Trò chơi quyền lực của những ‘đế chế vô hình’ trên không gian mạng

Khi đã nắm hàng tỷ người dùng trong tay, Google hay Facebook có vẻ sẵn sàng đối đầu với các chính phủ để thể hiện quyền lực và bảo vệ lợi ích ngày càng lớn của mình.

 

Trò chơi quyền lực của những ‘quốc gia vô hình’ trên không gian mạng

Tác giả: Nguyễn Như Văn, chuyên gia Trí tuệ nhân tạo, Đại học La Rochelle.

Giáo sư cộng sự với tôi rời Whatsapp vào ngày ứng dụng này chia sẻ dữ liệu của người dùng cho Facebook.

“Tôi không dùng Whatsapp nữa, tạm biệt các bạn”, ông nói rồi rời khỏi nhóm trao đổi của phòng nghiên cứu, nơi tôi đang làm việc tại Pháp, ngày đầu năm nay. Là chuyên gia về công nghệ số, mấy năm trước, ông đã chọn Whatsapp chỉ vì tính bảo mật của nó. Nay, cũng vì lý do đó, ông rời đi vì “không muốn thông tin cá nhân của mình làm béo bụng những ông lớn như Facebook”.

Mặc dù tôi thấy phản ứng trên có vẻ cực đoan, nội dung các cuộc nói chuyện của chúng tôi không có nhiều điều tối mật. Tuy nhiên, tôi biết giáo sư nhận định không sai. Chúng ta, những người dùng, đang cung cấp “dinh dưỡng” bằng thông tin và sự chú ý của mình cho các nền tảng số.

Là một người làm công nghệ, tôi sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè, người thân ở khắp nơi và giải trí, nhưng luôn tự nhắc mình đừng quá tay, đưa qúa nhiều thông tin, hình ảnh cá nhân lên nền tảng này. Tôi tự tin rằng Facebook sẽ chẳng bao giờ lấy được gì nhiều từ tôi cả.

Nhưng một ngày tôi nhận ra, trên “tường” của mình chỉ còn tin tức về công nghệ, video bóng đá và những người tôi ít tương tác thì mất tích từ bao giờ. Hóa ra, Facebook đã sử dụng bộ lọc để chủ động “lựa chọn” tin tức hộ tôi. Tôi bị phụ thuộc vào những gì Facebook “đưa cho” và thay đổi thói quen, thế giới quan trên mạng từ lúc nào không hay.

Bắt đầu với sứ mệnh “kết nối mọi người” hay “tăng cơ hội tiếp cận thông tin cho người dùng”, Facebook và Google hôm nay trở thành những gã khổng lồ toàn cầu gần như không có đối thủ cả về sức mạnh kinh tế và các ảnh hưởng khác.

Từ chính dữ liệu của Facebook, Việt Nam có khoảng 70 triệu người sử dụng mạng xã hội này. Con số rất đáng nói, vì nó chiếm hơn 70% dân số. Đến những người già cả như bố tôi, đã hơn 80 tuổi, vẫn ngày ngày có sở thích “chơi phây” dù mắt ông đã kém. Còn mẹ tôi thì sửng sốt khi được biết ông chủ của Google hay Facebook đều là những người giàu nhất thế giới, vì “mình có trả cho họ đồng nào đâu”.

Có thể nói, Facebook và Google đã trở thành những “đế chế” không biên giới nhưng đông dân nhất và ảnh hưởng lớn tới hành vi con người. Với đôi cánh gồm Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo, họ sẽ tiếp tục mở rộng đường biên và sức mạnh. Họ đang trên đường trở thành những quốc gia vô hình có quyền lực mềm mà chúng ta chưa biết giới hạn ở đâu, khi mà các nền tảng đang lấn sân sang mảng thanh toán của các nhà băng, hẹn hò, môi giới kinh doanh, rao vặt, bán hàng trực tuyến… và các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu – thứ được coi là vàng trong kỷ nguyên số.

Quyền lực luôn đi kèm với nguy cơ lạm dụng nó. Chỉ bằng những dòng code, những cú click chuột, các thuật toán, Google, Facebook có thể quyết định hiển thị hay không hiển thị cái gì trên màn hình của bạn. Họ có xu hướng cung cấp nhiều hơn những thứ mà họ cho rằng bạn muốn thấy và nên thấy, nhưng không luôn là những gì bạn cần.

Và chuyện dường như mới chỉ bắt đầu.

Khi đã nắm hàng tỷ người dùng trong tay, Google hay Facebook có vẻ sẵn sàng đối đầu với các chính phủ để thể hiện quyền lực và bảo vệ lợi ích ngày càng lớn của mình. Google mới đây dọa cắt các dịch vụ liên quan đến tìm kiếm khi Australia lên kế hoạch bảo vệ các công ty truyền thông nội địa. Facebook thẳng tay chặn mọi tin bài từ các báo mạng của nước này khi chính phủ muốn chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo. Còn vô số các trường hợp tranh cãi khác khi quyền lực mềm đã can thiệp vào các hoạt động kinh tế hay chính trị của các quốc gia.

Phải nói thêm rằng thứ quyền lực này thậm chí nguy hiểm đến mức ngay chủ nhân của chúng đôi khi cũng không thể kiểm soát hết, chỉ một sai sót cũng dẫn đến sự biến động xã hội. Khi Facebook muốn “cảnh cáo” chính phủ Australia bằng cách chặn các tin tức của báo chí nước này, họ đồng thời vô tình chặn các thông tin quan trọng về từ thiện, y tế tới những người cần.

Điều gì có thể kiềm chế những thế lực mạng của thế giới hôm nay bớt lạm dụng “trò chơi quyền lực”?

Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đang quan tâm đến câu hỏi này. Ngoài Trung Quốc và Triều Tiên đã thể hiện thái độ cứng rắn từ đầu, Australia vừa có động thái “san bằng sân chơi”, buộc Google và Facebook trả tiền nếu muốn hiển thị nội dung tin tức của truyền thông nước này.

Cuộc chiến có lẽ chỉ mới manh nha. Các nước châu Âu cũng đã và đang có những hành động nhằm hạn chế quyền lực mềm cũng như bảo vệ dữ liệu của người dân. Giới chức Mỹ đã mở điều trần với Google, Facebook, Amazon nhằm điều tra sự lạm dụng quyền lực trên thị trường trực tuyến.

Cuộc chiến giữa những quốc gia hữu hình và quốc gia vô hình – không có đường biên trên mạng – rất có thể quyết định nhiều thứ với loài người.

Việt Nam đang đứng thứ bảy trong bảng tổng sắp về số người dùng Facebook trên toàn cầu. Không thể phủ nhận những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc giảm thiểu sự lộn xộn của không gian mạng, cũng như ngăn chặn tin giả, thông tin xấu hay rà soát chính sách thuế trên các nền tảng xuyên quốc gia, nhưng có lẽ là chưa đủ.

Câu hỏi không thể lờ đi ở đây: liệu các chính sách hiện nay của chúng ta đã đủ để bảo vệ quyền lợi và sự riêng tư cho người dùng là công dân, các doanh nghiệp và cả chính phủ?

Một đường đi nước bước rõ ràng hơn, nhanh hơn nhưng không ngược lại sự tiến bộ của loài người là nhu cầu có thật để đảm bảo sự hài hòa giữa quyền lợi, trách nhiệm của các nền tảng mạng với lợi ích của cộng đồng, bảo vệ công dân và nguồn tài nguyên mạng của quốc gia ngay từ bây giờ. Tôi muốn nhấn mạnh cụm từ “bây giờ”, bởi các nền tảng số mỗi ngày đều đã tinh vi hơn chính nó của hôm qua.

Theo VNEXPRESS

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link