Tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam: Sắc màu đa dạng và hòa hợp

 Như một bức tranh đa dạng và hài hoà của vô vàn màu sắc, các tôn giáo ở Việt Nam ngày nay chung sống đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo.

 

Sách trắng 'Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam'. (Ảnh: Vinh Hà)
Sách trắng 'Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam'. (Ảnh: Vinh Hà)

Là đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời và là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, Việt Nam đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Mảnh đất hình chữ S cũng có hệ thống tín ngưỡng vô cùng phong phú với 50.703 cơ sở tín ngưỡng.

Đa tín ngưỡng, đa tôn giáo là vậy, Việt Nam không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Như một bức tranh đa dạng và hài hoà của vô vàn màu sắc, các tôn giáo ở Việt Nam ngày nay chung sống đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.

Bức tranh này được phản ánh rất rõ qua việc Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện để các sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường; việc công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật; các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện thành lập cơ sở đào tạo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo…

Đối với người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại trên địa bàn các tỉnh, thành phố với hàng trăm người tham gia.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước luôn bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo để 54 dân tộc anh em cùng sinh sống bình đẳng. Trong đó 53 dân tộc thiểu số với gần 14 triệu người, chiếm khoảng 14,3% dân số cả nước, được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối với người chấp hành án phạt tù, Nhà nước chú trọng thực thi pháp luật về quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo. Hiện có 17 đầu sách liên quan đến tôn giáo với số lượng 4.418 cuốn được đưa vào sử dụng tại thư viện của 54 trại giam.

Sự quan tâm và tạo điều kiện của Nhà nước tới từng hoạt động, từng tổ chức và tín đồ tôn giáo, tín ngưỡng đã thể hiện rõ nét chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, phản ánh những nỗ lực của Việt Nam trong thực thi các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, quyền con người

HUYỀN TRÂM/Theo Baoquocte.vn