WHO cảnh báo về hậu quả nặng nề hơn trong năm đại dịch thứ hai

Theo AFP, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng hơn, với nhiều ca tử vong hơn trong năm nay. Cùng với đó là nguy cơ xuất hiện thêm những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

“Chúng ta đang trải qua năm đại dịch thứ hai có thể sẽ còn có nhiều ca tử vong hơn năm đầu tiên”, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nhấn mạnh trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 15-5.

Cũng theo AFP, phát biểu của Tổng giám đốc WHO được đưa ra trong bối cảnh Covid-19 đã khiến hơn 3,3 triệu người trên toàn cầu thiệt mạng kể từ khi đại dịch này xuất hiện vào cuối năm 2019. Trang thống kê Worldometers cho biết thêm, tính đến sáng 15-5, thế giới đã ghi nhận hơn 162 triệu ca nhiễm Covid-19.

WHO cảnh báo về hậu quả nặng nề hơn trong năm đại dịch thứ hai
Người dân TP Cologne (Đức) xếp hàng chờ tới lượt tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Financial Times 

Trong khi đó, diễn biến đại dịch ở một số nước vẫn rất đáng lo ngại. Điển hình như tại Nhật Bản, khi chỉ còn khoảng 10 tuần nữa sẽ diễn ra Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2021, Chính phủ Nhật Bản buộc phải mở rộng tình trạng khẩn cấp ra 3 khu vực khác có các địa điểm thi đấu trong khuôn khổ kỳ Olympic năm nay là Hiroshima, Okayama và Bắc Hokkaido. Trước đó, thủ đô Tokyo và một số khu vực khác cũng đã áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp tới hết tháng 5. Còn tại Ấn Độ, quốc gia hiện được coi là “điểm nóng” của đại dịch toàn cầu, số ca nhiễm Covid-19 mới và số người tử vong vẫn đang ở mức cao. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây còn cảnh báo dịch bệnh đang lây lan mạnh tới các vùng nông thôn rộng lớn của nước này.

Tuy nhiên, AFP nhận định diễn biến đại dịch đang có dấu hiệu chậm lại ở một số nước, trong khi số ca nhiễm mới trên toàn cầu cũng đã giảm trong tuần thứ hai liên tiếp. Riêng tuần này, số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận theo ngày trên toàn thế giới đã giảm 6% so với tuần trước, còn 743.900 ca. Trong đó, số ca nhiễm mới theo ngày tại Mỹ và Canada đã giảm 21%, tại châu Âu giảm 20%, Trung Đông giảm 16%, châu Á giảm 2%, châu Phi giảm 1%. Ngay cả tại Ấn Độ, quốc gia hiện được coi là “điểm nóng đại dịch” của thế giới, mặc dù tuần này vẫn ghi nhận nhiều ca bệnh mới nhất, song số ca nhiễm mới theo ngày cũng đang có xu hướng giảm.

Tại cuộc họp báo nói trên, WHO cũng đề cập tới một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi tại Mỹ và một số quốc gia khác, đó là nên hay không nên đeo khẩu trang sau khi đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong ngày 15-5, nhiều bang của Mỹ như Washington, Nevada, Oregon, Pennsylvania và Kentucky đã bắt đầu bãi bỏ yêu cầu đeo khẩu trang sau khi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này ban hành hướng dẫn về nới lỏng quy định đeo khẩu trang. Theo Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky, những người đã tiêm vaccine đầy đủ và đã tiêm mũi vaccine thứ hai được hai tuần sẽ không cần phải đeo khẩu trang ở trong nhà hoặc bên ngoài. Bên cạnh đó, những người này cũng không cần phải thực hiện giữ khoảng cách khi giao tiếp. Trong khi đó, nghiệp đoàn công nhân ngành thực phẩm và thương mại của Mỹ lại kiên quyết phản đối việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang vì cho rằng nguy cơ dịch lây lan vẫn xuất hiện từ những người chưa tiêm phòng hoặc không tuân thủ những quy định về phòng dịch.

Đáp lại những thắc mắc và tranh cãi này, WHO cho rằng những người đã tiêm phòng vẫn nên đeo khẩu trang tại những khu vực vẫn còn tình trạng lây nhiễm, đồng thời khuyến cáo các quốc gia nên cân nhắc kỹ về việc dỡ bỏ các biện pháp nhằm kiểm soát lây nhiễm, chẳng hạn như đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, các quan chức của WHO cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện thêm những biến thể của virus SARS-CoV-2 trong thời gian tới.

ANH VŨ

Theo QĐND

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link