Thành phố xảy ra nhiều vụ án giết người nhất ở Mỹ

Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, nhưng New Orlean lại đang phải chứng kiến số vụ án giết người nhiều nhất ở Mỹ.

New Orlean đã soán ngôi St. Louis trở thành thành phố có tỷ lệ phạm tội giết người cao nhất ở Mỹ. Theo đó, số vụ giết người ở New Orlean đã tăng hơn 2 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện. 

Trên thực tế, New Orlean là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của nước Mỹ. Nhưng thành phố này đang phải nhận danh hiệu không hề mong muốn là “thủ phủ giết người ở Mỹ”. Cụ thể, số vụ phạm tội giết người ở New Orlean đang ở mức cao nhất trên toàn lãnh thổ Mỹ, và vượt xa những khu vực vốn được biết tới là thành phố bạo lực như St. Louis, Chicago hay New York.

New Orlean giữ vị trí số 1 trong danh sách các thành phố xảy ra nhiều vụ án giết người nhất ở Mỹ. (Ảnh minh họa)

 

RT đưa tin, theo Ủy ban Tội phạm thành phố New Orlean, khu vực này ghi nhận 205 vụ án giết người trong năm nay, tăng 141% với thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện, và cao hơn năm ngoái 46%. 

Số liệu thống kê vào tuần trước cho thấy tỷ lệ phạm tội giết người ở New Orlean là 52/100.000 người. Con số này cao hơn thành phố St. Louis, nơi từng được mệnh danh là "thủ phủ giết người ở Mỹ". Tại St. Louis, tỷ lệ phạm tội giết người là gần 45/100.000 người trong năm nay. 

Tỷ lệ giết người ở New Orlean cũng cao gần 3 lần so với Chicago, một trong những thành phố tai tiếng về bạo lực súng đạn ở Mỹ. Tỷ lệ phạm tội giết người ở thành phố New York là 3,5/100.000 người. Điều này đồng nghĩa với việc tội phạm giết người ở New Orlean cao gấp 15 lần so với New York. 

Số vụ cướp xe hơi ở New Orlean cũng tăng hơn 3 lần so với trước thời điểm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, và số vụ nổ súng tăng gấp đôi.

Nghiên cứu mới đây cho hay do thiếu nhân lực, khoảng thời gian trung bình phản ứng trước các cuộc gọi khẩn cấp của cảnh sát New Orlean là 2,5 giờ. 

Điển hình, chia sẻ với Wall Street Journal, nhân viên kế toán làm việc tại một cửa hàng tạp hóa cho biết cô đã gọi cảnh sát sau khi bị một người đàn ông vô gia cư tấn công. Tuy nhiên, cảnh sát chỉ xuất hiện vào ngày hôm sau. 

Trong hoàn cảnh số lượng nhân viên cảnh sát bỏ nghề nhiều hơn là số lượng cảnh sát mà thành phố có thể tuyển dụng, nhân lực trong lực lượng cảnh sát New Orlean đang ít hơn 1/3 so với thời điểm cơn bão Katrina tàn phá thành phố này vào năm 2005. 

Thậm chí, hồi tháng Bảy năm ngoái, một sĩ quan cảnh sát có tên Scott Fanning trở thành "điểm nóng" đưa tin của giới truyền thông khi anh này quyết định bỏ việc ngay giữa ca làm do lo sợ tình trạng thiếu nhân lực trong ngành khiến công việc trở nên mất an toàn. 

Thị trưởng New Orlean là bà LaToya Cantrell kêu gọi thành phố cần mạnh tay trấn áp tội phạm, nhưng đồng thời thúc đẩy các chính sách ngăn chặn phạt tù. Đây là lý do số lượng người bị phạt án tù ở New Orlean đã giảm 40% kể từ khi bà Cantrell lên nắm quyền vào năm 2018. 

Người dân thành phố chỉ trích bà Cantrell chưa làm tròn trách nhiệm thúc đẩy các chính sách ngăn phạt tù đã đưa ra. Thậm chí, hồi tháng Tám, bà này còn xuất hiện trước tòa với vai trò nhân chứng cho bị cáo (13 tuổi), người bị cáo buộc tội trộm cắp xe hơi của 5 người trong 2 ngày. Cuối cùng, tên trộm trẻ tuổi được hưởng án treo và không phải ngồi tù. Phán quyết của tòa án đã gây bức xúc cho các nạn nhân trong vụ trộm này. 

Theo Infonet