Cuộc gặp sau 5 năm cắt quan hệ: Dấu hiệu chuyển thời của Iran-Saudi Arabia

Dấu hiệu ấm lên trong quan hệ giữa hai quốc gia đối thủ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden tham vọng đóng vai trò “người kiến tạo hòa bình” tại Trung Đông và đưa Iran trở lại các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Truyền thông phương Tây hôm qua (18/4) đồng loạt đưa tin về cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Iran và Saudi Arabia sau 5 năm cắt đứt quan hệ. Theo Thời báo Tài chính, vòng đàm phán đầu tiên giữa các quan chức cấp cao Saudi Arabia và Iran được tổ chức ngay trong tháng này tại thủ đô Baghdad, Iraq. Nội dung chủ yếu xoay quanh cuộc xung đột tại Yemen, vốn chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng khốc liệt nhất giữa Iran và Saudi Arabia.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia đang muốn chấm dứt cuộc chiến do nước này phát động nhằm vào nhóm vũ trang Houthi tại Yemen. Từ đầu năm đến nay, nhóm vũ trang người Houthi đã nhiều lần phóng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal Bin Farhan Al Saud mới đây đã tỏ rõ mong muốn ngừng bắn với nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn: “Saudi Arabia kêu gọi chính phủ Yemen và người Houthi chấp nhận sáng kiến ​ngừng bắn, đồng thời cũng nhắc lại sự bác bỏ hoàn toàn đối với sự can thiệp của Iran trong khu vực và ở Yemen, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng kéo dài tại Yemen”.

Saudi Arabia, quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo dòng Sunni đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, quốc gia có ảnh hưởng với người Hồi giáo dòng Shia tại khu vực từ năm 2016 và sau đó liên tục nỗ lực tập hợp lực lượng để đối phó, công khai coi bên kia là thù địch. Saudi Arabia thậm chí lấy việc ngừng quan hệ ngoại giao với Iran làm một trong những điều kiện tiên quyết cho những quốc gia vùng Vịnh muốn duy trì quan hệ với nước này. Căng thẳng bị đẩy lên cao trào mới vào năm 2018 khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Bởi thế, theo các nhà phân tích, đối với Saudi Arabia, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông, việc nối lại các cuộc tiếp xúc cũng là cách chứng minh thiện chí. Bởi việc giảm căng thẳng giữa hai quốc gia đối thủ tại khu vực là một trong những mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nhà lãnh đạo Mỹ đang có tham vọng tháo ngòi nổ căng thẳng trên Bán đảo Arab và đưa Iran trở lại thảo thuận hạt nhân bằng mọi giá.

Tuần trước, Saudi Arabia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới một thỏa thuận chặt chẽ hơn, với các tiêu chuẩn cao hơn đồng thời cho biết các quốc gia Arab sẽ tham gia đàm phán thỏa thuận đảm bảo hạn chế cả chương trình tên lửa và kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Hồi tuần trước, hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao của Saudi Arabia cho biết, các biện pháp xây dựng lòng tin có thể mở đường cho việc mở rộng quy mô đàm phán với sự tham gia của các nước Vùng Vịnh Arab. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được tiếp tục trong tuần này./.

Theo VOV.VN

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link