Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu: Khác biệt trong tương đồng

Chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU cũng như các nước Pháp, Đức, Hà Lan và Anh đều nhấn mạnh giá trị dân chủ, tự do và luật quốc tế, đề cao hợp tác với ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN...

Ngày 16/4 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu đưa ra dự thảo chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thể hiện tầm nhìn chung của khối về khu vực. So sánh với những chiến lược tương tự của các nước châu Âu trước đó, văn bản của EU có một số điểm tương đồng cũng như khác biệt nhất định.

3 mục tiêu, 6 phương hướng

EU xác định, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện có 2 thách thức chính ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của liên minh: cạnh tranh địa chiến lược ngày càng tăng về mọi mặt và tình trạng nhân quyền giảm sút.

Trong bối cảnh đó, chiến lược của EU nhấn mạnh các mục tiêu: (i) đóng góp vì ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực; (ii) thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền và luật pháp quốc tế; và qua đó (iii) thể hiện vai trò của EU là một đối tác quan trọng với khu vực và là một nhân tố có ảnh hưởng toàn cầu.

Để đạt được các mục tiêu này, EU đề ra 6 phương hướng.

Thứ nhất, hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực, đặc biệt là qua các kênh đa phương như Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và nhóm các nước châu Phi, Caribbean và Thái Bình Dương (ACP)…

Thứ hai, ủng hộ các chương trình nghị sự mang tính toàn cầu về môi trường, khí hậu, quản trị đại dương, nhân quyền, nữ quyền và chống Covid-19.

Thứ ba, thúc đẩy lợi ích kinh tế và chuỗi cung ứng của liên minh, đảm bảo công bằng thương mại, tiếp tục thúc đẩy các thỏa thuận với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam…

Thứ tư, đóng vai trò quan trọng về an ninh-quốc phòng, đặc biệt trong an ninh biển và với các đối tác đồng quan điểm, tiến tới thiết lập các Khu vực Biển có lợi ích.

Thứ năm, đảm bảo kết nối chất lượng cao về kỹ thuật số, giao thông, năng lượng, con người…

Thứ sáu, sẽ tăng cường hợp tác với khu vực về nghiên cứu, đổi mới và số hóa.

Những điểm tương đồng

Chiến lược của EU có nhiều điểm chung với các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước đó của Pháp, Đức, Hà Lan và Anh.

Về tầm nhìn, các chiến lược này đều thừa nhận tầm quan trọng của khu vực trong bối cảnh cục diện có nhiều thay đổi, dù EU nhắc nhiều đến các thách thức hơn các cơ hội.

Về biện pháp, các chiến lược đều đặt ra phương hướng gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực, đặc biệt là trên biển. An ninh biển được nhấn mạnh và EU đặt ưu tiên này lên hàng đầu trong phương hướng triển khai về an ninh.

Ngoài ra, các chiến lược đều nhấn mạnh giá trị dân chủ, tự do và luật quốc tế. EU coi những vấn đề này là mục tiêu thứ 2 của chiến lược, chỉ sau hòa bình - ổn định.

Cuối cùng, tất cả các văn bản đều đề cao hợp tác với ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN.

EU và ASEAN đều là các tổ chức liên chính phủ, nên việc Brussels tập trung vào kết nối với khu vực thông qua ASEAN, coi ASEAN là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được cho là điều dễ hiểu.

Điểm khác biệt đáng chú ý

Chiến lược của EU cũng có những khác biệt nhất định so với chiến lược của các nước châu Âu.

Về thời điểm, chiến lược của EU có phần muộn hơn.

Pháp, Đức, Hà Lan và Anh đã lần lượt công bố chiến lược với khu vực trong giai đoạn năm 2019-2021, với Anh là nước công khai chiến lược gần đây nhất, vào tháng 3 vừa qua.

Thời điểm tuyên bố muộn có thể do EU phải thống nhất và dung hòa lợi ích của tất cả 27 nước thành viên.

Thứ hai, về phạm vi địa lý, EU định nghĩa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác các nước châu Âu, cho rằng khu vực trải từ vùng bờ Đông của châu Phi tới các nước Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Pháp và Đức tập trung vào vùng biển châu Á-Thái Bình Dương, Hà Lan khẳng định khu vực kéo dài từ Pakistan đến hết các đảo Thái Bình Dương, còn Anh tập trung vào các vùng quanh Ấn Độ và Trung Quốc.

Có thể thấy, EU định nghĩa rộng hơn để bao trùm lợi ích của tất cả các nước thành viên.

Thứ ba, về đối tác và đối tượng, EU chỉ nhắc đến Trung Quốc một lần, không liên quan tới lĩnh vực an ninh, mà liên quan đến thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Trong khi đó, các nước châu Âu liên tục nhắc đến Trung Quốc trong chiến lược theo cả hướng tích cực lẫn tiêu cực.

Pháp nhấn mạnh Trung Quốc là “thách thức ngày một lớn”, trong khi Anh coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là “đáng kể nhất”, đem lại “thách thức lớn nhất với an ninh kinh tế” Anh. Còn Đức và Hà Lan nhắc đến Trung Quốc bằng những ngôn từ trung lập hơn.

Khác biệt này cho thấy, các nước thành viên của liên minh kinh tế-chính trị này nhìn nhận quan hệ với Trung Quốc ở các mức độ khác nhau.

Có thể EU vẫn “ngầm” ám chỉ Trung Quốc vì đề cập nhiều đến cạnh tranh chiến lược, nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tuân thủ luật quốc tế và nhân quyền, hay cạnh tranh thương mại công bằng… Đây là những vấn đề phương Tây thường chỉ trích Trung Quốc.

Ngoài ra, EU nhắc đến các đối tác khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các nước ASEAN, nhưng không nhắc đích danh Trung Quốc.

Điều này phần nào cho thấy, Brussels không muốn chỉ trích Bắc Kinh trực diện và không muốn để chiến lược khu vực của khối bị coi là một chiến lược chống Trung Quốc.

Thứ tư, về an ninh biển, chiến lược của EU không nhắc đến Biển Đông, có thể vì các nước thành viên EU chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này.

Trong khi đó, chiến lược của Anh mô tả Biển Đông là một trong các tuyến hàng hải quan trọng trên toàn cầu.

Pháp nhắc đến Biển Đông 4 lần, mạnh mẽ khẳng định hành động của Trung Quốc tại đây “gây ra các quan ngại sâu sắc”.

Hà Lan đề cập Biển Đông 7 lần, nhiều hơn Pháp, nhưng không chỉ trích Trung Quốc trực tiếp. Hà Lan cũng đưa ra nhiều đề xuất tăng cường hiện diện tại Biển Đông như tham gia vào quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc với tư cách quan sát viên.

Đức nhắc đến Biển Đông 2 lần và nhấn mạnh Berlin ủng hộ một COC “ràng buộc về pháp lý”.

Thứ năm, thay vì các kế hoạch điều tàu chiến đến khu vực như các nước châu Âu, chiến lược của EU đề ra 3 chương trình cụ thể để tăng hiện diện trên biển.

Đó là Dự án Tăng cường Hợp tác An ninh trong và với Châu Á (ESIWA), dự án Tuyến đường hàng hải quan trọng Ấn Độ Dương (CRIMARIO) giai đoạn II, và kế hoạch thiết lập Khu vực Biển có lợi ích nhằm phối hợp hoạt động của các nước thành viên EU trong khu vực.

Các chương trình này ít mang tính quân sự, nhằm đến tăng cường nhận thức và năng lực về biển cho các nước khu vực nhiều hơn.

Văn bản nhỏ, ý nghĩa lớn

Tuy chưa phải bản chi tiết cuối cùng, song văn bản đã thể hiện tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với EU.

Thông điệp này càng nổi bật khi EU có truyền thống phản đối các hoạt động an ninh ở quá xa châu Âu, gần EU có nhiều khu vực biển chiến lược khác như Đại Tây Dương hay Địa Trung Hải và các cơ quan trong EU từng phản đối việc đưa ra một chiến lược chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngoài ra, EU có 27 thành viên với những lợi ích khác nhau, nên việc thống nhất được quan điểm đã cho thấy cam kết sâu sắc của Brussels với khu vực.

Chiến lược cũng cho thấy 2 thay đổi trong cách tiếp cận với khu vực của EU.

Thứ nhất, hoạt động của EU tại khu vực trước đây dựa nhiều vào chính sách của một số nước lớn trong EU và ít có sự phối hợp.

Với chiến lược này, EU nhấn mạnh phối hợp chung của tất cả các thành viên.

Trước đó, EU đã thử nghiệm dự án Phối hợp Hiện diện Hàng hải, đã được nhắc đến trong văn bản, từ năm 2020 và đã thành công.

Thứ hai, trước đây, EU chủ yếu thúc đẩy công cụ kinh tế và chính trị để tăng cường hợp tác với khu vực, và khu vực cũng nhìn nhận EU chủ yếu như một đối tác kinh tế - chính trị.

Với chiến lược này, EU tập trung vào vai trò an ninh nhiều hơn, nhất là an ninh biển, bao gồm: đảm bảo tuyến đường vận chuyển qua biển tự do và rộng mở, tuân thủ luật quốc tế…; và an ninh phi truyền thống, bao gồm: quản trị số, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, cướp biển, buôn người...

Có thể thấy, với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình, EU đã bắt kịp xu hướng quốc tế khi trọng tâm chiến lược toàn cầu đang dồn về khu vực này.

Với những định hướng đề ra, EU không chỉ muốn trở thành đối tác hàng đầu của khu vực, mà còn muốn khẳng định lại vai trò toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh.


ĐỖ HOÀNG - LÊ LONG /Nghiên cứu viên tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao

Theo Baoquocte.vn

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link