Phó đô đốc Mỹ: Luật biển mới của Trung Quốc đặt nền tảng cho sự bất ổn

Phó đô đốc Michael McAllister, chỉ huy Tuần Duyên Mỹ khu vực Thái Bình Dương, nhận định luật an toàn hàng hải mới của Trung Quốc đáng lo ngại vì đặt nền tảng cho sự bất ổn.

“Chắc chắn là, dựa trên những gì được đưa tin, điều này có vẻ trực tiếp đi ngược lại thỏa thuận và thông lệ quốc tế”, ông McAllister trả lời tại cuộc họp báo sáng 3/9 (giờ Việt Nam), khi được đề nghị nhận xét về quy định hàng hải mới của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã thông báo yêu cầu kiểm soát tàu nước ngoài khi đi qua cả những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Quy tắc báo cáo áp dụng đối với tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ cũng như tàu vận chuyển "các chất độc hại" bao gồm dầu, hóa chất và khí hóa lỏng, cơ quan hàng hải Trung Quốc cho biết.

bien dong anh 1

Phó đô đốc Michael McAllister, chỉ huy Tuần Duyên Mỹ khu vực Thái Bình Dương và Lực lượng Phòng ngự Bờ tây. Ảnh: U.S. Coast Guard.

“Nếu tôi hiểu đúng thì việc này rất đáng lo ngại vì nó bắt đầu đặt nền tảng cho sự bất ổn và các cuộc xung đột tiềm tàng nếu (luật này) được đảm bảo thực thi”, ông McAllister nói.

Về phản ứng của Tuần Duyên Mỹ, Phó đô đốc McAllister cho biết lực lượng này ở trong khu vực một phần là để hỗ trợ các đối tác then chốt đang ngày càng lo ngại trước hành động của Trung Quốc.

Trước ông McAllister, Lầu Năm Góc cũng lên tiếng chỉ trích quy định hàng hải mới của Trung Quốc và cho rằng quy định này đe dọa nghiêm trọng đến quyền tự do đi lại trên biển, theo South China Morning Post.

Quy định mới theo Luật An toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 1/9, theo một thông báo được Cục An toàn Hàng hải nước này công bố hôm 27/8, Newsweek đưa tin.

Ngày 1/9, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành luật này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển".

"Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS", bà Hằng nói.

Theo Zing News