'Vua châu Á' và tham vọng tái trật tự Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ông Kurt Campbell được tổng thống đắc cử Joe Biden lựa chọn vào vị trí phụ trách chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh Quốc gia sắp tới.

Khi Kurt Campbell còn đảm nhận vị trí trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, cánh phóng viên châu Á ở thủ đô Washington có thói quen tập trung tại sân bay quốc tế Dulles mỗi khi ông này về nước sau những chuyến công du nước ngoài.

Truyền thông quốc tế gọi Kurt Campbell với biệt danh "Vua châu Á". Từ chương trình hạt nhân Triều Tiên, tái bố trí thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa, cho tới chiến lược xoay trục, ông Campbell luôn là nhân vật tiêu điểm trong chính quyền Mỹ về quan hệ châu Á.

Đối với các chính trị gia Đông Á tới thăm Washington, ông Campbell cũng có tầm quan trọng tương tự. Họ gặp gỡ với vị trợ lý ngoại trưởng thậm chí nhiều hơn với các nghị sĩ Quốc hội Mỹ, bởi điều đó sẽ tạo ấn tượng chuyến thăm xoay quanh những vấn đề chính sách thực chất.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trung tâm

Hôm 13/1, tập đoàn tư vấn chính sách The Asia Group - nơi cựu trợ lý ngoại trưởng là chủ tịch kiêm CEO - thông báo ông Campbell sẽ tham gia chính quyền của tổng thống đắc cử Biden trong vai trò phó trợ lý tổng thống kiêm điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại hội đồng an ninh quốc gia.

Đây là chức danh mới tại hội đồng và ông Campbell sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chính sách của Mỹ tại châu Á.

Kurt Campbell chinh sach An Do Thai Binh Duong anh 1

Cựu trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell. Ảnh: AP.

Trọng tâm công việc của ông Campbell tại hội đồng an ninh quốc gia từ nay sẽ là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thay vì châu Á - Thái Bình Dương. Điều này phù hợp với ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á thời gian gần đây.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã được đổi tên thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 5/2018, thể hiện sự quan tâm lớn hơn của Washington với khu vực Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ.

Đối thoại an ninh "bộ tứ" cũng được chính quyền Trump hồi sinh. "Bộ tứ" có sự tham gia của Mỹ cùng Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Washington kỳ vọng nhóm này sẽ là một đối trọng nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.

Hôm 12/1, Nhà Trắng công bố tài liệu giải mật có tên Khung chiến lược cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tài liệu này cho thấy, từ góc nhìn của chính quyền Tổng thống Trump, an ninh và thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào khả năng nước này tiếp cận "tự do và mở" đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế toàn cầu.

Ông Campbell phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương trong thời gian 2009-2013, xây dựng chính sách về Nhật Bản và Trung Quốc. Trong vai trò trợ lý ngoại trưởng, ông là kiến trúc sư chiến lược xoay trục sang châu Á.

Xoay trục sang châu Á là sự chuyển hướng trọng tâm về đối ngoại, lần đầu tiên được công bố trong bài viết "Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ" của Ngoại trưởng Hillarry Clinton trên chuyên san Foreign Policy.

"Nền chính trị tương lai sẽ được định đoạt ở châu Á, không phải tại Afghanistan hay Iraq, và nước Mỹ sẽ ở trung tâm của xu thế ấy", bà Clinton viết.

Bản thân ông Campbell từng kêu gọi tăng cường hiện diện của các lực lượng Mỹ ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, đồng thời phản đối việc Washington quá chú trọng vào Nhật Bản, Hàn Quốc và Guam như hiện nay.

Khôi phục trật tự ở châu Á

Tuần qua, ông Campbell xuất bản một bài viết trên Foreign Affairs, đồng tác giả với chuyên gia Rush Doshi, người được cho là cũng sẽ đóng vai trò xây dựng chính sách châu Á trong chính quyền của ông Biden.

Với tiêu đề "Mỹ làm thế nào để củng cố trật tự ở châu Á - Chiến lược khôi phục cân bằng và luật pháp", bài viết đưa ra những gợi ý chính sách cho chính quyền tổng thống đắc cử Biden.

Theo hai ông Campbell và Doshi, những biến động tại châu Á hiện nay xuất phát từ cách hành xử ngày càng hung hăng của Trung Quốc cũng như sự do dự của Mỹ.

"Giống như mọi quốc gia đang nổi lên, Trung Quốc tìm cách tái định hình không gian xung quanh và đòi hỏi các bên tôn trọng lợi ích của họ", bài viết có đoạn.

Hoạt động quân sự hóa các thực thể ở Biển Đông, quấy rối Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, xung đột biên giới với Ấn Độ, đe dọa tấn công Đài Loan là những minh chứng cho chiến lược của Trung Quốc, theo hai tác giả.

"Cách hành xử này, cùng với xu hướng cưỡng ép về kinh tế của Trung Quốc, mà mục tiêu mới nhất là Australia, đồng nghĩa nhiều nguyên tắc tạo lập nên trật tự khu vực đang bị đe dọa", hai tác giả nhận định.

Kurt Campbell chinh sach An Do Thai Binh Duong anh 2

Ông Campbell chỉ trích việc Tổng thống Trump làm rạn nứt các liên minh của Mỹ ở châu Á. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, Campbell và Doshi đồng thời chỉ trích cách Tổng thống Trump làm suy yếu hệ thống liên minh hiện có của Washington, như gây sức ép buộc Tokyo và Seoul đàm phán lại thỏa thuận chia sẻ chi phí đồn trú quân đội Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hay thậm chí đe dọa rút quân nếu không đạt được những gì ông Trump muốn.

Hai tác giả cũng nhấn mạnh tác hại của việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump thường xuyên vắng mặt tại các tiến trình đa phương, cũng như trong các cuộc đàm phán thương mại ở châu Á.

"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giống như châu Âu trước chiến tranh, trượt dài khỏi sự cân bằng, trật tự rạn nứt, và không có liên minh rõ ràng để giải quyết các vấn đề", hai tác giả mô tả, đồng thời kêu gọi chính quyền Biden có đối sách để lần lượt giải quyết những nhức nhối này.

Về an ninh, hai chuyên gia đề xuất quân đội Mỹ không nên dành mọi ưu tiên và quá phụ thuộc vào những khí tài đắt đỏ như tàu sân bay. Thay vào đó, hai tác giả cho rằng đã đến lúc cân nhắc những phương tiện giá rẻ nhưng vẫn bảo đảm khả năng răn đe như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm xa, máy bay tấn công không người lái, và tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường.

"Những thay đổi này sẽ gây khó khăn cho tính toán của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh đánh giá lại khả năng thành công nếu họ liều lĩnh khiêu khích", bài viết có đoạn.

Campbell và Doshi cũng cho rằng Washington cần phân tán các lực lượng Mỹ rộng khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.

"Điều này sẽ giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các căn cứ quân sự vốn dễ trở thành mục tiêu tấn công ở Đông Á", hai tác giả nhận định.

Dưới thời ông Trump, Bộ trưởng Hải quân Kenneth Braithwaite từng đề xuất thành lập Hạm đội 1 Hải quân hoạt động ở Ấn Độ Dương, đặt căn cứ ở Singapore. Ý tưởng của đề xuất này là chuyển giao một số nhiệm vụ của Hạm đội 7, đóng tại Nhật Bản, sang Hạm đội 1, giúp Hải quân Mỹ hiện diện gần hơn ở trung tâm địa chính trị mới. Việc thành lập Hạm đội 1 được hai ông Campbell và Doshi ủng hộ.

Lôi kéo Trung Quốc

Một trong những trọng tâm đề xuất của Campbell và Doshi là khôi phục sự công nhận của các nước trong khu vực đối với chính sách của Mỹ tại châu Á.

Mặc dù vậy, khác với cách làm của chính quyền Trump, hai tác giả kêu gọi Washington tìm cách lôi kéo Trung Quốc tham gia quá trình xây dựng luật chơi quốc tế.

"Dù các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để duy trì quyền tự quyết của họ trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, các nước này cũng nhận thấy việc loại bỏ vai trò của Trung Quốc trong tương lai của châu Á là điều phi thực tế và không mang lại lợi ích gì. Chẳng nước nào trong khu vực muốn bị buộc phải chọn bên trong cuộc đấu giữa hai cường quốc", hai tác giả nhận định.

Kurt Campbell chinh sach An Do Thai Binh Duong anh 3

Ông Campbell cho rằng Mỹ cần duy trì một số hành động phối hợp với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Campbell và Doshi ủng hộ dành cho Bắc Kinh "một vị trí trong trật tự khu vực", đồng thời chuẩn bị cho sự tham gia của Trung Quốc tại các thể chế chính trong trật tự này.

Quan điểm trên tương tự như trình bày của ông Campbell tại một hội thảo chuyên đề trực tuyến hồi tháng 10/2020. Khi đó, ông Campbell cho rằng, nếu không thể hợp tác toàn diện, Mỹ và Trung Quốc vẫn cần duy trì "một số hình thức hành động phối hợp" để giải quyết những vấn đề đang tồn tại, như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Bài viết trên Foreign Affairs đồng thời kêu gọi thành lập "các cơ chế riêng rẽ hoặc tạm thời nhằm giải quyết từng vấn đề", thay vì cố gắng xây dựng một liên minh rộng lớn để xử lý mọi thách thức. Những cơ chế này giúp nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp thiết nhất trong thương mại, công nghệ, các chuẩn mực và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Zingnews

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link