Khủng hoảng khí đốt: Đổ lỗi cho Moscow để giấu sai lầm

Châu Âu đang đòi hỏi Nga có nghĩa vụ phải giúp đỡ họ bằng mọi cách, ngay cả Mỹ và Anh cũng muốn can thiệp.

Nhà báo Anh Mary Dejevsky trong bình luận với ấn bản trực tuyến Spiked đã đề cập đến các bình luận gần đây từ châu Âu rằng Nga là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng khí đốt trên thị trường châu Âu.

 

Điện Kremlin khẳng định, Gazprom hoàn thành các nghĩa vụ trên thị trường Châu Âu, sẵn sàng cho các hợp đồng mới. Ảnh: EPA-EFEĐiện Kremlin khẳng định, Gazprom hoàn thành các nghĩa vụ trên thị trường Châu Âu, sẵn sàng cho các hợp đồng mới. Ảnh: EPA-EFE

Nhà báo Anh cho rằng, vì một lý do nào đó, châu Âu cho rằng Nga có nghĩa vụ phải giúp đỡ họ bằng các cách khác nhau, như hạ giá năng lượng chẳng hạn.  Theo bà đây là một kiểu đổ lỗi của châu Âu nhằm vào Nga để che lấp những sai lầm của mình.

Một số quốc gia, kể cả Mỹ và Anh, đang cố gắng hòa giải bất bình cũng chỉ có một mục tiêu duy nhất, bằng mọi cách phải ngăn chặn Nord Stream 2, đồng thời yêu cầu cung cấp thêm khí đốt. Theo họ, Moscow đang cố gắng hưởng lợi từ tình hình.

Với cách lập luận của châu Âu, Nga đã trở thành "vật tế thần". Cách làm này dễ hơn là thừa nhận những sai lầm của họ trong chính sách năng lượng: cụ thể là ý tưởng thất bại khi mua khí đốt trên thị trường giao ngay thay vì ký hợp đồng dài hạn.

Hơn nữa, điều kiện thời tiết cũng bị ảnh hưởng - mùa đông lạnh và mùa hè lặng gió.

Nhà báo Anh Mary Dejevsky viết: “Như thường thấy, phương Tây vội vàng đổ lỗi cho Moscow về những vấn đề mà chính châu Âu đã một phần tự tạo ra cho mình. Cũng có một ý kiến không che giấu rằng, bằng cách nào đó Nga nên công nhận nghĩa vụ giúp đỡ châu Âu, thông qua việc cung cấp nhiều khí đốt hơn, hoặc hạ giá, nhưng tốt nhất là thực hiện cả hai việc này".

Nhà báo này cho rằng, kiểu trông đợi những "hành động từ thiện" như vậy chỉ được châu Âu kỳ vọng ở Nga chứ không phải những nhà cung ứng khí đốt khác cho châu lục này, ví như Saudi Arabia hay là các nước vùng Vịnh Ba Tư.

Bà đề nghị làm theo lời khuyên của Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov, ông đã kêu gọi EU đối xử với Moscow không phải là đối thủ mà là đối tác.

"Và sau đó điều kỳ diệu có thể xảy ra: họ sẽ thấy rằng giá đã bắt đầu giảm" - nhà báo kết luận.

Những gì nhà báo Anh Mary Dejevsky nhận định được cho là hiếm thấy so với những gì truyền thông Anh và truyền thông phương Tây nói chung đang thể hiện.

Nhìn chung, các phương tiện truyền thông đều nhất quán quan điểm cho rằng chính Nga là nguyên nhân lớn gây nên cuộc khủng hoảng khí đốt tại châu Âu khi giảm lượng khí đốt bổ sung qua Ukraine hay Ba Lan.

Thực tế, giới chức Nga và Gazprom đều cho thấy họ đã tăng cường bơm khí đốt trên 10% mức tối thiểu theo hợp đồng qua các quốc gia lãnh thổ như Ukraine hay Ba Lan và nhấn mạnh việc mua thêm khí đốt phải tuân thủ theo hợp đồng với các nhà buôn châu Âu ở Đức, Ý, hay Tây Ban Nha...

Tuy nhiên, giới chức châu Âu đã đòi hỏi nhiều hơn. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng RBC của Nga, Đại sứ  Liên minh châu Âu (EU) tại Nga Markus Ederer nói rằng, giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của Nga như một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Trong tình thế này, cách phản ứng của Gazprom rất quan trọng, nhằm thể hiện mình là nhà cung cấp nguồn năng lượng quan trọng nhất ở EU. Theo ông, để chứng minh là một nhà cung cấp đáng tin cậy, Gazprom cần tăng thêm nguồn cung.

Việc đổ lỗi cho các nhà buôn, theo ông là chỉ thể hiện việc Gazprom đang không thể hoặc không muốn đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng của EU. Điều đó càng phục vụ cho các giả thiết rằng Gazprom đang cố tình gây sức ép khiến Nord Stream-2 được cấp phép.

Cách lập luận rất khôn ngoan của Đại sứ EU tại Nga không qua mắt được Gazprom. Gã khổng lồ khí đốt của Nga nói họ sẵn sàng bán khí đốt trên thị trường giao ngay thay vì chỉ bán qua hợp đồng dài hạn như trước.

Điều này và tuyên bố của ông Putin khẳng định sẽ tăng cường bơm khí cho EU khiến giá khí đốt ở châu Âu đã tiếp tục giảm mạnh. Trong khi đó, Gazprom lại rất được lợi từ kiểu buôn bán thị trường này.

Theo Hải Lâm/Đất Việt