Chiến thuật của Israel để giăng bẫy tay súng Hamas

Tuyên bố sai lệch của quân đội Israel về việc triển khai bộ binh tấn công Dải Gaza được cho là chiến thuật nhằm dụ các tay súng Hamas vào cái bẫy được giăng sẵn.

Quân đội Israel hôm 14/5 bất ngờ tuyên bố điều động bộ binh tấn công Dải Gaza. Thông báo này được gửi tới các hãng thông tấn quốc tế lớn qua Twitter, với nội dung tin nhắn và bản ghi âm được xác nhận bởi người phát ngôn quân đội Israel.

Các hãng tin tức tiếng Anh hàng đầu của phương Tây đồng loạt đưa tin về cuộc tấn công trên bộ, bởi đây sẽ là bước leo thang nguy hiểm trong cuộc xung đột ở Trung Đông.

Nhưng chỉ sau vài giờ, sự thật được hé lộ, chẳng có cuộc tấn công trên bộ nào xảy ra, theo New York Times.

Thay vào đó, lực lượng bộ binh Israel nổ súng từ lãnh thổ của người Do Thái, trong khi tiêm kích và máy bay không người lái ồ ạt không kích vào các mục tiêu tại Dải Gaza.

Cú lừa của Israel

Giới quan sát Israel cho biết tuyên bố sai sự thật này không phải là sự cố ngẫu nhiên, mà là một phần của kế hoạch "đánh lừa" được tính toán kỹ lưỡng.

Mục tiêu của Tel Aviv là khiến Hamas tin cuộc xâm lược mới đã bắt đầu, để các tay súng hành động, từ đó khiến họ bị lộ vị trí và dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của Israel.

Người phát ngôn quân đội Israel, trung tá Jonathan Conricus, khẳng định tuyên bố sai lầm đưa ra ban đầu là lỗi của cá nhân ông, bởi ông hiểu nhầm thông tin gửi về từ chiến trường, rồi gửi cho báo giới mà không kiểm tra kỹ lưỡng.

Israel tan cong Gaza anh 2

Xe tăng Israel nã pháo về phía Gaza. Ảnh: New York Times.

Thế nhưng, trên các tờ báo tiếng Do Thái, quân đội Israel được tán dương bởi thành công dụ dẫn các chiến binh Hamas vào hệ thống đường hầm ở phía bắc Dải Gaza, trở thành mục tiêu trong các vụ không kích dữ dội của 160 máy bay Israel bắt đầu từ nửa đêm.

"Những đường hầm đó trở thành cái bẫy chết chóc cho những kẻ khủng bố (Hamas)", kênh Channel 12 của Israel đưa tin, đồng thời gọi thông tin sai lệch ban đầu mà quân đội gửi đi là "kế hoạch đã vạch sẵn".

Thông tin về cuộc tiến quân của bộ binh Israel được thông báo lúc 0h22 sáng 14/5, trong một thông cáo bằng tiếng Anh với nội dung mập mờ: "Không quân và bộ binh Israel lúc này đang tấn công trong Dải Gaza".

Điều đáng lưu ý, theo New York Times, là từ "trong" trong phiên bản tiếng Anh lại không xuất hiện ở thông cáo bằng tiếng Do Thái được phát đi chỉ vài phút trước đó.

Khi truyền thông phương Tây liên hệ với trung tá Conricus để kiểm tra lại, người phát ngôn quân đội xác nhận bộ binh Israel đang ở trong Dải Gaza.

Sự sai lệch giữa các bản tin tiếng Anh và tiếng Do Thái khiến các hãng thông tấn quốc tế "cuống cuồng" tìm cách xác minh lại diễn biến trên thực địa.

Lúc 1h43, phóng viên hãng thông tấn Kann News của Israel đưa ra thông tin xác nhận: "Đây không phải cuộc xâm lược trên bộ. Nhắc lại, không có cuộc xâm lược trên bộ vào Dải Gaza".

Lúc 2h sáng, quân đội Do Thái rút lại thông tin ban đầu, cho biết bộ binh chỉ nổ súng về phía Dải Gaza.

Đến lúc này, chiến dịch quân sự của quân đội Israel nhắm vào Dải Gaza kết thúc.

Quân đội Israel đã thành công?

Trong cuộc họp qua điện thoại với sự tham gia của các hãng thông tấn lớn như Washington PostWall Street JournalNPRAFP, phóng viên chất vấn có phải quân đội Israel lợi dụng truyền thông quốc tế phục vụ mục tiêu quân sự của mình.

Trung tá Conricus cho biết ông "không có ý định lừa bất cứ ai" hoặc khiến báo giới viết ra những điều không đúng sự thật.

"Tôi hiểu các bạn sẽ nhìn nhận sự việc khác với chúng tôi", ông Conricus nói.

Tuy nhiên, trung tá Conricus thừa nhận quân đội thực tế đã tìm cách đánh lừa Hamas, bằng cách sử dụng những chiến thuật gây náo động như điều động số lượng lớn xe tăng, xe thiết giáp tới biên giới, như thể cuộc xâm lược đã bắt đầu.

Mục tiêu của quân đội Do Thái là dụ các nhóm tên lửa chống tăng của Hamas rời khỏi nơi ẩn náu và bắt đầu nổ súng về phía lực lượng Israel, gián tiếp để lộ vị trí và trở thành mục tiêu của không quân Israel.

Các chiến binh Hamas cũng mắc bẫy khi di chuyển vào hệ thống hầm ngầm dưới mặt đất, nơi mà giới chỉ huy Israel tin họ có thể phá hủy bằng các cuộc không kích.

"Không ai trong các bạn là mục tiêu. Mục tiêu chúng tôi nhắm đến là những kẻ khủng bố mà hy vọng là giờ chúng đang ở dưới hầm kia. Điều quân đội Israel muốn là tạo ra tình huống khiến chúng chạy xuống hầm, đó là nơi chúng tôi có thể tấn công", ông Conricus nói với các phóng viên.

Israel tan cong Gaza anh 3

Một mục tiêu ở Dải Gaza bị không kích. Ảnh: Reuters.

Cuối ngày 14/5, Israel cho biết đã huy động 160 máy bay không kích vào Dải Gaza, thả 80 tấn bom, phá hủy một mạng lưới đường hầm lớn mà Hamas sử dụng để ẩn náu và che giấu hoạt động. Israel tuyên bố đã loại khỏi vòng chiến 80-90 thành viên Hamas.

Đây không phải lần đầu tiên văn phòng phát ngôn viên quân đội Israel đưa ra thông tin sai lệch có chủ đích như một chiến thuật quân sự. Năm 2019, quân đội Israel dàn dựng một vụ cứu thương giả, với trực thăng y tế đưa một binh sĩ bị thương tới bệnh viện.

Mục tiêu của vụ dàn dựng nhằm đánh lừa truyền thông Lebanon tin rằng lực lượng Hezbollah đã gây ra thương vong cho Israel.

Chỉ sau khi Hezbollah tuyên bố đứng sau vụ tấn công, văn phòng phát ngôn viên quân đội mới đính chính, khẳng định không có binh sĩ nào của Israel bị thương.

Sự cố cung cấp thông tin sai lệch từ phía quân đội Israel vấp phải chỉ trích gay gắt từ giới truyền thông, cũng như một số chuyên gia.

"Việc họ lợi dụng chúng ta là điều không thể chấp nhận được. Nếu không phải vậy thì chuyện gì thực sự đã xảy ra, và vì sao truyền thông Israel lại nói chúng ta đã bị lừa?", Daniel Estrin, phóng viên của NPR, thể hiện sự bất bình.

Amos Harel, nhà phân tích của tờ báo tiếng Do Thái Haaretz, cho biết việc người phát ngôn quân đội đánh lừa các phóng viên là diễn biến đáng báo động.

"Thật nguy hiểm khi quân đội bị nghi cung cấp thông tin sai cho truyền thông quốc tế, đặc biệt khi chúng ta đang trên bờ vực leo thang quân sự với Hamas, và Israel rất cần thông qua truyền thông quốc tế để giải thích hành động của mình", ông Harel cho biết.

"Các phóng viên cũng gặp rủi ro. Quân đội Israel có lẽ đã quên rằng phóng viên nước ngoài có mặt ở cả hai bên của biên giới, họ có thể gặp nguy hiểm nếu bị cho là đã tham gia cuộc chiến tranh tâm lý của Israel", ông Harel nói chêm.

Suốt tuần qua, cuộc xung đột ở Dải Gaza châm ngòi cho cơn bão thông tin sai lệch trên các mạng xã hội khắp thế giới, với những hình ảnh, đoạn video, và tin đồn sai sự thật về hoạt động của quân đội Israel cũng như Hamas.

Các chuyên gia lo ngại những thông tin sai lệch, đôi khi được tung ra có chủ đích, sẽ khiến cuộc xung đột trở nên tồi tệ và thêm phần chết chóc.

Theo Duy Anh/Zingnews

 

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link