Người Mỹ gốc Á ở New York 'sống trong sợ hãi'

Số vụ người Mỹ gốc Á bị tấn công ở thành phố New York trong năm 2020 tăng mạnh so với một năm trước. Dù bị hành hung, một số nạn nhân không dám trình báo với cảnh sát.

New York Times dẫn lại báo cáo từ Sở Cảnh sát New York cho biết số vụ án liên quan đến “tội ác vì thù hận” (hate crimes) nhằm vào người Mỹ gốc Á tăng đột biến trong năm qua. Trong năm 2019, báo cáo chính thức của cảnh sát chỉ ghi nhận 3 vụ. Con số này tăng vọt đến 28 vụ trong năm 2020.

Con số thực tế có thể cao hơn, do nhiều nạn nhân không dám ra trình báo cảnh sát, theo New York Times.

Trên bình diện toàn quốc, Tổ chức Stop AAPI Hate (tạm dịch: Ngừng tấn công người gốc Á) nói họ nhận được khoảng 3.000 trình báo bị tấn công kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020. Trong số này, 260 vụ được khai báo là diễn ra tại New York, nơi người gốc Á chiếm khoảng 16% dân số thành phố.

tan cong nguoi My goc A anh 1

Người Mỹ gốc Á đang là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở Mỹ. Ảnh: AFP.

Phập phồng lo sợ

Những vụ tấn công gia tăng khiến người Mỹ gốc Á tại thành phố New York không khỏi lo lắng, bất an, theo New York Times.

Các nhà hoạt động và quan chức cho hay nhiều vụ bạo lực diễn ra sau khi cựu Tổng thống Donald Trump sử dụng ngôn từ phân biệt chủng tộc để gọi tên virus corona theo cách của ông.

Ông Jo-Ann Yoo, giám đốc điều hành mạng lưới cộng đồng phi lợi nhuận Asian American Federation, nói: “Những kẻ tấn công không cần biết đối phương là ai, ra tay nhanh chóng, dữ dội. Tình trạng này dẫn đến nỗi sợ hãi và sự cảnh giác quá mức trong cộng đồng gốc Á, khiến nhiều người không dám rời khỏi nhà".

Tuy nhiên, nhiều vụ án lại được nhà chức trách cho là không hoàn toàn xuất phát từ phân biệt chủng tộc. Cảnh sát yêu cầu phải có thêm bằng chứng để nhận định động cơ, bao gồm lời nói kỳ thị hoặc tiền sử gây án của nghi phạm.

Điều này khiến nhiều người Mỹ gốc Á cảm thấy vấn đề của họ không được cảnh sát và công tố viên xem xét nghiêm túc.

Bà Kellina Craig-Henderson tại Quỹ Khoa học Quốc gia cho biết những vụ tấn công sẽ gây ra tác động tâm lý lâu dài với nạn nhân. “Nếu bạn thuộc nhóm người thiểu số và điều này xảy ra với bạn, bạn sẽ sợ hãi và đặt câu hỏi về vị trí của mình trên thế giới”.

Tấn công tràn lan, không chủ đích

Vào tháng 4/2020, một phụ nữ 39 tuổi ở Brooklyn bị phun hoá chất vào người khi cô mang thùng rác ra trước nhà. Mặt, tay và cổ của cô bị bỏng nặng.

Vào tháng 7/2020, hai người đàn ông thiêu đốt một cụ bà 89 tuổi. Sự việc châm ngòi cho cuộc tuần hành phản đối của hàng trăm người dân ở New York.

Gần đây, bốn vụ tấn công phụ nữ Mỹ gốc Á tại New York trong cùng một ngày khiến dư luận phẫn nộ. Cô Cheng, con gái của một nạn nhân, đau lòng khi nhìn xem video từ một camera quay lại cảnh mẹ cô bị hành hung trên đường.

tan cong nguoi My goc A anh 2

Maggie Cheng và anh trai Sam đứng ở Flushing, Queens - nơi mẹ họ bị tấn công tuần trước. Ảnh: New York Times.

Nhà chức trách ban đầu hứa sẽ xử lý vấn đề. Tuy nhiên, đến ngày 27/2, họ lại kết luận những vụ án không thể hoàn toàn khẳng định là tấn công vì thù hận.

Phát ngôn viên của Sở Cảnh sát New York nhận định động cơ của các vụ án, bao gồm cả vụ tấn công mẹ của cô Cheng, có nhiều vấn đề chưa rõ, và hiện không được điều tra theo hướng phân biệt chủng tộc, theo New York Times.

Vấn đề kì thị người Mỹ gốc Á

Thị trưởng Bill de Blasio thông báo New York đang tăng cường giao tiếp với các lãnh đạo cộng đồng. Ông yêu cầu lập nên một trang web để mọi người trình báo các vụ việc, qua đó tăng cường ứng phó tốt hơn.

Cảnh sát cũng lập nhóm chuyên trách các vụ tấn công người gốc Á vào năm 2020. Lực lượng này sẽ tập trung tuần tra trên tàu điện ngầm - nơi những vụ tấn công thường xảy ra.

tan cong nguoi My goc A anh 3

Ông Stewart Loo, lãnh đạo đội chuyên trách chống tội phạm nhằm vào người gốc Á, phát biểu tại Hội trường Queens Borough. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, đại diện các cộng đồng gốc Á cho rằng phản ứng của giới chức và cảnh sát vẫn còn chậm chạp.

Vào tháng 9/2020, hơn 25 nhóm cộng đồng lên án lực lượng chuyên trách. Theo họ, việc người da màu, bao gồm cả người Mỹ gốc Á, bị cảnh sát kiểm soát quá mức có thể gây ra tác động tiêu cực.

Mặt khác, họ cho rằng nhóm này không thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của nạn phân biệt chủng tộc chống người gốc Á.

Mặc dù đội chuyên trách cố mở rộng phạm vi tiếp cận, nhiều vụ tấn công và quấy rối không được báo cáo với chính quyền, mà nguyên nhân nằm ở tâm lý e dè của các nạn nhân.

Ông Stewart Loo, một chỉ huy trong đội chuyên trách, giải thích: “Người Mỹ gốc Á thường suy nghĩa là cảnh sát sẽ không quan tâm hoặc không dốc hết sức để giải quyết các vấn đề của họ”.

Mẹ của anh Sam Cheng là nạn nhân của vụ tấn công gây chấn động New York gần đây. Anh nói mẹ mình không muốn trình báo cảnh sát dù bà phải nằm viện để khâu vết thương trên trán.

“Mẹ tôi cố gắng che giấu. Bà không muốn vướng thêm vào bất kỳ rắc rối nào", anh Cheng chia sẻ.

Theo ông Kwok, lãnh đạo Hiệp hội luật sư người Mỹ gốc Á, “sự vô hình” về mặt chính trị và xã hội của cộng đồng này để lại nhiều hậu quả.

Ông nhận định “sự vô hình” xuất phát từ định kiến cho rằng những người gốc Á luôn được coi là người nước ngoài. Họ không thể vượt qua ranh giới để trở thành người Mỹ thực sự.

Theo ông, nếu những vụ tấn công người Mỹ gốc Á bị lên án quyết liệt ngay trong thời kỳ đầu đại dịch, thì tình trạng có thể được cải thiện nhanh hơn. Bởi sự trừng phạt từ xã hội sẽ gửi thông điệp rằng tấn công bạo lực do kỳ thị chủng tộc là điều không thể chấp nhận được.

Theo Thanh niên

 

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link