Nga "xé" thỏa thuận lịch sử với Đức
Hãng tin RT (Nga) ngày 20/7 đưa tin, Nga vừa chính thức chấm dứt thỏa thuận lịch sử hợp tác kỹ thuật-quân sự với Đức, một văn kiện từng định hướng quan hệ quốc phòng song phương suốt gần 3 thập kỷ qua.
Động thái diễn ra trong bối cảnh Berlin nổi lên là một trong những nhà tài trợ và cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ukraine giữa cuộc xung đột với Nga.
Theo nghị quyết được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ký hôm 19/7, Bộ Ngoại giao Nga sẽ thông báo với Berlin về việc hiệp ước ký năm 1996 không còn hiệu lực.
Moscow cho rằng thỏa thuận đã "mất đi ý nghĩa" do chính sách ngày càng "thù địch công khai" và tham vọng quân sự "mạnh mẽ hơn" của Đức, đồng thời cáo buộc Berlin đang tuyên truyền để biến Nga thành "kẻ thù số một" trong mắt người dân.
Kremlin vừa quyết định chấm dứt thỏa thuận lịch sử với Đức sau "chính sách thù địch công khai" của Berlin. Ảnh: EuroNews
Những lo ngại của Moscow về lập trường của Đức gia tăng trong tuần này, sau phát biểu gây tranh cãi của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ông Pistorius tuyên bố quân đội Đức sẵn sàng "hạ sát binh sĩ Nga nếu biện pháp răn đe thất bại và Nga phát động tấn công".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lập tức lên tiếng cảnh báo Berlin đang "trở nên nguy hiểm trở lại".
Nga nhiều lần phủ nhận các cáo buộc cho rằng nước này có kế hoạch tấn công NATO, gọi đây là "suy diễn phi lý". Tổng thống Vladimir Putin khẳng định các chính phủ phương Tây đang đánh lừa dư luận trong nước nhằm hợp lý hóa việc gia tăng ngân sách quốc phòng, đồng thời che đậy những thất bại kinh tế.
Trong khi đó, chính phủ Đức mới đây công bố kế hoạch nâng tổng ngân sách quốc phòng lên 153 tỷ euro vào năm 2029, tăng mạnh so với mức 86 tỷ euro của năm nay.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi tổ chức một cuộc tranh luận toàn quốc về việc khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Thủ tướng Friedrich Merz thì phát biểu trước Quốc hội hôm 16/7 rằng "các biện pháp ngoại giao đã cạn kiệt."
Kể từ khi xung đột Ukraine leo thang vào tháng 2/2022, Đức trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ. Đáng chú ý, năm ngoái, Ukraine đã sử dụng xe tăng Leopard do Đức viện trợ trong cuộc đột kích vào vùng Kursk của Nga — nơi từng diễn ra trận chiến xe tăng lớn nhất lịch sử trong Thế chiến II.
Cuối tháng 5, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố "sự can dự trực tiếp của Berlin vào cuộc chiến đã trở nên rõ ràng", đồng thời cảnh báo Đức đang "trượt trên con dốc trơn trượt mà họ từng đi vài lần trong thế kỷ trước".
Moscow liên tục chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này không thay đổi cục diện xung đột mà chỉ kéo dài thương vong và làm gia tăng nguy cơ leo thang đối đầu.
Tướng Đức đề cập tới kế hoạch tấn công vào sân bay và các hệ thống cơ sở hạ tầng của Nga giữa bối cảnh căng thẳng hai phía tăng vọt. Ảnh: FT
Tướng Đức đề xuất phương án tấn công Nga
Đáng lưu ý, theo tờ Mail (Nga), chỉ ít lâu sau quyết định của Moscow, Tướng Đức Christian Freuding đã có động thái "đổ thêm dầu vào lửa" khi đề xuất tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào sân bay và cơ sở hạ tầng của Nga.
Thông qua video phát trực tiếp tại kênh của Bundeswehr (Lực lượng Vũ trang Đức) trên YouTube, Tướng Freuding nói: "Có thể gián tiếp tác động để lực lượng vũ trang Nga không thể phát huy tiềm lực tấn công. Cách đầu tiên, dĩ nhiên là tự tiến hành các chiến dịch tấn công bằng vũ khí tầm xa, về cơ bản là các phương tiện chiến tranh đường không".
Vị tướng này cũng đặt các nhà máy quốc phòng Nga thành mục tiêu tấn công. Theo ông, Moscow đã đạt được những thành tựu đáng kể trong sản xuất tên lửa nên cần "tìm mọi cách" để cản trở sự phát triển của tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nga.
"Tại đây, chúng ta cần cân nhắc thêm xem liệu các biện pháp kinh tế hiện có đã đủ chưa, và đâu là những đòn bẩy có thể giúp cắt giảm năng lực sản xuất của Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực này" – Tướng Freuding nhấn mạnh, đồng thời cho rằng với những phương thức trên, Đức có thể giúp Kiev đối phó hiệu quả hơn trước lợi thế ngày càng áp đảo của Moscow trên không trong xung đột Ukraine.
Theo tờ MK (Nga), một loạt động thái gần đây cho thấy rõ dấu hiệu rằng, căng thẳng Nga–Đức sẽ sớm "không chỉ dừng lại ở ngôn từ hay chấm dứt hợp tác". Ngày 16/7, chính quyền Đức cùng các đồng minh châu Âu mở chiến dịch truy quét nhóm hacker NoName057(16) bị cáo buộc liên quan Nga, thực hiện các cuộc tấn công mạng vào hạ tầng năng lượng và quốc phòng.
Ngoài ra, Berlin đang tăng cường giám sát các tàu chở dầu thuộc "Hạm đội bóng tối" của Nga qua biển Baltic nhằm siết chặt lệnh trừng phạt dầu mỏ, bất chấp cảnh báo từ Moscow.
Trên mặt trận quân sự, quân đội Đức liên tục khẳng định Nga hiện là "mối đe dọa sống còn" với Đức và châu Âu, cảnh báo nguy cơ đối đầu trực tiếp với NATO trong thập kỷ tới.
Berlin cũng đang phối hợp với Mỹ để chuẩn bị triển khai tên lửa tầm xa tới châu Âu từ năm 2026, đồng thời xem xét mở rộng hỗ trợ hệ thống phòng không và tên lửa Patriot cho Ukraine.
Về chính trị, Thủ tướng Friedrich Merz gần đây đã ký hiệp ước quân sự "E3" với Pháp và Anh, thể hiện nỗ lực củng cố vai trò an ninh châu Âu của Đức, đồng thời thúc đẩy kế hoạch tăng quân số triển khai tại Đông Âu, đặc biệt là Lithuania.
Có thể nói, các động thái này càng làm dày thêm bức tranh đối đầu giữa Berlin và Moscow, đẩy quan hệ song phương tới mức căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Việc Nga đơn phương hủy bỏ thỏa thuận lịch sử với Đức không chỉ mang tính biểu tượng mà còn phản ánh sự đổ vỡ niềm tin chiến lược giữa hai cường quốc châu Âu.
Với những tín hiệu cứng rắn từ cả hai phía, căng thẳng Nga–Đức dự báo sẽ còn tiếp tục leo thang, đan xen giữa xung đột quân sự, kinh tế và an ninh mạng. Nguy cơ mất kiểm soát, dù chưa cận kề, đã trở thành mối lo thực sự tại châu Âu.