6.400 nhà báo ở Afghanistan thất nghiệp sau khi Taliban trở lại nắm quyền

Tổng cộng 231 cơ sở truyền thông ở Afghanistan đã phải đóng cửa và hơn 6.400 nhà báo, gồm 84% số nhà báo nữ, mất việc kể từ khi Taliban nắm quyền kể từ giữa tháng 8.

Một cuộc khảo sát của Hiệp hội nhà báo Afghanistan cho biết, khoảng 43% các hãng truyền thông ở Afghanistan đã ngừng hoạt động, khiến gần 60% nhà báo thất nghiệp.

Cuộc khảo sát cho biết, hoạt động của truyền thông của Afghanistan đã bị xáo trộn hoàn toàn sau khi Taliban trở lại nắm quyền kể từ giữa tháng 8. Đến cuối tháng 11 chỉ còn 312 hãng truyền thông còn hoạt động so 543 cơ sở trước thời điểm Taliban nắm chính quyền.

Các nhà báo ở tòa soạn Tolonews, Afghanistan. Ảnh: Omar Sobhani / Reuters, 

Có 231 cơ sở truyền thông đã phải đóng cửa và hơn 6.400 nhà báo mất việc.

Hiện nhân lực truyền thông còn làm việc tại Afghanistan chì còn 4.360 người, trong khi thời điểm trước tháng 8 là 10.790 người.

Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là cuộc khủng hoảng kinh tế và những hạn chế do chính quyền Taliban áp đặt.

Một thành viên của kênh truyền hình địa phương Shamshad TV, cho biết, giới truyền thông đã bị ảnh hưởng nặng nề do doanh thu quảng cáo tụt giảm và những hạn chế áp đặt .

Một nhà báo truyền hình bị ngăn cản quay phim tại địa điểm xảy ra vụ đánh bom ở Kabul vào tháng Hai. Rahmat Gul/AP

Đặc biệt giới nữ trong ngành truyền thông Afghanistan bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với hơn 84% nhà báo nữ thất nghiệp.

Môi trường hoạt động cho các nhà báo ở Afghanistan đã trở nên khó khăn hơn. Các phương tiện truyền thông phải thực hiện “11 qui tắc báo chí” do Bộ Thông tin và văn hóa của Taliban ban hành, mở đường cho việc kiểm duyệt và bắt bớ, đồng thời tước bỏ quyền độc lập của các nhà báo.

Hiệp hội Nhà báo Quốc gia Afghanistan cho biết, tình hình đang gây tổn hại cho giới truyền thông Afghanistan.

Hơn 84% nữ nhân viên truyền thông của Afghanistan thất nghiệp kể từ khi Taliban nắm quyền vào giữa tháng 8. Ảnh: Caroline Taix / AFP. 

Mustafa Jafari, 30 tuổi, người đã thất nghiệp sau khi kênh truyền hình Rah-e-Farda bị đóng cửa, cho biết, anh phải kiếm sống bằng nghề bán ngô dạo để nuôi vợ và hai con gái với một chiếc xe đẩy nhỏ. Nguồn tiền thu được khá khiêm tốn, chỉ khoảng 2 USD mỗi ngày. Jafari bày tỏ không có hy vọng về tương lai của ngành truyền thông trong nước.

Afghanistan đang phải vật lộn với sự sụp đổ kinh tế sau khi Taliban trở lại nắm quyền. Nguồn tài trợ quốc tế hầu như bị cắt đột ngột, nạn đói gia tăng ở mức báo động.

Văn Phong/BVPL/AP