Mỹ và châu Âu có thể hóa giải vũ khí năng lượng của Tổng thống Nga?

Chỉ bằng cách tích hợp châu Âu vào một mạng lưới an ninh năng lượng tốt hơn, NATO mới có thể thực sự bảo vệ được các thành viên của mình.

Mỹ và châu Âu có thể hóa giải vũ khí năng lượng của Tổng thống Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên lên đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở thành phố Vladivostok, vùng Viễn Đông của Nga, tháng 9/2011. (Nguồn: AFP)

Vũ khí lợi hại vẫn trong tay ông Putin

Tổng GDP của Nga thấp hơn một chút so với Canada, nhiều hơn một chút so với Mexico. Nền kinh tế Nga bị cho sẽ dễ dàng bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, do phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa để duy trì các hoạt động của một nền kinh tế hiện đại.

Giới tinh hoa Nga được cho là vẫn giấu những khoản tiền khổng lồ ở nước ngoài, vì thế rất dễ bị tác động bởi các quy định và điều chỉnh từ các nước khác.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã luôn khôngv quan tâm những lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt mới, nếu ông tấn công Ukraine. Ông ấy đang tự lừa dối bản thân?

Nhưng nếu đúng vậy, ông ấy đã đưa sai lầm của mình đi quá xa khi quyết định đưa hơn 100.000 quân Nga ở vị trí sẵn sàng chiến đấu cho đến giữa mùa Đông này.

Có thể Tổng thống Putin đã khá chắc chắn việc các nền dân chủ phương Tây đe dọa ban hành thêm “các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt chưa từng thấy” chỉ giống như trò “rung cây dọa khỉ”? Ông ấy có một số cơ sở khá chắc chắn để nghi ngờ quyết tâm đó của châu Âu.

Tây Âu đang phải đối mặt với giá năng lượng tăng mạnh trong mùa Đông này. Trong suốt mùa Thu và đầu mùa Đông, các hợp đồng bán buôn điện được giao dịch với giá hơn 300 Euro/Mwh hầu như ở khắp mọi nơi trên lục địa già. Ở Pháp và Thụy Sỹ, giá điện đã lên tới gần 400 Euro. Trong cùng khoảng thời gian này, các hợp đồng tại Mỹ được giao dịch trong phạm vi 20 - 35 USD, hiếm khi vượt quá 100 USD.

Việc giá năng lượng tăng vọt xuất phát từ sự thiếu hụt đáng lo ngại về khí đốt tự nhiên. Người châu Âu đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo. Nhưng khí đốt vẫn là một loại nhiên liệu quan trọng lấp đầy khoảng trống thiếu hụt, nó không chỉ để sản xuất điện mà còn để sưởi ấm nhà cửa và phục vụ các nhu cầu cơ bản của con người.

Các thị trường năng lượng châu Âu dường như đã thấy trước tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên trầm trọng. Người “kinh nghiệm có thừa” như ông Putin chắc chắn hiểu rõ tình cảnh hiện tại của châu Âu, để ra các quyết định quyết đoán hơn trong mùa Đông này.

Trên thực tế, Nga là nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu. Nhưng khu vực này cũng nhận được nguồn cung từ nhiều nơi khác, từ các mỏ của Hà Lan và Na Uy ở Biển Bắc; từ Algeria qua các đường ống xuyên Địa Trung Hải; bằng tàu chở dầu từ Qatar và Nigeria. Nhưng không may, những nguồn khác đó đều đã bị gián đoạn trong thời gian này bởi một loạt rắc rối, đáng chú ý là tranh chấp giữa Algeria và Morocco khiến một trong những đường ống xuyên Địa Trung Hải bị đóng cửa.

Kết quả là, nếu bình thường, châu Âu sẽ bước vào mùa Đông với kho dự trữ khoảng 100 tỷ m3 khí đốt. Nhưng đến tháng 12 vừa qua, lượng khí dự trữ thấp hơn bình thường tới 13%. Hàng tồn kho mỏng đã tạo nên sự đầu cơ đáng sợ và khí đốt đang được rao bán trên các thị trường hàng hóa châu Âu với giá gấp 10 lần tại Mỹ.

Mức giá cao này đã mang đến cơ hội “nghìn năm có một” cho những tay đầu cơ lên giá. Tuy nhiên, Nga đã từ chối cơ hội đó. Trong suốt tháng 8, khi một số công ty ở châu Âu nhập khẩu khí thặng dư để tích trữ cho mùa Đông, việc giao hàng qua đường ống chính của Nga đến Đức chỉ chảy bằng một phần tư bình thường. Nga cũng đã bỏ qua hoàn toàn tuyến đường ống lớn và phức tạp vượt qua Ukraine để đến nhiều vùng phía Nam của châu Âu.

Người Nga có lý do giải thích cho sự chậm chạp của một số dự án và những vấn đề đáng tiếc đã xảy ra đối với các cơ sở sản xuất khí đốt. Tất nhiên, những lời giải thích bao giờ cũng có đủ lý lẽ và cũng có cả sự thật.

Thị trường khí đốt thường có tính chu kỳ. Việc duy trì sản xuất khí đốt đòi hỏi những khoản đầu tư lớn và liên tục. Tuy nhiên, khi giá khí đốt giảm xuống mức thấp như vào giữa những năm 2010, đầu tư sẽ tự sụt giảm. Khi nhu cầu tăng lên, nguồn cung không thể ngay lập tức theo kịp tình hình, điều này khiến giá cả tăng đột biến, dẫn đến việc đầu tư mới, mở rộng nguồn cung, thúc đẩy chu kỳ mới quay trở lại.

Nga coi sản lượng khí đốt là bí mật nhà nước, nên rất khó để biết chính xác việc chậm giao hàng là do ý muốn chủ quan hay khách quan.

Nhưng dù là chủ quan hay khách quan, sự thiếu hụt khí đốt của châu Âu đã đưa một vũ khí lợi hại vào tay Tổng thống Putin.

Khí đốt từ đâu, nếu không phải là Nga?

Trước mắt, sự thiếu hụt này nhắc nhở các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, họ đang cần khí đốt như thế nào để phải chấp nhận dự án vốn vẫn gây tranh cãi và cho phép đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 từ Nga đến Đức được chảy. Còn xa hơn, sự thiếu hụt đã đảo ngược đòn bẩy kinh tế mà phương Tây thường nắm giữ đối với Nga.

Nếu thời tiết châu Âu chuyển lạnh vào tháng Giêng và tháng Hai - nếu giá tăng mạnh; nếu tình trạng thiếu hụt khí đốt khiến các doanh nghiệp ở châu Âu phải đóng cửa - Tổng thống Nga Putin chiếm lợi thế trước Tổng thống Mỹ Joe Biden và NATO, cho dù ông ấy có hành động gì với Ukraine.

Khẩn cấp sửa lỗi, mong lấp đầy các thiếu hụt, khoảng hai chục tàu chở khí đốt tự nhiên lỏng của Mỹ đã được nhập về châu Âu. Mỗi tàu chở dầu đủ cung cấp cho 75.000 hộ gia đình trong một năm. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh sẽ cần những kế hoạch dài hạn hơn.

Châu Âu đã tự khiến mình dễ bị tổn thương một cách không cần thiết trước sức ép của Nga thông qua những bước đi chưa chính xác trong kế hoạch phát triển năng lượng, như đóng cửa các cơ sở hạt nhân vốn đang hoạt động hoàn hảo của Đức. Năm 2021, điện hạt nhân đã đáp ứng hơn 10% nhu cầu điện của Đức. Việc thay thế nguồn năng lượng đó sẽ tốn rất nhiều khí tự nhiên thải ra carbon, trừ khi Đức quay trở lại với than đá - nhưng tác nhân này còn tồi tệ hơn với khí hậu.

Trong khi đó, khủng hoảng năng lượng và vấn đề phát triển năng lượng xanh, sạch đang đặt ra nhiều tranh cãi, khi năng lượng tái tạo rất khó mở rộng quy mô và thậm chí nếu ở quy mô lớn, chúng vẫn phải đối mặt với những giới hạn vật lý cố hữu, chúng ta không thể can thiệp được như thời điểm gió thổi, mặt trời chiếu sáng, hay một bộ lưu trữ khổng lồ… Bởi vậy, gió và mặt trời không phải là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho các nguồn điện như than, hạt nhân, thủy điện và khí đốt tự nhiên. Năng lượng tái tạo chỉ có thể hoạt động cùng với các nguồn có thể kiểm soát tốt hơn để cung cấp năng lượng ổn định và có thể dự đoán được khi cần thiết.

Năng lượng tái tạo hứa hẹn về sự độc lập năng lượng của châu Âu. Nhưng đó vẫn là một tương lai xa vời và nếu không có nguồn cung cấp năng lượng hạt nhân từ Đức, con đường sẽ còn rất dài và khó khăn hơn. Hiện khí đốt đang giúp châu Âu lấp đầy khoảng thiếu hụt đó. Nhưng khí đốt từ đâu, nếu không phải là Nga?

Trong thập kỷ qua, Mỹ đã nổi lên như một siêu cường về năng lượng, hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới với sản lượng gần gấp đôi so với người về nhì là Saudi Arabia. Mỹ cũng là nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới, cung cấp nhiều hơn 50% so với vị trí thứ hai là Nga. Mỹ bắt đầu xuất khẩu khí tự nhiên lỏng vào năm 2016.

Dự kiến, vào năm nay, Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Mỹ được cho là có đủ năng lực để bù đắp cho các đồng minh của mình, ít nhất là khi thế giới chờ đợi sự xuất hiện của các nguồn năng lượng không carbon; đồng thời hạn chế đáng kể khả năng sử dụng năng lượng để đe dọa của Nga.

Nhưng bài toán đặt ra là cách tích hợp châu Âu vào một mạng lưới an ninh năng lượng tốt hơn như thế nào? Giới phân tích cho rằng, chỉ khi nào làm được điều đó, NATO mới có thể thực sự bảo vệ các thành viên của mình khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Sự tích hợp đó sẽ đòi hỏi nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Bắc Mỹ dồi dào hơn, ít nhất là cho đến khi có giải pháp thay thế tốt hơn và chi phí có thể chấp nhận được.

Theo Baoquocte.vn