Khía cạnh khác của ngoại giao đại dương

 Lịch sử và ý nghĩa ngày nay của các nguyên tắc, hoạt động ngoại giao đại dương vẫn còn thiếu sót và bị coi nhẹ.

Khía cạnh khác của 'ngoại giao đại dương'
Mặc dù quá trình phương Tây hoá đã cho ra đời các tầng lớp cộng đồng chính trị và thực tiễn ngoại giao mới, nhưng ngoại giao trong lịch sử Thái Bình Dương không bị loại bỏ hay gạt sang một bên. (Nguồn: Policy Forum)

Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Australia (ANU) nhận định rằng, khi nghĩ tới ngoại giao ở Thái Bình Dương, các chuyên gia và học giả thường nghĩ đến hoạt động giữa các quốc đảo khu vực hậu độc lập, hoặc của các cường quốc lớn có lợi ích tại đây.

Cả hai cách tiếp cận này đều theo lối tư duy của ngoại giao phương Tây, tập trung vào sự can dự của các quốc gia tân tiến.

Tuy nhiên, một khía cạnh khác không kém phần quan trọng của ngoại giao đại dương, chính là các nguyên tắc và thực tiễn hoạt động ngoại giao đặc trưng của lịch sử lâu đời và nền văn hoá đa dạng ở các đảo Thái Bình Dương.

Trong quá khứ, ngoại giao đại dương phục vụ kết nối quan hệ giữa các bộ lạc và thị tộc ở các quốc gia Thái Bình Dương sau khi thoát khỏi ách đô hộ của thực dân.

Ngày nay, các quốc đảo Thái Bình Dương đã kết hợp các nguyên tắc, thông lệ và nghi thức ngoại giao đại dương trong lịch sử đó với phong cách đối ngoại phương Tây, nhằm phục vụ các hoạt động ngoại giao khu vực và toàn cầu.

Khi các nhà nghiên cứu chỉ chú tâm vào sự can dự của các quốc gia, quan hệ ngoại giao giữa các cộng đồng chính trị như bộ lạc và thị tộc bị lãng quên.

Hệ thống ngoại giao này đã bị "lu mờ" khi các nghiên cứu ngoại giao lấy nhà nước làm trung tâm.

Quá trình "ngoại giao đại dương" thích nghi với thời kỳ hậu thuộc địa, cả ở trong và ngoài nước đã bị bỏ qua.

Điểm mấu chốt là mặc dù quá trình phương Tây hoá đã cho ra đời các tầng lớp cộng đồng chính trị và thực tiễn ngoại giao mới, nhưng ngoại giao trong lịch sử Thái Bình Dương không bị loại bỏ hay gạt sang một bên.

Do đó, cần phải đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của "ngoại giao đại dương" truyền thống đối với thế giới hiện đại ngày nay, trong phạm vi quốc gia, khu vực Thái Bình Dương, và trong chính sách ngoại giao Thái Bình Dương toàn cầu.

Theo ông Marshall Beier, Tiến sĩ khoa học chính trị tại Đại học York, Canada, một trong những học giả hàng đầu về "bước ngoặt hậu thuộc địa" trong nghiên cứu ngoại giao, "điều mà mọi người có thể quen gọi là ‘ngoại giao’ thực sự là phần rất hẹp về khả năng của con người trong sự tương tác giữa cộng đồng chính trị”.

Đối với những khả năng khác, không nên nhìn nhận qua lăng kính ngoại giao phương Tây, mà nên sử dụng phương thức thực hiện ngoại giao khác mang logic và giá trị riêng.

Trong khi phương Tây cho rằng ngoại giao là quản lý các mối quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền, thì các nhà ngoại giao bản địa và các hệ thống ngoại giao khác có các cộng đồng chính trị gắn kết thông qua quan hệ họ hàng, hoặc qua chia sẻ về vũ trụ học.

Thời nay, đã có nhiều kết quả tích cực của ngoại giao đại dương trong việc xây dựng hòa bình khu vực.

Ví dụ như chính sách ngoại giao của người Maori và Melanesia tại cuộc đàm phán hòa bình Bougainville ở Burnham, Anh; hoặc cuộc hòa giải thành công ở New Caledonia, Pháp giữa bộ tộc của Jean-Marie Tjibaou và gia tộc Ouvea và Mare.

Một ví dụ khác về ngoại giao bản địa là năm nay, chính phủ Aotearoa - tên gọi New Zealand của người Maori, đã sử dụng ifoga - một nghi thức tạ tội của người Samoa để xin cộng đồng người dân trong nước sống ở các đảo Thái Bình Dương tha thứ cho những bất công lịch sử.

Nghi thức tạ tội ifoga của người Samoa mà Chính phủ New Zealand dùng để hoà giải với người dân sống trên đảo của Thái Bình Dương ngày 08/1/2021. (Nguồn: AP)
Nghi thức tạ tội ifoga của người Samoa mà chính phủ New Zealand dùng để hoà giải với người dân sống trên đảo của Thái Bình Dương, ngày 8/1/2021. (Nguồn: AP)

Ngày nay, ngoại giao đại dương cũng đóng vai trò chủ chốt trong quan hệ khu vực đảo Thái Bình Dương, điển hình là quần đảo Solomon làm trung gian hoà giải giữa Vanuatu và Fiji trong Nhóm mũi nhọn Melanesian năm 2010.

Việc công nhận ngoại giao đại dương giúp mở rộng hiểu biết về ngoại giao Thái Bình Dương. Đó không chỉ là quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền, mà còn bao gồm quan hệ giữa các cộng đồng chính trị và văn hóa các nước nhỏ.

Theo cách tiếp cận này, ngoại giao đại dương là một nền văn hóa của sự gắn kết, là tập hợp các quy tắc và chuẩn mực văn hóa định hình sự tương tác giữa các cộng đồng chính trị.

Như vậy, khi tìm hiểu các hình thức ngoại giao đại dương, thay vì tìm kiếm những hình thức tương đương hoặc sơ khai của ngoại giao phương Tây, như đại sứ, hiệp ước, hoặc quyền miễn trừ ngoại giao; hãy xem xét cách thức quản lý quan hệ giữa các cộng đồng chính trị.

Bởi những thực tiễn ngoại giao đó vẫn phù hợp và quan trọng, thậm chí là trọng tâm, đối với cách quản lý các mối quan hệ trong thời kỳ hậu thuộc địa, cả ở trong nước và giữa các quốc gia.

Theo Hà Anh/Baoquocte.vn.


Bài viết dựa trên bản tóm tắt nghiên cứu “IB 2021/23 Oceanic Diplomacy: An Introduction” của Ban các vấn đề Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Australia.