Trung Quốc lên tiếng về lo ngại 'chiến tranh lạnh' với phương Tây ở Thái Bình Dương

Từ ngày 26-5 đến 4-6, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm 8 quốc đảo Thái Bình Dương mà Bắc Kinh có quan hệ ngoại giao.

Trung Quốc lên tiếng về lo ngại chiến tranh lạnh với phương Tây ở Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị - Ảnh: GLOBAL TIMES

Trước thềm chuyến công du của ông Vương Nghị, ngày 25-5, Hãng tin Reuters dẫn một số tài liệu tiết lộ Bắc Kinh sẽ tìm kiếm một thỏa thuận cấp khu vực với một chục quốc đảo ở Thái Bình Dương trong cuộc họp cấp ngoại trưởng tại Fiji vào tuần tới.

Lo ngại chiến tranh lạnh

Theo Reuters, Chính phủ Trung Quốc đã gửi một dự thảo thông cáo chung và kế hoạch hành động 5 năm tới với 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương. 

Bản dự thảo thông cáo chung có tên Tầm nhìn phát triển chung của Trung Quốc - các quốc đảo Thái Bình Dương, nêu rõ Trung Quốc và các đảo ở Thái Bình Dương sẽ "tăng cường trao đổi và hợp tác trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống".

Tuy nhiên, theo Reuters, ông David Panuelo - tổng thống Liên bang Micronesia (một đảo quốc ở Thái Bình Dương) - được cho đã phản đối "thông cáo chung được định sẵn" này vì lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc "chiến tranh lạnh" mới giữa Trung Quốc và phương Tây.

Reuters đã tiếp cận được bức thư ông Panuelo gửi 21 nhà lãnh đạo ở khu vực Thái Bình Dương về vấn đề trên. Trong đó ông Panuelo nói "thông cáo chung" trên sẽ đẩy các hòn đảo ở Thái Bình Dương đến "rất gần với quỹ đạo của Bắc Kinh", "thực chất là ràng buộc toàn bộ nền kinh tế và xã hội của chúng ta với họ".

Ông Panuelo nhấn mạnh nguy cơ các đảo ở Thái Bình Dương bị vướng vào xung đột địa chính trị khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan.

Trung Quốc nói gì? 

Tại cuộc họp báo ngày 25-5, khi được hỏi về bức thư của ông Panuelo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói không hề hay biết thông tin này, khẳng định Trung Quốc và các nước Nam Thái Bình Dương "là những người bạn tốt và đối tác tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và cùng phát triển".

"Tôi không đồng ý chút nào với lập luận rằng sự hợp tác giữa Trung Quốc và các quốc đảo Nam Thái Bình Dương sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh lạnh mới", ông Uông nói.

Phát ngôn viên này cũng nhấn mạnh chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Vương Nghị tới khu vực Thái Bình Dương sẽ "củng cố lòng tin chính trị" giữa các bên, giúp mở rộng hợp tác, siết chặt mối quan hệ giao lưu nhân dân và xây dựng cộng đồng chung.

Dự thảo "Tầm nhìn phát triển chung của Trung Quốc - các quốc đảo Thái Bình Dương" bao gồm phác thảo một cuộc đối thoại cấp bộ về năng lực thực thi pháp luật và hợp tác cảnh sát sẽ được tổ chức vào năm 2022. Trung Quốc cũng sẽ cung cấp các phòng thí nghiệm cảnh sát pháp y, theo Reuters.

Dự thảo cũng nêu cam kết hợp tác về mạng dữ liệu, an ninh mạng, hệ thống hải quan thông minh giúp các quốc đảo Thái Bình Dương tiếp cận công nghệ tiến bộ, "phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia".

Ngoài ra, tài liệu cũng đề xuất một khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - các quốc đảo ở Thái Bình Dương, cũng như hỗ trợ đối phó biến đổi khí hậu và y tế.

Theo Tuổi trẻ