Nước Đức đứng trước tương lai bất định

Ngày 26/9, nước Đức sẽ bước vào kỳ bầu cử Quốc hội Liên bang được dự đoán là rất khó đoán kết quả hơn ba kỳ bầu cử trước.

Sau 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel, nước Đức đang giằng co giữa các khuynh hướng bảo thủ, xã hội, cực hữu và cực tả. Báo VietNamNet có bài phỏng vấn với nhà sử học và xã hội học Rainer Zitelmann từ Berlin.

 

Thưa ông Zitelmann, các khảo sát gần đây cho thấy, ứng viên của đảng cầm quyền CDU (Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo, Trung hữu), ông Armin Laschet đang có tỉ lệ được bầu dự kiến thấp kỷ lục, ở mức trên dưới 20%. Trong khi đó, các đảng cánh tả như SPD (Dân chủ xã hội) và Đảng Xanh đang nắm ưu thế. Liệu nước Đức sẽ có sự „đổi hướng“ chính trị sau 16 năm cầm quyền của Thủ tướng Merkel?

TS. Rainer Zitelmann: Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Theo các số liệu khảo sát gần đây, ba đảng cánh tả là SPD, Đảng Xanh (Gruene) và Đảng Cánh Tả (Die Linke) hợp lại sẽ có đa số phiếu bầu. Nhưng liệu ba đảng này có hợp tác được với nhau hay không thì chưa có ai nói trước được, nhưng đó vẫn là một nguy cơ hiện hữu.

Với tình hình hiện nay, còn có những khả năng liên minh cầm quyền nào khác nữa và tác động của những liên minh này tới sự phát triển kinh tế Đức trong 4 năm tới là gì?

TS. Rainer Zitelmann: Theo quan điểm của tôi thì liên minh chính phủ tốt nhất với kinh tế Đức sẽ là liên minh giữa Khối Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU/CSU) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì hai đảng đó hợp lại chắc chắn vẫn không đủ đa số phiếu. Bởi vậy sẽ cần thêm một đảng thứ ba, đảng đó có thể là SPD hay Đảng Xanh. Những liên minh đó không được lý tưởng cho lắm, nhưng tôi nghĩ vẫn chấp nhận được.

Ngược lại, những liên minh cánh tả sẽ khiến kinh tế Đức lao dốc. Tất cả các đảng cánh tả đều đòi tăng thuế và nâng tỉ lệ chi tiêu của chính phủ. Hiện tại, tỉ lệ chi tiêu của Chính phủ Đức đã ở mức rất cao, chiếm tới 45% GDP quốc gia. SPD và Đảng Xanh muốn tăng thuế thu nhập cho nhóm thu nhập cao lên trên 50%, còn Đảng Cánh Tả thì muốn tăng tới 75%, đồng thời họ còn muốn áp dụng thuế tài sản nữa.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Đức đang cảm thấy rất bất ổn và không ít doanh nghiệp nhỏ đã có ý định rời khỏi Đức. Hoàn toàn có khả năng là, nếu nước Đức bị cầm quyền bởi Liên minh cánh tả thì môi trường kinh doanh của Đức sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Nước Đức đứng trước tương lai bất định
Ông Rainer Zitelmann

Từ 2013, nước Đức xuất hiện một lực lượng chính trị mới, đó là Đảng Giải pháp khác cho nước Đức (AfD), nhằm chống lại những chính sách kinh tế thiên về cánh tả và chính sách nhập cư của bà Merkel. Hiện nay, dù đã có chân trong quốc hội và đại diện tại 16 bang, nhưng đảng này luôn bị xem là mị dân cánh hữu hoặc thậm chí là cực hữu. Ông đánh giá ảnh hưởng của AfD như thế nào? Liệu đảng này có khả năng trở thành một lực lượng chính trị bền vững và có tính xây dựng hay không?

TS. Rainer Zitelmann: Thật ra, ban đầu AfD được lập ra với chủ trương tự do kinh tế với nhiều chính sách cũng như nhân sự hợp lý. Tuy nhiên, hầu hết những người sáng lập AfD đã rời bỏ đảng này hoặc mất chỗ đứng trong đảng. Do vậy, AfD ngày càng phát triển theo khuynh hướng thiên hữu cực đoan. Bản thân các nhà lãnh đạo AfD hiện nay cũng ngày càng có khuynh hướng chống lại kinh tế thị trường, khác hẳn với quan điểm ban đầu của họ. Tôi không nghĩ AfD sẽ phát triển thành một đảng ủng hộ các giá trị tự do, khoan dung và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Chính trị Đức trong 30 năm qua đã thay đổi rất nhiều. Hai "đảng nhân dân" là CDU và SPD ngày càng đánh mất đi sức mạnh. FDP cũng không ổn định. Trong khi đó, Đảng Xanh và các đảng rìa tả và rìa hữu đang nổi lên. Liệu đây là một khuynh hướng không tránh khỏi? Hệ quả của khuynh hướng này là gì?

TS. Rainer Zitelmann: Tôi cho rằng, CDU/CSU và FDP đã né tránh quá nhiều chủ đề gai góc mà lẽ ra họ không được phép né tránh. Họ đã nhường đất cho AfD, đó là một sai lầm. Nước Đức thật sự đã gặp phải rất nhiều vấn đề với người nhập cư. Chính quyền của bà Merkel đã tiếp nhận hàng triệu người nhập cư từ các nước Ảrập và châu Phi, gây ra sự xung đột lớn trong xã hội, vì những người này rất khó, thậm chí là không sẵn sàng hoà nhập với văn hoá Đức.

Phải công bằng mà nói rằng, đa số những người nhập cư không hẳn là tị nạn chính trị mà là tị nạn kinh tế. Đây là một vấn đề nhức nhối, cần phải đối diện, nhưng các đảng lớn lại né tránh nó. Tình hình ở Đức hiện nay thật vô lý, vì những người không có tiền, những người không muốn hội nhập thì ùa nhau tới nước Đức, trong khi những người bản địa, những người có tiền, những chủ doanh nghiệp nhỏ thì lại muốn bỏ nước Đức mà đi. Điều này hết sức nguy hiểm cho tương lai nước Đức.

Về đối ngoại, Chính phủ Đức thời Merkel thường nhấn mạnh sự liên kết và đồng thuận trong khối NATO và EU. Chẳng hạn, Đức đã lần đầu tiên gửi quân tới Afghanistan cùng NATO. Tuy nhiên, Đức vẫn có những chính sách không được lòng các thành viên NATO và EU như ngoại giao thực dụng với Trung Quốc hoặc xây dựng đường ống dẫn khí Nordstream 2 với Nga. Theo ông, chính sách đối ngoại của Đức sẽ thay đổi thế nào trong thời gian tới.

TS. Rainer Zitelmann: Điều này phụ thuộc vào việc đảng nào sẽ thắng cử. Đảng Xanh có những chính sách rất cứng rắn với Nga và Trung Quốc, song SPD và Đảng Cánh Tả lại ủng hộ Nga. Cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder thuộc SPD là bạn thân của Putin. AfD cũng có quan hệ rất mật thiết với Nga. Trong khi các đảng truyền thống như CDU và FDP muốn duy trì chính sách ngoại giao cũ và giữ vững các liên minh truyền thống như NATO và EU.

Với những sự phát triển gần đây, tôi cho rằng nước Đức cần tự chủ nhiều hơn trong việc định nghĩa quyền lợi quốc gia của mình. Chẳng hạn, trong việc tham chiến ở Afghanistan, nước Đức đã quá phụ thuộc vào lợi ích của liên minh, mà không thể đưa ra được một định nghĩa rõ ràng về lợi ích quốc gia.

Chính sách ngoại giao của Đức trước đây chịu ảnh hưởng rất lớn bởi mặc cảm tội lỗi do những gì đã gây ra trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng gần đây, Đức lại có khuynh hướng muốn gắn các giá trị đạo đức mới của mình vào chính sách ngoại giao, chẳng hạn Đảng Xanh có chủ trương xây dựng một "nền ngoại giao nữ quyền", một thứ mà tôi cho là hết sức nhảm nhí.

Cá nhân tôi mong rằng, ngoại giao Đức sẽ đi theo hướng thực dụng, thắt chặt hơn nữa quan hệ với những đối tác không có xung đột về văn hoá như Việt Nam chẳng hạn, và từ bỏ ý định thay đổi quan điểm về giá trị của những đối tác khác.

Xin cảm ơn ông!

Đinh Tuấn Anh (thực hiện từ Berlin)

Nguồn: VNN