Các nước láng giềng của Afghanistan sẵn sàng hợp tác với Taliban ở mức độ nào?

Cho tới nay, Pakistan, Trung Quốc và Iran vẫn chưa công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan, nhưng cả 3 nước đều có lợi ích nếu làm như vậy.

 

Việc các lực lượng Mỹ và NATO rút khỏi Afghanistan đã để lại khoảng trống chính trị ở Nam và Trung Á. Câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra là ai sẽ lấp đầy khoảng trống này? Các nước láng giềng gần gũi như Pakistan, Iran và Trung Quốc  đều có lợi ích đặc biệt ở Afghanistan.

Không nước nào có khả năng đóng vai trò như Mỹ đã từng làm trong việc định hình tương lai của đất nước Afghanistan, nhưng với các lợi ích an ninh quốc gia của chính mình, cả Pakistan, Iran và Trung Quốc đều muốn thấy một chính phủ ổn định ở Kabul.

Về phần mình, Taliban đang tìm cách thiết lập các mối quan hệ tích cực với các nước láng giềng để đạt được quốc tế công nhận tính hợp pháp, cũng như thu hút đầu tư để phát triển kinh tế.

 

Thành viên Taliban gồm Shahabuddin Delawar (trái), Amir Khan Muttaqi, và Khairullah Khairkhwa (phải). Ảnh: AFP
Thành viên Taliban gồm Shahabuddin Delawar (trái), Amir Khan Muttaqi, và Khairullah Khairkhwa (phải). Ảnh: AFP

Pakistan

Pakistan, quốc gia có chung đường biên giới dài 2.670 km với Afghanistan, đã phải chịu nhiều thiệt hại trong suốt 4 thập kỷ hỗn loạn vừa qua.

Sự bất ổn đã tạo điều kiện cho các nhóm vũ trang dọc biên giới Pakistan-Afghanistan trỗi dậy mạnh mẽ. Tehreek-e-Taliban Pakistan (Taliban ở Pakistan) và quân nổi dậy Baloch đã tấn công các mục tiêu ở Pakistan trong nhiều năm, khiến nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế Pakistan.

Islamabad thường cáo buộc rằng các cuộc tấn công bạo lực vào Pakistan đã được lên kế hoạch và thực hiện từ Afghanistan với sự hỗ trợ tích cực của tình báo Ấn Độ. Trong kho đó, các cơ quan an ninh Pakistan cũng bị cáo buộc hậu thuẫn cho lực lượng Taliban ở Afghanistan, đặc biệt là mạng lưới Haqqani.

Việc Taliban tiếp quản Kabul và cuộc rút quân của Mỹ được giới chính sách và quân đội ở Islamabad đánh giá là diễn biến tích cực. Trên trường quốc tế, Islamabad cũng tích cực vận động quốc tế làm việc với Taliban.

Trong thông điệp video gửi tới Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được phát sóng ngày 24/9, Thủ tướng Imran Khan kêu gọi cộng đồng thế giới ủng hộ chính phủ Taliban và giúp đỡ Afghanistan bằng các khoản viện trợ nhân đạo mà nước này đang rất cần.

Mặc dù vẫn chưa chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Kabul, Pakistan nhiều khả năng sẽ làm việc với lực lượng này trên mặt trận kinh tế. Thời gian Tổng thống Ashraf Ghani còn tại vị, hàng hóa nhập khẩu qua các cảng của Pakistan đến Afghanistan nằm sâu trong đất liền giảm 80% do Kabul chuyển sang các cảng của Iran do Ấn Độ tài trợ. Thương mại song phương cũng giảm từ 2,8 tỷ USD năm 2011 xuống 1,8 tỷ USD. Islamabad muốn khôi phục việc sử dụng các cảng của Pakistan cho hàng nhập khẩu của Afghanistan, đồng thời thúc đẩy thương mại song phương.

Pakistan cũng hy vọng việc tăng cường an ninh dưới thời Taliban có thể cho phép nước này đẩy mạnh thương mại với Trung Á – khu vực có tiềm năng phát triển đáng kể. Pakistan đang chú ý đến việc hoàn thành đường ống Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI), cung cấp khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan đến 3 quốc gia Nam Á. Việc xây dựng đường ống này bị đình trệ trong những năm gần đây do chính phủ Afghanistan không thể đảm bảo an ninh cho các dự án trên lãnh thổ nước này.

Trung Quốc

Khi Mỹ thông báo về việc rút khỏi Afghanistan từ tháng 4/2021, Trung Quốc bắt đầu lo ngại về an ninh biên giới ở Hành lang Wakhan, nơi có chung dải biên giới 92 km với Afghanistan. Cũng vì điều này, chính phủ Trung Quốc đã tiếp cận lãnh đạo Taliban để đàm phán sơ bộ.

Bắc Kinh lo ngại một Afghanistan hỗn loạn có thể khiến bạo lực lan sang Tân Cương cũng như làm tổn hại đến các dự án đầu tư chiến lược trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Việc Taliban tiếp quản quyền lực đã mở ra cánh cửa chiến lược cho Trung Quốc vào Afghanistan, nhưng cũng có thể đi kèm với nhiều rủi ro.

Ngày 28/7, phái đoàn Taliban gồm 9 thành viên đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Thiên Tân. Taliban đã đưa ra cam kết không để Afghanistan trở thành nơi tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Trung Quốc, để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh về kinh tế và đầu tư nhằm tái thiết đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh.

Trong một tuyên bố ngày 16/8 về việc Taliban tiếp quản Kabul, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết. Trung Quốc “sẵn sàng” phát triển quan hệ hơn nữa với Afghanistan.

Trong khi các cường quốc khác “xa lánh” chính quyền mà Taliban công bố hồi đầu tháng 9, Trung Quốc đã đáp lại lời kêu gọi viện trợ nhân đạo và cam kết hỗ trợ trị giá 31 triệu USD. Cuối tháng 9, máy bay chở đợt hàng viện trợ đầu tiên của Trung Quốc đã hạ cánh xuống sân bay Kabul.

Trung Quốc cũng đang “để mắt” đến các nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác ở Afghanistan, ước tính có giá trị từ 1.000-3.000 tỷ USD. Ngoài đất hiếm, Afghanistan còn có trữ lượng lớn vàng, bạch kim, bạc, đồng, sắt, cromit, liti, urani và nhôm cũng như đá quý. Taliban dường như sẵn sàng cho phép [Trung Quốc] tiếp cận vào các nguồn tài nguyên này và sử dụng doanh thu để củng cố quyền cai trị của mình.

Tuy nhiên, việc Taliban tiếp quản Afghanistan cũng khiến Trung Quốc lo ngại. Nếu chính quyền Taliban không kiểm soát được Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) hoặc các nhóm bạo lực khác trên lãnh thổ Afghanistan, điều này có thể gây bất ổn cho khu vực Tân Cương. Hơn nữa, một Afghanistan bất ổn có thể chứa chấp các nhóm chiến binh khác có khả năng làm suy yếu hoặc phá hoại các dự án BRI của Trung Quốc trong khu vực. Tình trạng mất an ninh ở Afghanistan cũng sẽ cản trở mọi hoạt động khai thác hoặc các khởi động các dự án kinh tế của Trung Quốc tại đây.

Vì vậy, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp cận các mối quan hệ với chính quyền Taliban một cách thận trọng và sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để quyết định đầu tư vào Afghanistan.

Iran

Iran, quốc gia có đường biên giới dài 921 km với Afghanistan, cũng đã phải hứng chịu hậu quả do những bất ổn ở nước láng giềng trong nhiều thập kỷ qua. Trong những năm 1990, Tehran hậu thuẫn Liên minh phương Bắc gồm các lực lượng chống Taliban và không công nhận quyền cai trị của Taliban ở Kabul.

Lo lắng trước sự hiện diện quân sự rộng lớn của Mỹ trong khu vực sau năm 2001, Iran đã thiết lập quan hệ với Taliban và tìm cách làm suy yếu lợi ích của Mỹ bằng cách ngầm ủng hộ nhóm này.

Nhìn chung, Iran hài lòng với việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, nhưng cũng lo ngại về các diễn biến an ninh và chính trị ở nước láng giềng. Tehran cũng chỉ trích Taliban vì không đưa đại diện các nhóm thiểu số vào nội các mà lực lượng này đã công bố.

Một trong những mối quan tâm chính của Iran ở Afghanistan là bảo vệ cộng đồng người Hazara theo dòng Hồi giáo Shia - cộng đồng đã chịu sự đàn áp nghiêm trọng trong thời kỳ cai trị trước đây của Taliban.

Ngoài các lợi ích chính trị, Iran còn muốn tìm kiếm cơ hội kinh tế ở Afghanistan. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ khiến thương mại toàn cầu của Iran tổn thất nghiêm trọng, nhưng Afghanistan dưới thời Taliban sẽ không né tránh hợp tác kinh tế với lực lượng này để làm hài lòng Mỹ.

Iran sẽ cố gắng duy trì khả năng tiếp cận thị trường Afghanistan, thị trường mà trong những năm gần đây đã tràn ngập hàng hóa của Iran. Năm 2018, Iran đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Afghanistan, với xuất khẩu của nước này [sang Afghanistan] đạt gần 2 tỷ USD. Ngoài ra một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu của Afghanistan đi qua các cảng của Iran.

Hơn hai triệu người Afghanistan tị nạn trên lãnh thổ Iran cũng khiến Tehran “đau đầu”. Với nền kinh tế suy yếu và căng thẳng kinh tế xã hội gia tăng, chính phủ Iran khó có thể tiếp nhận họ hoặc chào đón thêm những người tị nạn mới. Đó là lý do tại sao Iran muốn một Afghanistan ổn định, để những người tị nạn này hồi hương.

Các nước láng giềng của Afghanistan - Pakistan, Trung Quốc và Iran - đều có lợi ích nhất định từ một chính phủ ổn định ở Kabul để có thể đảm bảo các hoạt động kinh tế và an ninh biên giới với Afghanistan. Họ có thể sẽ hợp tác với nhau, cũng như với Nga, để đạt được điều đó. Theo cách này, chính quyền Taliban sẽ chịu ảnh hưởng của một trục chống Mỹ đang nổi lên để tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ và xác định cơ sở hạ tầng an ninh mới của mình trong khu vực./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo Al Jazeera