Công nhận Taliban: Vấn đề nan giải

Không chỉ có những nước láng giềng của Afghanistan mà cả Mỹ, EU và một vài thành viên của EU đều đã chủ động tiếp xúc trực tiếp với Taliban sau khi lực lượng này kiểm soát đất nước và thành lập chính quyền mới ở Afghanistan.

 

Phái đoàn Taliban rời khách sạn sau khi tham dự cuộc họp về hòa bình Afghanistan tại Moscow, Nga, ngày 19/3/2021. Ảnh: Getty

Tất cả những nước này đều gặp phải vấn đề rất nan giải mà họ đều chưa đưa ra được ý tưởng giải pháp là công nhận hay không công nhận cũng như nếu công nhận thì với những điều kiện tiên quyết nào đối với chính thể của Taliban ở Afghanistan. Cả ở hội nghị cấp cao trực tuyến bất thường vừa rồi của nhóm G20 về Afghanistan cũng thấy rất rõ là các thành viên vẫn chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

Nhận thức chung của tất cả là cần phải tiến hành các công việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân ở Afghanistan, không để cho Taliban lại trở thành thách thức an ninh và không để cho Afghanistan ở thời Taliban trở lại cầm quyền trở thành thánh địa cho những tổ chức, lực lượng và phần tử khủng bố. Mỹ và EU gắn chuyện công nhận chính thể của Taliban ở Afghanistan với việc Taliban phải thực thi dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền thực sự cũng như phải đảm bảo các quyền của phụ nữ. Cho tới thời điểm hiện tại, họ chưa có được cơ sở xác đáng để tin là phía Taliban sẽ đáp ứng những điều kiện này. Nhưng nếu không hợp tác với Taliban thì sẽ không thực hiện được các công việc cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và không có kênh tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới định hướng chính sách cầm quyền của Taliban. Ranh giới giữa chỉ hợp tác mà không công nhận và công nhận Taliban ở đây rất mong manh.

Vấn đề này càng thêm nan giải và nhạy cảm về chính trị thế giới và an ninh khu vực khi các nước láng giềng của Afghanistan và Mỹ cùng với EU và NATO theo đuổi lợi ích và mưu tính chiến lược riêng với Afghanistan ở thời Taliban trở lại cầm quyền. Nhu cầu cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và xung khắc lợi ích của các bên ngoài ở Afghanistan cũng như bất đồng quan điểm giữa họ với nhau về định hướng chính sách đối với Taliban lại là những con chủ bài hữu dụng nhất mà Taliban hiện có được để đánh đổi lấy sự công nhận ngoại giao, gỡ bỏ sự phong tỏa tài sản của Afghanistan ở nước ngoài và tiếp cận nguồn tài chính của quốc tế đã được cam kết dành cho Afghanistan.

NGUYÊN SA/Kinhtedothi