quốc hội Israel. Ảnh: AP 

Điểm qua di sản của ông B.Netanyahu sau 12 năm cầm quyền có thể thấy chính phủ mới sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi kế thừa một chính phủ chia rẽ nghiêm trọng, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, đối phó với đại dịch Covid-19 của chính quyền tiền nhiệm. Thực trạng Israel hiếm khi có được chính phủ mới ngay sau một lần bầu cử trong suốt thời gian ông B.Netanyahu cầm quyền, đủ để thấy sự phức tạp trên chính trường Israel. Ông B.Netanyahu đã trải qua những nhiệm kỳ không ít sóng gió, khi cá nhân ông đối mặt với một loạt cáo buộc tham nhũng và chiếc ghế của ông từng không ít lần lung lay. 

“Di sản” gọi là nổi bật nhất của nhà lãnh đạo này có lẽ đó là lập trường kiên trì và cứng rắn trong cuộc xung đột với Palestine, đồng nghĩa với sự hủy hoại tiến trình hòa bình Trung Đông. Những cuộc xung đột bùng phát ở Gaza dưới thời nhà lãnh đạo này cầm quyền đã khiến ông phải đối mặt với không ít búa rìu dư luận. Có thể nói “giải pháp hai nhà nước” song sinh với giải pháp “đổi đất lấy hòa bình” hầu như bị vô hiệu hóa dưới thời ông B.Netanyahu cầm quyền.

Liệu “Chính phủ thay đổi” có thể giúp thay đổi những hiện trạng bao lâu nay vẫn thế hay không? Về vấn đề đối nội, mục tiêu lập lại sự đoàn kết xem ra không có nhiều hy vọng bởi một lẽ, chính phủ liên kết vừa thành lập được hình thành từ 8 đảng phái đối lập nhau. Khi liên minh với nhau, 8 đảng này gần như không có nền tảng chung nào, ngoài mục tiêu cao nhất là lật đổ bằng được Thủ tướng B.Netanyahu. Một liên minh như vậy có thể ổn định được trong bao lâu, khi tập hợp những đảng phái đối lập cả cánh tả lẫn cánh hữu và trung tâm, vốn khác biệt nhau trong một loạt vấn đề quan trọng và theo đuổi những lợi ích  riêng biệt?! 

Còn về đối ngoại, dường như có rất ít những trông đợi về khả năng sẽ có những thay đổi tích cực trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine khi chính phủ mới lên cầm quyền ở Israel. Thủ tướng mới của Israel, ông Naftali Bennett được biết là người có lập trường thậm chí còn cứng rắn hơn cả người tiền nhiệm trong vấn đề này. Và người sẽ tiếp nối ông trở thành Thủ tướng Israel trong hai năm nhiệm kỳ còn lại cũng chưa có kế hoạch gì để chứng minh cho việc ông ủng hộ "giải pháp hai nhà nước" Israel và Palestine cùng tồn tại, dù chỉ là trên danh nghĩa. 

Thực tế là các vấn đề phức tạp như cuộc xung đột Palestine-Israel thường là những vấn đề không thể mang ra để thương lượng trong các cuộc mặc cả quyền lực trên chính trường Israel. Bởi cho dù chính phủ nào lên cầm quyền cũng sẽ coi việc bảo vệ những vùng lãnh thổ chiếm đóng như “lá bùa hộ mệnh” của mình. Những lập trường cứng rắn của Israel trong vấn đề Đông Jerusalem, hồi hương người tị nạn Palestine cũng như biên giới lãnh thổ là điều bất di bất dịch. Thực tế là trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh vừa qua, các bên đã tránh đả động tới các vấn đề phức tạp, bao gồm cuộc xung đột Israel-Palestine, để đạt được mục tiêu trước mắt là thành lập chính phủ mới, tránh phải tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 5. 

Thế nhưng, một khi đi vào hoạt động và ổn định bộ máy, cuộc xung đột dai dẳng với Palestine sẽ vẫn là vấn đề hóc búa mà chính phủ mới phải đối mặt. Cũng tương tự, việc thiết lập lại sự đoàn kết và chấm dứt tình trạng chia rẽ cũng là mục tiêu lớn của bất kỳ nhà lãnh đạo mới nào ở Israel. Với những tuyên bố thẳng thắn của tân Thủ tướng Israel cho rằng, sau 4 cuộc bầu cử trong chưa đầy hai năm, Israel đã rơi vào “đống lửa của hận thù và giao tranh”, nhấn mạnh đã đến lúc hàn gắn những chia rẽ, người ta có thể hy vọng vào những hành động và quyết sách để thay đổi của chính phủ do ông lãnh đạo. Hơn nữa, trước những thách thức chung như khôi phục nền kinh tế, ngăn chặn đại dịch Covid-19, các đảng phái trong liên minh dù sao cũng phải tạm gác sang một bên những bất đồng để cùng nhau giải quyết.  

Ông Naftali Bennett đang được tin tưởng với tư cách một nhà lãnh đạo thế hệ 3.0 ở Israel và có những hành động táo bạo. Vì thế, dù là người cứng rắn về an ninh, người ta vẫn hy vọng, với tư duy thực tế, ông Naftali Bennett sẽ làm được những điều khác biệt, trước mắt là kết nối với các đảng phái khác nhau để đạt được sự đồng thuận. Thuận lợi đầu tiên cho tân Thủ tướng Israel là ông đã sớm nhận được sự ủng hộ từ người đồng minh lớn Washington khi Tổng thống Joe Biden khẳng định, sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, cũng như giải quyết các thách thức mà Israel và khu vực phải đối mặt. Còn trước mắt, tân Thủ tướng Israel sẽ phải làm tốt vai trò người “dẫn dắt” vũ điệu Tango trên chính trường để nó không bị lạc nhịp.

MỸ HẠNH

Theo QĐND