Bầu cử Singapore 2020: Chiến thắng không ngọt ngào

Như thường lệ, đảng Hành động Nhân dân (PAP) một lần nữa lại giành chiến thắng áp đảo với 83/93 ghế nghị sỹ quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử 2020 ở Singapore diễn ra ngày 10/7 và sẽ thành lập chính phủ mới trong những ngày tới. Có điều, chiến thắng đó không ngọt ngào như kỳ vọng.

 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (giữa) bỏ phiếu tại điểm bầu cử Quốc hội ở Singapore City ngày 10/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Phát biểu sáng 11/7, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thư ký đảng PAP cho rằng PAP đã có “một sự ủy thác rõ ràng” để tiếp tục dẫn dắt Singapore vượt qua khủng hoảng, nhưng cũng thừa nhận “tỷ lệ phiếu bầu không cao như kỳ vọng” và việc để mất thêm một khu vực bầu cử nhiều nghị sỹ khác tại Sengkang GRC là "sự thất vọng và tổn thất lớn" đối với PAP.

Sự thất vọng là có cơ sở bởi lịch sử cho thấy bầu cử trong thời kỳ khủng hoảng thường mang lại lợi thế cho PAP. Thế nhưng, PAP lần này chỉ giành được 61,24% số phiếu bầu, sụt giảm gần 9,0% so với mức 69,9% của năm 2015, chỉ nhỉnh hơn không đáng kể so với con số thấp kỷ lục trong lịch sử bầu cử mà PAP phải đối mặt năm 1991 và 2011, lần lượt ở mức 59,3% và 60,1%.

Dù có sự điều chỉnh chiến thuật tại hai khu vực trọng yếu là West Coast GRC và East Coast GRC, nhưng chiến thắng nhọc nhằn của PAP cũng minh chứng cho xu hướng sụt giảm sự ủng hộ của cử tri. Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt, ứng viên thay thế vị trí của ông Lý Hiển Long trong tương lai không xa, được bất ngờ điều chuyển tới tranh cử ở East Coast GRC, nhưng cũng chỉ giúp PAP giành chiến thắng mong manh với 53,41% phiếu bầu, giảm đáng kể so với mức an toàn 60,7% của năm 2015.

Còn tại West Coast GRC, PAP đã tăng cường lực lượng với gương mặt trẻ nhất trong nội các là Bộ trưởng Desmond Lee, sinh năm 1976, nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri trẻ tuổi, nhưng cũng chỉ giành chiến thắng sít sao với 51,69% phiếu bầu trước đối thủ mới còn non trẻ là đảng Singapore Tiến bộ (PSP), do cựu thành viên PAP sáng lập tháng 3/2019. Trong hai kỳ bầu cử gần đây, PAP luôn giành chiến thắng áp đảo trước đảng Cải cách (RP) tại khu vực này, với 72,5% năm 20111 và 78,57% năm 2015.

Tổn thất là không nhỏ khi PAP để mất thêm khu vực bầu cử Sengkang GRC (4 ghế) vào tay đảng Công nhân (WP), đồng nghĩa với việc mất đi một bộ trưởng trong nội các hiện tại cùng 2 quốc vụ khanh (tương đương thứ trưởng). Ông Ng Chee Meng, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, dẫn đầu đội hình của PAP tại khu vực này, đã để thua “cay đắng” trước đội hình trẻ tuổi của đảng WP với tỷ lệ phiếu bầu 48,87% so với 52,13% của WP.

Chiến thắng tại khu vực bầu cử mới này, cùng với việc duy trì được 6 ghế tại khu vực Aljunied GRC và Hougang SMC với tỷ lệ phiếu bầu tăng đáng kể  giúp WP có 10 ghế tại quốc hội nhiệm kỳ mới, tiếp tục là đảng đối lập duy nhất có ghế tại quốc hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Minh Khương từ Trường chính sách công Lý Quang Diệu đánh giá thành tích của WP trong kỳ bầu cử này đã tạo ra thách thức rất lớn cho thế hệ lãnh đạo thứ từ của PAP. Sự tiến bước vững chắc của WP trong những kỳ bầu cử gần đây đòi hỏi PAP cần phải có những đột phá rất lớn trong thời gian tới.

Còn đối với PAP, thất bại tại Sengkang GRC cũng cho thấy PAP chưa giành được “trái tim và khối óc” của thế hệ cử tri trẻ tuổi, bởi 60% cử tri tại khu vực này có độ tuổi dưới 45. Phó Giáo sư Bilveer Singh, chuyên gia về chính trị và bầu cử từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nhìn nhận, cử tri “đảo quốc Sư tử”, nhất là các cử tri trẻ tuổi, đã “hành xử rất khác” trong kỳ bầu cử này. Bất chấp những thách thức, khó khăn thời gian tới, cử tri đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới PAP và Chính phủ Singapore rằng họ không hài lòng và muốn có sự thay đổi.

Kỳ bầu cử đặc biệt nhất trong lịch sử 55 năm của Singapore kể từ ngày độc lập đã trôi qua, nhưng dư âm sẽ còn dai dẳng bởi nhiều điều chưa từng có tiền lệ. Một kỳ bầu cử trong đại dịch COVID-19 chưa từng có, không trống dong, cờ mở, thiếu vắng sự náo nhiệt vốn có trong chiến dịch tranh cử. Một kỳ bầu cử lần đầu tiên kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm 2 giờ. Một kỳ bầu cử chứng kiến những người con của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đứng ở hai chiến tuyến,...

Giới chuyên gia đánh giá kết quả bầu cử 2020 đã đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai của Singapore. Liệu kế hoạch chuyển giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo thứ tư của PAP có thay đổi sau bầu cử? Liệu Thủ tướng Lý Hiển Long có kéo dài thời gian tại nhiệm và trì hoãn kế hoạch nghỉ hưu? Dù đã cứu thua cho PAP tại East Coast GRC nhưng liệu ông Vương Thụy Kiệt có trở thành thủ tướng kế nhiệm theo kế hoạch? Dù câu trả lời có thế nào đi nữa, nhưng rõ ràng đảng PAP và Thủ tướng Lý Hiển Long đã có “sự ủy thác” cần thiết của người dân để dẫn dắt Singapore vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay, và đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng đối với PAP.

Nhiệm vụ trước mắt mà chính phủ mới của Singapore phải thực hiện là giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19, bên cạnh khôi phục kinh tế và tạo việc làm cho người dân, trong bối cảnh Singapore đang đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này. Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Tiền tệ Singapore, kinh tế nước này sẽ giảm 5,8% trong năm nay. Đây là sự đảo ngược hoàn toàn so với mức dự đoán tăng 0,6% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát trước đó.

Giới chức Singapore cũng cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể tăng trong khi mức lương của người lao động sẽ giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý I/2020 của nước này đã tăng lên 2,4%, mức cao nhất trong một thập niên qua, so với mức 2,3% trong quý trước đó. Nói như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì “đảo quốc Sư tử” đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chiến thắng không ngọt ngào của PAP trong cuộc bầu cử lần này có thể lại trở thành động lực để PAP thực hiện những bước điều chỉnh và cải cách quyết liệt, đủ khả năng đảm nhiệm "sự ủy thác" mà người dân giao phó, dẫn dắt đất nước Singapore vượt qua thời kỳ thử thách hiện nay.

Lê Dương (PV TTXVN tại Singapore)

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link