Tầm nhìn Giáp Văn Cương trong chiến dịch CQ-88

Nếu không có tầm nhìn và sự quyết đoán trong hành động của đô đốc Giáp Văn Cương, Trường Sa có thể khó khăn hơn bây giờ, không toàn vẹn như vậy giờ.

 

Tầm nhìn Giáp Văn Cương trong chiến dịch CQ-88

Trong cuốn “Đảo Chìm” của Nhà thơ Trần Đăng Khoa – người lính đã nhiều năm đóng quân ở Trường Sa, hình ảnh Tư lệnh Giáp Văn Cương được khắc họa rất chân thực, không một chút hư cấu:

“… Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.

– Vất vả không, các cậu?.

Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì:

– Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!.

– Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi – giọng Tư lệnh bùi ngùi: Nhưng cái gì cần nhất cấp thiết nhất các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ Tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu!…

Ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thật sự coi ông như một đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối tư lệnh:

– Bố thấy vương quốc của chúng con thế nào?.

Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.

– Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. Ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi – Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi – Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một li không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…

– Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!…”.

“Nếu không có tầm nhìn và sự quyết đoán trong hành động của đô đốc Giáp Văn Cương, Trường Sa có thể khó khăn hơn bây giờ, không toàn vẹn như vậy giờ” -Thiếu tướng Lê Kế Lâm (nguyên Tham mưu phó Tác chiến Quân chủng Hải quân) đã khẳng định như vậy.

Nếu như những người lính trẻ đóng quân ở Trường Sa và DK1 những năm cuối Thập kỷ 80 của Thế kỷ trước không thể quên hình ảnh vị Tướng già mặc quần đùi đu lên nhà giàn quá đơn sơ lúc ấy, để kiểm tra độ an toàn cho chiến sĩ, sẽ nhớ mãi vị Tư lệnh 68 tuổi chào cờ cùng anh em và xắn quần lặn lội để kiểm tra việc gia cố cho đảo chìm… thì những cán bộ cấp cao lại nhớ đến những quyết định táo bạo của Tướng Giáp Văn Cương và phong ông là “vị tướng của Trường Sa” hay “Tư lệnh Trường Sa 1988”.

Năm 1984, do tình hình biển Đông có nhiều “diễn biến lạ”, Tướng Giáp Văn Cương được Bộ Quốc phòng điều động về làm Tư lệnh Hải quân lần thứ hai (lần đầu từ năm 1977-1980).

Trên cương vị mới, ông dự báo: “Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam”.

Do vậy, trong 2 năm 1986-1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận Tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương, chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.

Kế hoạch đó được chấp thuận.

Ông ra lệnh: “Nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là Công binh, ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi đảo chìm mà quân dân Việt Nam đang đồn trú và sinh sống bao đời nay”.

Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu “Kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi”.

Giải thích khái niệm “ủi bãi”. Đại tá Hải quân Nguyễn Trương giải thích: “Là cho tàu mở hết tốc lực lao thẳng lên cạn ở điểm đảo đó để khẳng định chủ quyền và chờ quân ra tiếp viện. Đó là một quyết định táo bạo vì một con tàu vào những năm khó khăn ấy là một tài sản lớn. Để tàu chìm là bị kỷ luật nặng, nhưng ông dám làm vậy vì ông coi chủ quyền lớn hơn tất cả. Mọi sự chậm trễ là có tội với tổ tiên và con cháu sau này”.

Và chính từ mệnh lệnh này, sáng 14/3/1988, con tàu HQ-505 anh hùng đã lao nhanh giữa những làn đạn đại bác, ủi thẳng lên đảo Cô Lin, khẳng định chủ quyền Việt Nam, trước khi lính Trung Quốc đổ bộ chiếm đảo.

Theo NHÂN DÂN ONLINE