Khi nào đạt được miễn dịch cộng đồng SARS-CoV-2 toàn cầu?

Bà Melinda Gates, vợ cũ tỉ phú Bill Gates, dự đoán Thế giới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng (MDCĐ) với SARS-CoV-2 vào năm 2022 nhờ vaccine (VX)?

Các nước phương Tây trên đà MDCĐ

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trung bình 7 ngày trước 7.3, mỗi ngày Mỹ tiêm được 2 triệu mũi VX Pfizer-BioNTech và Moderna (loại liều 2 mũi). Nếu giữ được tiến độ này thì nhờ VX và miễn dịch (MD) tự nhiên ở những người mắc SARS-CoV-2 khỏi bệnh, Mỹ sẽ đạt MDCĐ vào mùa hè hoặc sớm hơn.

Các chuyên gia, trong đó có TS Anthony Fauci, Cố vấn trưởng y tế của Tổng thống Mỹ cho rằng MDCĐ sẽ đạt được khi 70%-85% dân số có kháng thể chống SARS-CoV-2. Nếu chỉ tiêm VX Pfizer-BioNTech và Moderna thì 70% dân số Mỹ sẽ được tiêm đủ 2 mũi vào giữa tháng 9.

Tuy nhiên, Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã cấp phép sử dụng VX Johnson & Johnson (J&J, loại liều 1 mũi) và J&J cam kết cung cấp 100 triệu liều cho Mỹ trong nửa đầu năm nay. Với 2 triệu mũi VX Pfizer-BioNTech và Moderna được tiêm mỗi ngày, cộng với 100 triệu liều VX J&J, 70% người Mỹ sẽ được tiêm đầy đủ vào cuối tháng 7 và 85% vào giữa tháng 9. Thêm vào đó, Mỹ có hơn 1/4 dân số đã mắc SARS-CoV-2 khỏi bệnh có MD tự nhiên, CDC ước tính đạt được MDCĐ không còn xa...

Ngày 12.4, nước Anh vượt qua mốc tiêm ít nhất 1 mũi VX cho người trên 50 tuổi và 9 nhóm có nguy cơ cao, bắt đầu tiêm cho nhóm tuổi 40 - 49. Bộ trưởng y tế Anh, ông Matt Hancock cho biết, hơn 40 triệu người đã được tiêm, trong đó có 7,8 triệu người tiêm đủ 2 mũi.

Anh đã mua 100 triệu liều VX AstraZeneca, nhưng cũng đã trả tiền trước để mua 30 triệu liều VX J&J, ngay từ khi J&J chỉ mới bắt đầu nghiên cứu. Người Anh mua VX kiểu “bỏ trứng vào nhiều giỏ”: “Giỏ” đầu là AstraZeneca và J&J có cùng công nghệ “vector virus” (loại VX không thực sự chứa kháng nguyên, mà chỉ vận chuyển mã di truyền của kháng nguyên); “giỏ” thứ 2 là VX Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA (loại VX đưa phân tử RNA thông tin (mRNA) được tổng hợp (nhân tạo) vào tế bào cơ thể người. Họ bỏ tiền cho 130 triệu liều ở “giỏ” thứ nhất, 17 triệu liều Moderna và 40 triệu liều Pfizer ở “giỏ” thứ hai.

Vì vậy, khi hãng J&J tạm hoãn giao VX cho Châu Âu (trong đó có Anh), ngày 13.4, Chính phủ Anh khẳng định không ảnh hưởng tới mục tiêu đạt được MDCĐ vào tháng 7.2021. Bởi Anh vẫn có 157 triệu liều VX, đủ để tiêm cho toàn bộ dân theo phác đồ 2 mũi.

Là nước giàu, Anh vẫn tiếp tục tìm kiếm và đảm bảo nguồn cung. Khi VX Valneva (VX bất hoạt: virus mất độc lực là kháng nguyên, Công ty Valneva, CH Pháp phát triển) đang thử nghiệm, Anh đã mua 60 triệu liều, thêm 40 triệu liều nữa vào tháng 2.2021 khi Valneva có tín hiệu khả quan. Chính phủ Anh không đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ dân cùng lúc.

Dựa trên khuyến nghị của Ủy ban VX, Bộ Y tế Anh lựa chọn thời gian, chia nhóm tuổi và cho tiêm loại VX phù hợp. Chẳng hạn, người dưới 30 tuổi sẽ không tiêm VX AstraZeneca do lo ngại VX này gây ra cục máu đông nhỏ trong mạch ở một số ít trường hợp.

Hiện Anh đã giảm tiến độ tiêm chủng sau khi đẩy lên đỉnh điểm với hơn 500.000 người được tiêm mỗi ngày vào giữa tháng 3. Việc giảm tiến độ, theo họ là để bảo đảm hàng triệu người đã tiêm mũi đầu sẽ nhận được mũi thứ hai trong thời gian sớm nhất. Chính phủ Anh đặt mục tiêu nối lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 17.5 và dỡ bỏ mọi hạn chế vào ngày 21.6.

Ngoài Anh, có Mỹ cũng dùng sách lược “tiên hạ thủ vi cường” - ra tay trước sẽ chiếm thế mạnh - tiềm ẩn nhiều rủi ro này, nhưng họ đã thành công, trong khi EU dù giàu có nhưng lại khá dùi giắng trong chuyện VX SARS-CoV-2. Cuộc chiến ngăn chặn làn sóng dịch thứ ba ở Châu Âu trở nên phức tạp khi một số nước đình chỉ AstraZeneca để điều tra các ca đông máu sau tiêm.

Hầu hết các nước đã tiêm chủng trở lại khi ngày 18.3, Cơ quan dược phẩm Châu Âu kết luận VX AstraZeneca an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, đình chỉ tiêm đã làm số người không tin tưởng VX này tăng vọt. AstraZeneca mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều đã cam kết với EU trong quý đầu. Ngày 20.3, Chủ tịch ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen dọa áp lệnh cấm xuất khẩu VX AstraZeneca nếu công ty không giao đủ liều đúng hẹn.

Tuy nhiên, ngày 21.3, ông Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU lại nói rằng: “Vào ngày 14.7, người dân khắp châu lục sẽ có MD virus. Giải pháp duy nhất để đánh bại đại dịch là tiêm chủng và 300 - 350 triệu liều VX sẽ được cung cấp trong khoảng tháng 3 - 6. Chúng ta đang trong giai đoạn nước rút”. Thông báo được cho là lạc quan trong khi một số nước EU tái áp dụng các hạn chế do lo ngại làn sóng dịch mới.

Châu Á đi chậm

Châu Á được cho là chống dịch thành công do nhanh chóng, quyết liệt, chủ động áp dụng xét nghiệm rộng rãi, truy tìm người nghi nhiễm virus, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa, hạn chế giao tiếp..., nhưng triển khai VX lại đi sau. Nguyên nhân là: Số người nhiễm, tử vong rất thấp so với phương Tây nên giới chức có tâm lý thận trọng việc tiêm chủng, “nghe ngóng”, kén chọn VX ít hoặc không có tác dụng phụ và phải thỏa mãn quy định nghiêm ngặt của nước họ, dù đã được Thế giới chứng minh an toàn.

Bộ trưởng y tế Hàn Quốc Park Neung - hoo nói rằng, “vội vã tiêm chủng là không cần thiết”. Những nước giàu trên thế giới trữ thừa VX vì dễ dàng đạt được thỏa thuận cung cấp hơn các nước nghèo, kể cả VX theo cơ chế COVAX với “cam kết đảm bảo tiếp cận công bằng, hiệu quả VX chống SARS-CoV-2”!

Mỹ, EU, Anh, Australia, Canada, Nhật Bản trữ trên 3 tỉ liều VX trong khi chỉ cần 2,06 tỉ liều đã đủ tiêm 2 mũi cho toàn dân (khoảng 1,022 tỉ người); riêng Canada đã có lượng VX gấp 5 đến 6 lần số cần tiêm cho dân.

Mỹ, Canada, Anh và Israel bắt đầu tiêm từ tháng 12.2020, còn hầu hết các nước Châu Á - Thái Bình Dương mới khởi động tiêm từ tháng 2.2021; gần 70 nước nghèo sang năm 2021 mới có VX và sẽ chỉ 10% dân được tiêm.

Ở những nước nghèo có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gặp khó lớn cho vận chuyển, bảo quản VX. Theo WHO, mỗi năm, khoảng 50% lượng VX toàn cầu bị hỏng do vận tải, bảo quản không đạt chuẩn. Thêm vào đó là tâm lý hoài nghi, do dự với VX trong dân chúng...

Khi nào đạt được MDCĐ toàn cầu?

GS Dale Fisher, ĐH Y Yong Loo Lin, Singapore cho rằng, thật sai lầm khi coi VX là cuộc đua giữa các quốc gia, thay vì nỗ lực toàn cầu. Tranh giành VX cho riêng mình sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho các nước. Những “người hàng xóm” của chúng ta cũng cần được tiêm phòng để mở cửa du lịch và khôi phục kinh tế. Chúng ta thực sự phải vượt qua đại dịch cùng nhau”.

GS Marc Lipsitch, ĐH Harvard, Mỹ nói: “Nếu chỉ tiêm được 70%, virus vẫn lây nhiễm ở nơi đó”. Từ sự di chuyển giữa các vùng, một đợt bùng phát nhỏ ở nơi tỉ lệ tiêm chủng thấp, có thể dễ dàng lây cho nhiều người đã có MD và sang nơi tỉ lệ tiêm chủng cao. Với SARS-CoV-2 lây qua đường hô hấp, “gót chân Achin” của toàn cầu chính là hội nhập giao diện rộng.

TS Natalie E. Dean, ĐH Florida, Mỹ, nhấn mạnh, bất kỳ biến chủng mới nào trên Thế giới cũng sẽ đến Mỹ. Đồng nhận thức, ngày 18.2, Tổng thống Pháp kêu gọi phương Tây chuyển ngay 5% lượng VX hiện có cho châu Phi khi mà Nga, Trung Quốc đã làm như vậy. Anh sẽ dành hơn 130 triệu liều cho các nước nghèo. Thủ tướng Anh đề nghị G7 tăng cường tài trợ cho COVAX. Mặt khác, càng ngày các biến chủng SARS-CoV-2 càng tăng độc tính và lây lan nhanh hơn, vì vậy tỉ lệ 85% người có MD liệu có đảm bảo ngăn chặn lây nhiễm hay phải cao hơn nữa?

Tháng 8.2020, WHO dự đoán đại dịch sẽ kết thúc sau 2 năm nữa. Tuy nhiên nếu có thì chỉ đúng với các nước giàu sắp đạt được MDCĐ. Với tiến độ tiêm VX hiện nay, hãng Bloomberg dự đoán Thế giới mất 7 năm để chấm dứt đại dịch.

TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam từng khẳng định: “Đại dịch còn lâu mới chấm dứt”, và khuyến cáo phải cảnh giác bằng khẩu trang, rửa tay xà phòng, giãn cách xã hội cho tới khi chấm dứt đại dịch. Tương đồng, các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng, con đường đến MDCĐ vẫn còn dài, nên khẩu trang và các biện pháp hạn chế khác vẫn rất quan trọng.

Cuối cùng, MD do VX chỉ duy trì tối thiểu 3 tháng, MD do nhiễm SARS-CoV-2 chỉ duy trì 8 tháng, nên muốn không để dịch quay trở lại chỉ có cách duy nhất là tiêm nhắc lại hằng năm.

BS BÌNH NGUYÊN
Theo LĐO
Nguồn:vpdf.org.vn Copy link