Biện pháp căn cơ trong phòng, chống đại dịch​

Chúng ta chưa biết đến khi nào đại dịch Covid-19 kết thúc, bởi vậy, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, tiêm vaccine phòng Covid-19 sẽ là một biện pháp quan trọng giúp ngăn chặn đại dịch. Việt Nam đã và đang nỗ lực để sớm có vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, cùng với vaccine, chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế để chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Vaccine vẫn là biện pháp tối ưu

Ngay khi Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vaccine AstraZeneca, nhiều người còn e ngại bởi chưa có nhiều thông tin về vaccine này. Nhưng theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế), tiêm vaccine phòng Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, sẽ có một số ít người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus SARS-CoV-2. 

Lý giải nguyên nhân những người đã tiêm vaccine phòng Covid-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích, vaccine phòng Covid-19 là loại vaccine mới, việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, với những người tiêm đủ hai mũi vaccine với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ, nhưng không phải ai sau khi tiêm hai mũi vaccine đều sinh kháng thể bảo vệ cho cơ thể.

Biện pháp căn cơ trong phòng, chống đại dịch​

Lô vaccine AstraZeneca đầu tiên được đưa về Việt Nam. Ảnh do Bộ Y tế cung cấp

Đẩy mạnh sản xuất vaccine trong nước

Dù hiệu lực của vaccine không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. Tại Việt Nam, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng đều đang đặc biệt nỗ lực trong việc kết nối, kêu gọi từ các kênh khác nhau để có thể huy động được đủ nguồn cung vaccine phục vụ cho toàn dân. Minh chứng cho sự đồng lòng, chung tay của cả cộng đồng, ngày 5-6, Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 đã được Chính phủ cho ra mắt, kêu gọi toàn dân ủng hộ và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trên khắp cả nước. Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực trao đổi với các quốc gia và các đối tác khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp, đồng thời thông qua việc mua, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 tiên tiến (công nghệ mRNA) từ nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện nay, nhu cầu vaccine trên toàn cầu rất lớn, Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine phòng Covid-19 để có thể tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân Việt Nam sớm nhất, nhanh nhất. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước triển khai các biện pháp chống dịch hiệu quả, kiểm soát dịch tốt, việc cung ứng vaccine của các nước cho Việt Nam vẫn theo lộ trình, kế hoạch mà các nhà sản xuất, phân phối đưa ra. Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh vaccine trong những năm tiếp theo, Bộ Y tế xác định việc hợp tác trong sản xuất, chuyển giao công nghệ sản xuất là rất cần thiết. Bộ Y tế đã giao Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), đơn vị đầu tiên của Bộ Y tế đã hợp tác với Nga, dự kiến đến tháng 7-2021 sẽ tiến hành đóng ống, gia công vaccine phòng Covid-19 của Nga tại Việt Nam với công suất dự kiến 5 triệu liều/tháng. Đây là kết quả quan trọng để phía Nga có thể tiến hành chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.

Về việc đẩy mạnh sản xuất vaccine trong nước, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), thông tin, đến nay, cả nước có hai nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, trong đó có vaccine Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ứng viên còn lại đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC). Vaccine này đang được báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 để chuyển tiếp nghiên cứu giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Bình. IVAC cho biết, dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều vaccine/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư. Trong khi đó, Nanogen dự kiến quy mô sản xuất khoảng 20-30 triệu liều/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Biện pháp căn cơ trong phòng, chống đại dịch​

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho công nhân tại khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Ảnh: TUẤN DŨNG 

Thực hiện tốt 5K+vaccine

Vaccine là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch và Việt Nam vừa đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng vẫn luôn bảo đảm an toàn tối đa theo phương châm "Tiêm đến đâu an toàn đến đó". Bộ Y tế sáng 14-6 cho biết, tính đến chiều 13-6, cả nước đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1, 2 và 3 tại các tỉnh/thành phố với 1.498.323 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ hai mũi phòng Covid-19 là 55.265 người. GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, cho biết, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất. Cho đến thời điểm này, vaccine phòng Covid-19 được sử dụng tại Việt Nam đã được chứng minh khi chưa có trường hợp tiêm đủ hai mũi nào bị mắc Covid-19 tiến triển nặng hoặc tử vong. Do đó, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tích cực và chủ động thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn về tiêm vaccine phòng Covid-19. Khi đến lượt mình được tiêm vaccine phòng Covid-19, hãy đến các cơ sở tiêm chủng của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khỏe, thông tin cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm... Đặc biệt tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế, dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 vẫn phải tuân thủ khuyến cáo "5K": Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế.

DIỆP CHÂU

Theo QĐND