Lãnh đạo thế giới kêu gọi bảo đảm tiến bộ bình đẳng giới

Nhân dịp kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), các nhà lãnh đạo trên thế giới nhấn mạnh, các nước phải hành động để bảo đảm những thành tựu bình đẳng giới không bị đảo ngược bởi đại dịch Covid-19.

Trong thông điệp được đăng tải trên website chính thức của Liên hợp quốc (LHQ), Tổng thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres đã khẳng định sự lây lan của virus SARS-CoV-2 làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống. “Dịch bệnh đã tác động nặng nề tới những kết quả tích cực về bình đẳng giới mà thế giới đã đạt được trong nhiều năm qua”, ông Guterres nhấn mạnh.

Lãnh đạo thế giới kêu gọi bảo đảm tiến bộ bình đẳng giới
 Thủ tướng Đức Angela Merkel.Ảnh: AP.

Theo TTK LHQ, phụ nữ chiếm đa số trong đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc sức khỏe cá nhân. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bùng phát, những người này lại đứng trên tuyến đầu chống dịch bệnh và đối mặt với sự gia tăng chưa từng có về khối lượng công việc cùng rủi ro về sức khỏe. Bên cạnh đó, dù phải đảm nhiệm chăm sóc gia đình và làm việc nhà nhiều hơn do các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch bệnh, phụ nữ vẫn trở thành nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình, tình trạng bóc lột sức lao động và phải làm những công việc được trả lương thấp.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới đã đưa ra một số ưu tiên mà các nước cần thực hiện khẩn trương và nghiêm túc để xóa bỏ sự bất bình đẳng giới, trong đó bao gồm sự đại diện bình đẳng trong đời sống kinh tế-xã hội, loại bỏ các rào cản để phụ nữ tham gia đầy đủ vào nền kinh tế, xóa bỏ các luật phân biệt đối xử, xây dựng và thực hiện kế hoạch giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao nhận thức của cộng đồng... “Đã đến lúc xây dựng một tương lai bình đẳng cho mọi người”, TTK LHQ kết luận.

Cùng chung nhận định trên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo nguy cơ đảo ngược những tiến bộ đạt được về bình đẳng giới, đồng thời cho rằng, các nước cần hỗ trợ nữ giới nhiều hơn nữa để đại dịch Covid-19 không khiến thế giới rơi trở lại những khuôn mẫu giới tính cũ. “Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã tác động tới phụ nữ một cách bất công, trong khi họ không được ở những vị trí có quyền ra quyết định”, DW dẫn lời bà Merkel trong một thông điệp đưa ra trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay.

Trong thời kỳ Covid-19, phụ nữ là người phải bảo đảm cân bằng giữa công việc và gia đình, đồng thời cũng là nhân lực chính trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế, nhà dưỡng lão. Bà Merkel cho rằng, những công việc này khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có.

Thủ tướng Đức đồng thời hoan nghênh đạo luật gần đây yêu cầu các công ty Đức có niêm yết trên sàn chứng khoán phải gia tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo trong ban điều hành của mình. Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh, cần phải hỗ trợ nữ giới nhiều hơn nữa, kể cả thông qua tăng số cơ sở chăm sóc trẻ em và trả lương bình đẳng. Hiện nay, Đức là một trong những nước có khoảng cách lớn nhất về chi trả lương theo giới trong Liên minh châu Âu (EU), DW nhấn mạnh.

Báo cáo thường niên mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) cũng chỉ ra rằng, phụ nữ là đối tượng bị tổn thương sâu sắc trong thị trường lao động vốn chịu tác động của dịch bệnh. EC thống kê, tỷ lệ người lao động có thể quay trở lại làm việc trong giai đoạn phục hồi một phần vào mùa hè năm 2020 ở các quốc gia thành viên EU là 1,4% với nam giới nhưng chỉ 0,8% với nữ giới. Báo cáo nhận định, có thể phải mất nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ để vượt qua những bước thụt lùi trong bình đẳng giới do đại dịch Covid-19 gây ra.

Chính vì vậy, Phó chủ tịch EC Vera Jourova và Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề quyền bình đẳng Helena Dalli nhấn mạnh, EU cần đặt phụ nữ vào trọng tâm của quá trình phục hồi hậu Covid-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên phải đưa vấn đề bình đẳng giới vào các khoản đầu tư được tài trợ từ một kế hoạch phục hồi nền kinh tế chung của khối.

Bên cạnh nguy cơ thành tựu bình đẳng giới bị đảo ngược do đại dịch, thế giới cũng có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong vấn đề này, nhất là nỗ lực gia tăng quyền cho phụ nữ. Theo báo cáo mà Liên minh nghị viện thế giới (IPU) công bố, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội trên toàn thế giới đã đạt hơn 25% vào năm 2020, mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, IPU thừa nhận con số trên vẫn còn xa mục tiêu đặt ra về bình đẳng giới. “Các nước cần đặt ra hạn mức để tăng số lượng phụ nữ trong quốc hội”, TTK IPU Martin Chungong khuyến nghị.

HÀ LAN

Theo QĐND

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link