10 năm Mùa xuân Arab - Nhìn lại một thập kỷ mất mát

Ngày 14/1 đúng 10 năm trước đánh dấu cơn địa chấn đầu tiên của phong trào Mùa xuân Arab.

Tháng 12/2010, từ vụ việc một thanh niên bán rau tự thiêu sau khi bị cảnh sát tịch thu gánh hàng tại Tunisia rồi nhanh chóng lan rộng thành làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Các cuộc bạo loạn đường phố tạo thành một làn sóng mạnh mẽ nhất của tình trạng bất ổn xã hội và chính trị ở Tunisia trong hàng thập kỷ.

Các cuộc biểu tình lên đến đỉnh điểm với việc lật đổ Tổng thống Ben Ali vào ngày 14/1/2011, người đã buộc phải từ chức và chạy khỏi đất nước sau đó. Sự kiện được gọi là "Cách mạng Hoa nhài" này tại Tunisia đã khởi nguồn cho chuỗi các cuộc cách mạng đường phố lan rộng tại các nước Trung Đông - Bắc Phi khi đó, tạo thành phong trào "Mùa xuân Arab", trải dài từ Lybia, Ai Cập, Syria, Yemen. Chỉ trong năm 2011, các cuộc cách mạng đường phố đã khiến 3 chính phủ bị lật đổ, tại Tunisia là vào ngày 14/1, Ai Cập là vào 11/2 và Lybia là 20/10. Một số nước thì chìm trong nội chiến.

10 năm Mùa xuân Arab - Nhìn lại một thập kỷ mất mát - Ảnh 1.

10 năm đi qua, những khởi sắc không thấy đâu, chỉ thấy sự đổ nát và bế tắc. Lybia, Syria chưa thể hưởng nền hoà bình đúng nghĩa. Một phần đất nước Lybia bị tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng; hơn 400 nghìn người thiệt mạng do nội chiến triền miên tại Syria; Yemen cũng trong tình trạng nội chiến, nạn đói hoành hành trong khi Tunisia liên tiếp ghi nhận tăng trưởng kinh tế giảm dần.

10 năm Mùa xuân Arab - Nhìn lại một thập kỷ mất mát - Ảnh 2.

Các phong trào xuống đường bạo loạn với hứa hẹn đem lại cho nhân dân cuộc sống mới thực tế đã trở thành chiêu bài lợi dụng, tranh giành quyền lực của một số nhóm chính trị cơ hội. Người dân cuối cùng chính là những người gánh chịu hậu quả, cuộc sống khổ cực, đất nước không bình an.

Hậu quả "Mùa xuân Arab" với thế giới

Một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi Mùa xuân Arab bắt đầu. Các cuộc cách mạng đường phố không chỉ để lại những hậu quả với chính các quốc gia xảy ra chính biến mà còn để lại những hậu quả nặng nề với khu vực và thế giới

Tạo đà cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy

Sự suy yếu của các chính phủ tại Trung Đông - Bắc Phi sau "Mùa Xuân Arab" đã mở đường cho sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố cực đoan mà điển hình là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với quy mô còn vượt hơn cả tổ chức khủng bố Al Queda.

Bành trướng khắp khu vực, lan rộng ra toàn cầu, thực hiện các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn, tiến hành kiểm soát nhiều vùng đất, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thực sự để lại những hệ quả vô cùng nặng nề và trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều quốc gia.

Khủng hoảng nhân đạo kéo dài

Không chỉ tạo cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố cực đoan, "Mùa xuân Arab" còn để lại một cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng tàn khốc, kéo dài cả thập kỷ. Hàng trăm nghìn người Arab tìm cách vượt biển Địa Trung Hải chạy sang châu Âu để tránh chiến tranh, tìm kiếm một vùng đất hứa. Các dòng người nhập cư đã tạo ra một cuộc khủng hoảng mà chính châu Âu cho đến nay vẫn chưa thể tìm ra được một lời giải phù hợp.

Với những gì mà các cuộc cách mạng đường phố tại Trung Đông - Bắc Phi để lại cho thế giới, các nhà nghiên cứu thậm chí còn dùng một thuật ngữ mới là "Mùa đông Arab" để chỉ những hậu quả sau khi "Mùa xuân Arab" đi qua.

Một thập kỷ máu và mất mát

Phong trào "Mùa xuân Arab" càn quét thế giới Arab, đặc biệt là tại 5 nước Ai Cập, Yemen, Libya, Syria bên cạnh Tunisia. Giờ đây, những cái tên ấy đa phần đều gợi cho người ta ấn tượng về những cuộc nội chiến, khủng bố hay kinh tế bất ổn.

Gọi là "Mùa xuân Arab" nhưng thực tế mọi thứ rất nhanh chóng đã biến thành một mùa đông đen tối, như bình luận mới đây của trang báo Daily Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ). Một chính phủ dân chủ, xã hội ổn định vẫn là một giấc mơ xa vời đối với nhiều quốc gia.

Đánh giá về lịch sử khó mà có thể đưa ra được cái nhìn toàn diện. Mỗi người đều có thể có một nhận định riêng, dựa vào vị trí, góc nhìn và cả những quan điểm chủ quan của mình. Nhưng những con số thì không có cảm tính.

Trang mạng của viện nghiên cứu Trung Đông đã tổng kết một vài con số của Mùa xuân Arab sau một thập kỷ. Đó là tại Syria, có khoảng 1,5 triệu người đã chết, 11 triệu người phải đi tị nạn hoặc mất nhà cửa. Hay như tại Ai Cập, tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp, bất bình đẳng hiện đều ở mức chưa từng có trong lịch sử.

Như cách gọi của Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Mùa xuân Arab đã mang đến một thập kỷ của máu và mất mát. Trong khi đó, trang báo TRT của Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm về ngôi làng Sidi Bouzid (Tunisia), nơi chàng thanh niên Mohammed Bouazizi tự thiêu, thổi bùng lên ngọn lửa nổi dậy hơn 10 năm trước đây.

Tại Sidi Bouzid, dấu hiệu có thể cảm nhận duy nhất về một sự đầu tư sau 10 năm là một tòa nhà mới, thay thế cho trụ sở chính quyền cũ nơi Mohammed Bouazizi tự thiêu. Còn lại, những gì hiện lên là cảnh người dân tranh giành chỉ để có một ít khí đốt cho gia đình. Những cuộc biểu tình lại bùng phát trong những tuần gần đây, phản đối tình trạng thất nghiệp, dịch vụ nhà nước yếu kém, bất bình đẳng hay tình trạng thiếu thốn. Số người dân Tunisia đang tìm cách chạy khỏi đất nước nhiều hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các tư tưởng cực đoan càng len lỏi trong số những thanh niên thất nghiệp, bị đẩy ra rìa xã hội.

Nhưng không chỉ là nghèo đói, thất nghiệp và những mâu thuẫn vẫn âm ỉ trong nội bộ xã hội. Mùa xuân Arab cũng đã đẩy nhiều quốc gia vào cảnh không còn nắm được vận mệnh của chính mình nữa, phải chịu sự dàn xếp của các nước lớn.

Theo Thời báo Jerusalem, một phần của thế giới Arab ban đầu hiện lên với hình ảnh của những giận dữ và nghèo đói, nay còn đang bị xâm chiếm nữa. Thêm vào đó là những bất ổn xã hội, sự yếu kém về kinh tế hay sự kém hiệu quả về chính trị đang diễn ra sâu sắc và lan rộng.

Tránh vết xe đổ của một thập kỷ mất mát

Để tránh đi vào vết xe đổ của một thập kỷ mất mát, theo nhận định của ông Ferid Belhaj, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Trung Đông và Bắc Phi, chính phủ các nước Trung Đông và Bắc Phi phải nhanh chóng ổn định xã hội bằng các hành động cải thiện nền kinh tế, đặc biệt đối với giới trẻ.

Theo xu hướng nhân khẩu học hiện tại, khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ cần tạo ra 300 triệu việc làm mới vào năm 2050, tương đương với 800.000 việc làm mỗi tháng và công việc này cần bắt đầu ngay từ bây giờ. Không những thế, đổi mới giáo dục, nâng cao vai trò của phụ nữ là những việc làm cần ưu tiên.

Các chính phủ Trung Đông và Bắc Phi cải tổ trợ cấp xã hội, vốn hiện dựa vào các khoản trợ cấp sai lầm và tốn kém. Trong một nền kinh tế lành mạnh, khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp cần có không gian để phát triển. Chính phủ đóng vai trò chủ đạo là người điều tiết nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải thiết lập các quy tắc rõ ràng và có thể dự đoán được, thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường để ngăn chặn các hành vi độc quyền và trao quyền cho hệ thống tư pháp để thực thi pháp quyền. Đây là những điều cơ bản cho bất kỳ nền kinh tế thị trường mở nào và là điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước.

Các chính phủ cần ban hành luật rõ ràng, công minh, thông qua các quy định tạo điều kiện và thực thi chúng một cách công bằng. Điều đó sẽ giải phóng năng lượng của hàng triệu người trẻ, những người sẽ chọn gây dựng cho sự phát triển của đất nước hơn là đưa tài năng của họ ra nước ngoài hoặc liều mạng vượt biển.

Các quốc gia trong khu vực cần giao trọng trách cho các doanh nhân, những người sáng tạo, những người sẵn sang đổi mới và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để chuyển đổi nền kinh tế. Họ sẽ tạo ra công ăn việc làm và nuôi dưỡng hy vọng cho thanh niên trong khu vực. Cho họ không gian và sự hỗ trợ, theo dõi sự dẫn dắt của họ và xem một thập kỷ không bị ràng buộc sẽ như thế nào trong toàn khu vực.

Nguồn: vtv.vn

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link