Triều Tiên nêu điều kiện để tái khởi động đàm phán phi hạt nhân với Mỹ

Triều Tiên mong muốn cộng đồng quốc tế dỡ bỏ các lệnh cấm xuất, nhập khẩu nhiên liệu kim loại, và những mặt hàng thiết yếu khác để tái khởi động vòng đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Thông tin trên được các nhà lập pháp Hàn Quốc tiết lộ hôm 3/8, sau khi nghe báo cáo từ cơ quan tình báo Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Mỹ Donald Trump ở lõi khu phi quân sự (DMZ) giữa Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 30/6/2019. Ảnh: AFP

Theo các nghị sĩ Hàn Quốc, Triều Tiên cũng đề nghị nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, bao gồm rượu và quần áo.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc cũng cho biết, Triều Tiên đang cần khoảng 1 triệu tấn gạo, do nền kinh tế của nước này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thời tiết khắc nghiệt vào năm ngoái.

Thông báo trên được đưa ra 1 tuần sau khi 2 miền Triều Tiên khôi phục đường dây nóng vốn bị đình chỉ 1 năm trước đó.

Theo các nghị sĩ Hàn Quốc, kể từ tháng 4 vừa qua, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng chia sẻ thiện chí gây dựng lại sự tin tưởng, cũng như cải thiện các mối quan hệ và ông Kim đã đề nghị khôi phục đường dây nóng.

Trước đó, hôm 23/6 vừa qua, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Son-gwon đã từ chối lời đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Mỹ, đồng thời nói rằng hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi bà Kim Yo-jong - một quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên và là em gái Nhà lãnh đạo Kim Jong-un - bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Washington.

Kể từ cuối tháng 4 năm nay, Nhà Trắng đã nhiều lần phát tín hiệu mong muốn nối lại các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, bên cạnh đề xuất đối thoại và các bình luận tích cực, ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định gia hạn biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm 1 năm.

Các chuyên gia cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.

Theo Kinhtedothi