Chuyến thăm của Macron khơi thêm lửa giận ở Lebanon

Khi người dân Beirut tuyệt vọng vì vụ nổ thảm khốc, chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron càng thổi bùng lửa giận của họ với chính phủ Lebanon.

 

Khi tới thăm khu phố hoang tàn sau vụ nổ như "bom nguyên tử Nhật Bản" hôm 4/8 ở cảng Beirut, nguyên thủ một quốc gia nhìn thẳng vào mắt cư dân ở đây, cam kết viện trợ lương thực và theo đuổi sáng kiến mới về chính trị. Ông cũng bày tỏ lòng thương tiếc với gia đình nạn nhân, thậm chí còn gạt cận vệ qua một bên để ôm an ủi một người phụ nữ.

Nhưng vấn đề duy nhất là các hành động này đến từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chứ không phải Tổng thống Lebanon Michel Aoun.

Chưa đầy 48 tiếng sau vụ nổ ở cảng Beirut khiến ít nhất 145 người chết, 5.000 người bị thương và gần nửa thành phố trở thành đống đổ nát, Tổng thống Macron đã làm điều mà chưa có chính trị gia cấp cao nào Lebanon làm: thị sát hiện trường xảy ra thảm kịch.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (áo sơ mi trắng) tới thăm nơi xảy ra vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon, hôm 6/8. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (áo sơ mi trắng) tới thăm nơi xảy ra vụ nổ tại cảng Beirut, Lebanon, hôm 6/8. Ảnh: Reuters.

Sự tương phản này là điều người dân Lebanon đã lường trước được. Khi cố gắng dọn dẹp đống đổ nát tại các khu nhà và con phố, chôn cất người chết và tự hỏi liệu hàng tỷ USD cần để tái thiết thủ đô có tới được hay không, họ nhận ra rất khó trông chờ vào các lãnh đạo đất nước sẽ giúp đỡ họ trong lúc khó khăn này.

"Tôi không muốn Pháp gửi tiền cho những người tham nhũng", Khalil Honein, ngồi bên ngoài cửa hiệu phụ tùng ôtô bị hư hại, gần nơi Tổng thống Macron đến, nói. "Hãy để ông ấy đưa tất cả chính trị gia này đi cùng hoặc để ông ấy trở thành tổng thống của chúng tôi".

Khi thiệt hại từ vụ nổ hôm 4/8 và thái độ thờ ơ của chính phủ ngày càng rõ ràng, nỗ lực khắc phục hậu quả phần lớn dồn lên vai người dân Lebanon, bên cạnh sự hỗ trợ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Hôm 6/8, Cyprus, đảo quốc láng giềng, nơi cảm nhận được vụ nổ ở cảng Beirut, đã gửi bác sĩ tới Lebanon. Đan Mạch hỗ trợ tiền, trong khi Italy, Jordan và Trung Quốc gửi đội ngũ nhân viên và thiết bị y tế. Liên Hợp Quốc thông báo sẽ gửi 9 triệu USD hỗ trợ các bệnh viện ở Beirut, ba trong số đó đã bị thổi bay sau vụ nổ.

Không rõ các khoản đóng góp này sẽ giải quyết được bao nhiêu nhu cầu của Beirut sau vụ nổ, thảm kịch khiến 250.000 người phải rời bỏ nhà cửa và xảy đến sau khi cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhiều người Lebanon trượt dài trong nghèo đói. Chính quyền Beirut ước tính thiệt hại lên tới 3-5 tỷ USD.

Tại nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều đội hỗ trợ nước ngoài đã sát cánh cùng tình nguyện viên Lebanon phân phát thực phẩm và giúp người dân dọn dẹp.

"Đây là sáng kiến mang tính cá nhân", Joelle Debs, thành viên đội tình nguyện, cho hay. "Chúng tôi không mấy trông đợi vào sự giúp đỡ của chính phủ và chính quyền thành phố".

Nhiều người cũng tỏ ra phẫn nộ với chính phủ và đổ lỗi về thảm kịch đã xảy ra, hoặc chỉ trích gay gắt Tổng thống Aoun. Thậm chí một cuộc ẩu đả đã xảy ra ngay trước cửa tòa nhà Hội Chữ thập đỏ Lebanon giữa nhóm ủng hộ và chỉ trích ông Aoun. Một chiếc lều của Hội Chữ thập đỏ đã bị phá tung, trong khi một người đàn ông bị chảy máu đầu. Nhiều người đã phải lao vào can ngăn vài người đàn ông định tấn công bằng xẻng.

Nhiều người tình nguyện khác bật khóc khi chứng kiến cảnh tượng chia rẽ đảng phái, điều mà nhiều người Lebanon cho rằng chính phủ vĩnh viễn không làm được gì.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ có một đất nước", một người nói.

"Chúng ta chưa từng có một đất nước", một người khác cho hay.

Tình nguyện viên phân phát bánh mì cho người dân sau vụ nổ ở cảng Beirut, hôm 6/8. Ảnh: NYTimes.

Tình nguyện viên phân phát bánh mì cho người dân sau vụ nổ ở cảng Beirut, hôm 6/8. Ảnh: NYTimes.

Làn sóng phẫn nộ với giới lãnh đạo Lebanon đã dấy lên từ mùa thu năm ngoái, khi biểu tình nổ ra ở Beirut và nhiều thành phố khác, nhằm kêu gọi thay đổi chính phủ sau nhiều năm tham nhũng và quản lý yếu kém.

Từ đó, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến đồng nội tệ của Lebanon lao dốc và nền kinh tế lao đao, thất nghiệp gia tăng. Lệnh phong tỏa để ngăn Covid-19 càng khoét sâu thêm vết thương kinh tế.

Trong tình cảnh "không thể tệ hơn" đó, vụ nổ với sức công phá ngang 240 tấn TNT xảy ra, xuất phát từ kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat được lưu trữ sơ sài tại cảng Beirut từ năm 2013. Giới chức cảng vụ và hải quan trước đó đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro cháy nổ từ kho hàng này, nhưng chính quyền Lebanon không có bất cứ động thái nào để giải quyết vấn đề.

Thủ tướng Hassan Diab tuyên bố sẽ điều tra và buộc bất kỳ ai gây ra vụ nổ này phải chịu trách nhiệm, nhưng cho tới nay chính phủ công bố rất ít thông tin về sự việc. Ngân hàng trung ương Lebanon hôm 6/8 tuyên bố đóng băng tài khoản của những người đứng đầu cảng Beirut, giới chức hải quan Lebanon và 5 người khác liên quan tới cuộc điều tra.

Tuy nhiên, nhiều người Lebanon không thực sự tin tưởng về kết quả của cuộc điều tra ở đất nước mà các chính trị gia hàng đầu làm giàu từ tham nhũng, sống trong các khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ xuất hiện trước công chúng cùng các đoàn xe hộ tống bọc thép lướt qua trên đường phố.

Chưa ai trong số họ đến thăm các khu phố bị thiệt hại nặng nề nhất sau vụ nổ, nhưng một số người đã đối mặt với làn sóng phẫn nộ của dư luận ở khắp nơi. Người biểu tình hôm 5/8 đã đuổi theo đoàn xe của cựu thủ tướng Saad Hariri và một người phụ nữ đã bị cận vệ bắt vì đá vào chiếc xe hộ tống.

Sự vắng bóng của giới lãnh đạo càng tương phản rõ rệt hơn với chuyến thăm của Tổng thống Pháp. Mặc sơ mi, đeo cà vạt đen dài và tay áo xắn lên, Macron đã tới thăm địa điểm xảy ra vụ nổ và bước tới đám đông tụ tập ở khu phố bị thiệt hại nghiêm trọng để gặp ông.

Đôi lúc ông kéo chiếc khẩu trang để nói chuyện với người dân, vẫy tay với những người đứng nhìn từ ban công và chạm tay chào hỏi với người đang dùng điện thoại quay mình.

"Tôi nhìn thấy cảm xúc hiện lên trên khuôn mặt các bạn, là nỗi buồn và đau khổ", Macron nói và chia sẻ về mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa hai quốc gia, từ khi Lebanon còn là thuộc địa của Pháp. "Đó là lý do tôi ở đây".

Ông cam kết sẽ gửi viện trợ cho người bị mất nhà cửa và hứa rằng tiền "sẽ không đến tay kẻ tham nhũng". Tổng thống Pháp chia sẻ ông sẽ nói chuyện với lãnh đạo Lebanon về "hiệp ước chính trị mới".

"Điều cần thiết ở quốc gia này là thay đổi chính trị. Vụ nổ này nên là khởi đầu cho một kỷ nguyên mới", ông nói.

Trước khi rời đi, Tổng thống Macron cho biết sẽ trình bày với các lãnh đạo Lebanon về danh sách cải cách cấp bách cần thiết để giải ngân hàng tỷ USD từ quỹ hỗ trợ quốc tế. Ông nói Pháp sẽ tổ chức hội nghị các nhà viện trợ quốc tế và đảm bảo tính minh bạch để viện trợ trực tiếp tới tay người dân.

Khung cảnh đổ nát, hoang tàn ở Beirut hôm 6/8. Ảnh: NYTimes.

Khung cảnh đổ nát, hoang tàn ở Beirut hôm 6/8. Ảnh: NYTimes.

Lebanon đã không đạt được các cải cách theo yêu cầu của các quỹ quốc tế để nhận được gói viện trợ cam kết và một số nhà bình luận tự hỏi liệu chuyến đi của Tổng thống Macron mang lại bao nhiêu lợi ích cho nước Pháp. Nhưng nhiều người Lebanon thực sự ấn tượng với hành động này, đặc biệt là khi so sánh với những gì đã thấy từ giới lãnh đạo nước nhà. Một bản kiến nghị trực tuyến đã yêu cầu Macron "đặt Lebanon dưới sự bảo trợ của Pháp trong 10 năm tới".

"Chúng tôi đề nghị Tổng thống Pháp tiếp quản Lebanon", Jana Harb, 17 tuổi, tình nguyện viên ký đơn kiến nghị, nói. "Bãi bỏ chính phủ hiện tại đi. Không có tương lai nào cho chúng tôi ở đây với các chính trị gia hiện nay. Chúng tôi thà trở thành thuộc địa còn hơn là chết".

Tang lễ dành cho nạn nhân vụ nổ tiếp tục được tổ chức khắp thành phố. Tang lễ của Sahar Fares, nhân viên y tế 24 tuổi, người đã tới cảng để giúp dập tắt đám cháy ban đầu và chết vì vụ nổ sau đó, đã được phát sóng trên truyền hình nhà nước sáng 6/8.

"Em gái tôi là anh hùng', một người phụ nữ khóc nức nở khi quan tài của Fares được đưa lên xe. "Em ấy là người đã phục vụ và hy sinh cả mạng sống để bảo vệ đất nước này".

Thanh Tâm (Theo NYTimes)

Nguồn: VnExpress

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link