Biển Đông - Ưu tiên hàng đầu của Philippines tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) được tổ chức trực tuyến từ 2-6/8, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tập trung đề cập 3 vấn đề quan trọng, bao gồm Biển Đông, tiếp cận bình đẳng vaccine chống Covid-19 và phương thức khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Trang mạng thuộc Tập đoàn truyền thông ABS-CBN của Philipines ngày 1/8 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, những vấn đề nói trên đang là "những ưu tiên của Philippines trong ASEAN".

Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN được tổ chức vào tháng 4/2021 tại Indonesia, các thành viên Hiệp hội đã tái khẳng định cam kết triển khai Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN về Covid-19. Hiện các nước nước thành viên ASEAN, đặc biệt là Indonesia, Thái Lan và Philippines, đang chứng kiến số ca lây nhiễm Covid-19 tăng mạnh do sự lây lan của biến thể Delta.

Về vấn đề hàng hải, ABS-CBN ghi nhận Trung Quốc năm 2021 tiếp tục bị chỉ trích vì những hoạt động xâm phạm lãnh hải của Philippines ở Biển Đông, bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) với nội dung bác bỏ những tuyên bố chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh ở vùng biển này.

Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 vẫn còn nguyên giá trị, tuy nhiên, tình hình trên Biển Đông trong suốt 5 năm qua vẫn tồn tại các yếu tố bất ổn, đe dọa an ninh, an toàn và hòa bình, ổn định trong khu vực.

Mỹ, đồng minh truyền thống của Philippines đã cử Ngoại trưởng Antony Blinken tham dự 4 cuộc họp trực tuyến trong khuôn khổ AMM-54, gồm Hội nghị cấp cao Mỹ-ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Mỹ.

Tại các cuộc họp này, Ngoại trưởng Blinken có thể tập trung trao đổi cùng với các quan chức khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương về những vấn đề khu vực và quốc tế cấp bách.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết của Washington đối với vai trò trung tâm của ASEAN và sẽ hợp tác với Hiệp hội cùng các đối tác quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như hỗ trợ công cuộc phục hồi kinh tế khu vực sau đại dịch.

Bên cạnh đó, The Phil Star dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Blinken sẽ khẳng định lại rằng "Mỹ ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do hàng hải và bảo vệ luật lệ quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Tại điểm dừng chân Philippines trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á vừa qua của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Manila và Washington đã ký thỏa thuận về hợp tác song phương trong lĩnh vực tìm kiếm và cứu nạn trên biển và trên không.

Thỏa thuận này cũng giúp tăng cường khả năng của hai nước trong công tác phối hợp hỗ trợ tàu thuyền và máy bay gặp nạn.

Một tín hiệu khác cho thấy quan hệ giữa Philippines và Mỹ đang "ấm" trở lại khi ngày 30/7, cũng trong khuôn khổ chuyến công du của Bộ trưởng Austin, hai bên đã nhất trí khôi phục Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo trang Bloomberg, ông Austin đã tận dụng chuyến thăm Đông Nam Á để trấn an các đồng minh về cam kết của Mỹ trong việc hiện diện ở khu vực và thách thức những gì ông mô tả là hành động ngang ngược của Trung Quốc.

Chuyến thăm thứ hai đến Đông Nam Á của người đứng đầu Lầu Năm Góc với tư cách là bộ trưởng diễn ra vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng và khi các quốc gia ở Đông Nam Á chật vật đối phó với làn sóng Covid-19 mới.

Hà Minh (theo The Phil Star)

Nguồn TGVN