Mỹ, Nhật Bản, Australia kêu gọi Trung Quốc 'tự kiềm chế'

 Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2022, Mỹ, Nhật Bản và Australia một lần nữa khẳng định các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh 'tự kiềm chế'.

 

Nhật Bản quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương
Trung Quốc tập trận tại Biển Đông vào ngày 28/5. (Nguồn: SCMP)

Phô trương sức mạnh

Ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã bày tỏ với người đồng cấp Trung Quốc mối quan ngại về việc các máy bay chiến đấu của Trung Quốc và Nga gần đây đã bay tuần tra chung sát các khu vực phòng không của Nhật Bản như một sự “phô trương sức mạnh” nhằm vào nước này.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở Singapore, Bộ trưởng Kishi cho biết ông đã kêu gọi Trung Quốc “tự kiềm chế” ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về những “nỗ lực đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực".

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết thêm hai bên đã nhất trí thúc đẩy tương tác và đối thoại giữa các quan chức quốc phòng của Tokyo và Bắc Kinh: “Vì quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc có những vấn đề đáng lo ngại, chúng tôi cần phải trao đổi thẳng thắn”.

Ông Kishi và ông Ngụy Phượng Hòa đã gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-La. Đây là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng của hai quốc gia láng giềng Đông Bắc Á kể từ tháng 12/2019.

Cuối tháng trước, 6 máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc và Nga đã tiến hành cuộc tuần tra chung kéo dài 13 tiếng đồng hồ trên Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, mà theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản là để phản đối việc Tokyo tiếp đón các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản) tham dự hội nghị thượng đỉnh tổ chức diễn ra cùng ngày tại thủ đô Nhật Bản.

“Một loạt hoạt động chung” giữa Bắc Kinh và Moscow, chẳng hạn như chuyến bay tuần tra chung, vẫn đang tiếp tục, Bộ trưởng Quốc phòng Kishi nói thêm nhưng không cho biết chi tiết.

Cuộc hội đàm giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng diễn ra trong bối cảnh các tàu của Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng biển gần quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, một nhóm đảo nhỏ không có người ở do Tokyo kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Ông Kishi và các quan chức Nhật Bản khác đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về các hoạt động gần đây của quân đội Trung Quốc gần Nhật Bản, trong đó có việc các máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc gần tỉnh Okinawa ở phía Nam Nhật Bản, nằm gần Đài Loan (Trung Quốc), trong suốt 12 ngày vào tháng trước.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết ông đã nói với người đồng cấp Trung Quốc rằng hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan cũng rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế.

Trước đó cũng trong ngày 12/6, Bộ trưởng Kishi đã tiến hành các cuộc gặp riêng với những người đồng cấp từ Fiji, Australia và New Zealand. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tại các cuộc hội đàm riêng rẽ này, các bên khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở là tầm nhìn được Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ nhằm cân bằng với sức ảnh hưởng về kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Quyết liệt phản đối yêu sách phi pháp

Trong một diễn biến liên quan, cũng tại cuộc gặp bên lề diễn đàn Đối thoại Shangri-La, các Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản, Mỹ và Australia đã ra Tuyên bố Tầm nhìn Chung 2022, trong đó phản đối quyết liệt đối với các yêu sách chủ quyền và các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và cho đó là các hành động "đi ngược với luật pháp quốc tế", nhất là các nội dung đã được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Các Bộ trưởng của ba nước bày tỏ các quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Đông và phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới hiện trạng thông qua việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các hành động cưỡng ép hoặc dọa dẫm.

Bên cạnh đó, ba Bộ trưởng Quốc phòng tái khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) về Biển Đông "là cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp".

Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế, nhất là các nội dung đã được phản ánh trong UNCLOS, cho các tranh chấp, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không và các hoạt động sử dụng hợp pháp khác của vùng biển này.

Mặt khác, Bộ trưởng Quốc phòng ba nước cũng nhấn mạnh sự ủng hộ kiên định đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tầm quan trọng của ASEAN trong việc thúc đẩy các quy chuẩn và hành vi tích cực, đóng góp cho an ninh khu vực, và xây dựng sự đồng thuận và hợp tác khu vực trong thực tiễn, bao gồm việc thông qua khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+).

Cũng trong tuyên bố chung trên, các bên cũng bày tỏ quan ngại về môi trường an ninh ngày càng xấu đi ở Biển Hoa Đông, vốn đang làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực. Các Bộ trưởng phản đối quyết liệt bất cứ hành động đơn phương nào gây bất ổn hoặc mang tính cưỡng ép nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng và gia tăng tình trạng căng thẳng trong khu vực này.

VY VY/Theo Baoquocte.vn