Đại sứ Nguyễn Phương Nga: 'Đảng và Nhà nước đã có những định hướng rất sát sao để đối ngoại nhân dân phát huy mạnh mẽ vai trò của mình'

Chia sẻ trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) khẳng định công tác đối ngoại nhân dân đang có nhiều điều kiện để triển khai, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện.

 

 

Năm 2021 là năm tiến hành Đại hội XIII của Đảng, tình hình trong nước và quốc tế sẽ có nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Theo bà, công tác đối ngoại nhân dân (ĐNND) của ta có những thuận lợi và khó khăn gì?

Về mặt thuận lợi, có thể nói, công tác ĐNND của Việt Nam đang có nhiều điều kiện để triển khai, đẩy mạnh hoạt động một cách toàn diện.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Đại hội XIII của Đảng
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Tuấn Việt)

Trước hết, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng vai trò của ĐNND, xác định ĐNND là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân và rất quan tâm đến công tác ĐNND.

Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo, định hướng rất sát sao và tạo điều kiện để VUFO có thể phát huy mạnh mẽ vai trò của ĐNND. Đây là động lực rất mạnh mẽ để những người làm công tác ĐNND thêm quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình.

Thứ hai, những thành tựu của đất nước trong phòng chống, kiểm soát Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, hình ảnh, uy tín, vị thế của đất nước là nền tảng vững chắc cho ĐNND.

Thứ ba, bạn bè, đối tác quốc tế yêu mến, cảm phục, đoàn kết và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

Thứ tư, lực lượng làm công tác ĐNND ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, phong phú, đa dạng. Tham gia vào mặt trận này có cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành ở Trung ương, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người dân, thanh niên, học sinh, sinh viên… Nhận thức về công tác ĐNND ở mỗi người dân được nâng lên rõ rệt.

Thứ năm, sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet tạo thuận lợi cho việc cung cấp thông tin và kết nối đối tác.

Về khó khăn và thách thức, đầu tiên là đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Thứ hai, hiện nay ở một số địa bàn, phạm vi quan hệ, mạng lưới đối tác còn hạn chế, mối liên hệ với đối tác chưa thường xuyên.

Thứ ba, một số hội hữu nghị ở trung ương vì lý do khách quan ít hoạt động trong thời gian dài. Khả năng triển khai công tác đối ngoại của một số tổ chức thành viên ở Trung ương và địa phương không đồng đều, còn lúng túng về phương thức hoạt động, chưa mở rộng quan hệ đối tác hoặc khó khăn về kinh phí hoạt động. Việc thực hiện chủ trương trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo các tổ chức thành viên còn hạn chế.

Thứ tư, mô hình tổ chức của VUFO các địa phương chưa thống nhất, có nơi chưa phù hợp. Nhận thức và năng lực chỉ đạo, quản lý công tác ĐNND của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế.

Thứ năm, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn yếu và thiếu. VUFO tuy đã huy động được sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong công tác đối ngoại cho các hoạt động, song chưa phát huy được hết vai trò, năng lực của đội ngũ chuyên gia này, nhất là trong công tác phân tích, nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng chiến lược, chính sách...

Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, lĩnh vực ĐNND đã triển khai các nhiệm vụ và đạt được những kết quả nổi bật nào góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thành công chung của đối ngoại Việt Nam, thưa bà?

Trong 5 năm qua, ĐNND đã cùng với đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại mà Đại hội XII đề ra, đó là: độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi.

Với vai trò là đầu mối trong công tác ĐNND, VUFO và các thành viên đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thành công chung của đối ngoại nước nhà.

Thứ nhất, góp phần tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hòa bình, hợp tác giữa nhân dân các nước: VUFO và các tổ chức thành viên đã chủ động củng cố, phát triển theo chiều sâu quan hệ với nhân dân các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống và mở rộng quan hệ với các đối tác mới, thiết lập và duy trì quan hệ hợp tác với hơn 1000 tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thứ hai, hoạt động của VUFO tại các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn Diễn đàn nhân dân Á – Âu (AEPF), Hội đồng Hòa bình thế giới, Hội Quốc tế ngữ bảo vệ hòa bình, Hội nghị thế giới chống bom A&H, Tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi (AAPSO), tại các cơ chế của Liên hợp quốc và ASEAN (Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc - UN ECOSOC và Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền - AICHR) đã khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng đất nước và củng cố hòa bình...

Vừa qua. VUFO đã phối hợp với các tổ chức nhân dân Việt Nam và trong khu vực tổ chức thành công APF-2020, đóng góp vào thành công của Năm Việt nam làm Chủ tịch ASEAN 2020 và vào việc xây dựng cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

Thứ ba, VUFO đã đảm nhiệm tốt chức năng là đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, đồng thời là cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Hiện nay, có trên 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có hoạt động thường xuyên tại Việt Nam. Giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân 5 năm qua đạt 1,5 tỉ USD tương đương gần 300 triệu đô la Mỹ/năm, các dự án phi chính phủ được triển khai ở tất cả 63 tỉnh/thành trong cả nước, thiết thực góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thứ tư, công tác nghiên cứu, tham mưu, thông tin đối ngoại và người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm thúc đẩy. Nhiều hội thảo đã được VUFO và Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam tổ chức để cung cấp, chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến phục vụ cho công tác nghiên cứu lý luận, hoạch định chính sách và hoạt động đối ngoại nhân dân. VUFO tích cực phối hợp với các tổ chức, cá nhân NVNONN trong các hoạt động giao lưu hữu nghị, hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ năm, hệ thống tổ chức của VUFO phát triển mạnh mẽ với 116 tổ chức thành viên, trong đó 64 tổ chức thành viên ở trung ương và 52 ở địa phương với hàng trăm chi hội thành viên. Đội ngũ cán bộ đối ngoại nhân dân của VUFO ngày càng trưởng thành.

Bà đánh giá thế nào về nội dung công tác đối ngoại nói chung, ĐNND nói riêng thời gian tới, được đề cập trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng?

Trong bản dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bên cạnh những nội dung quan trọng mang tính nguyên tắc được kế thừa từ văn kiện Đại hội Đảng XII, dự thảo đã bổ sung những nội hàm quan trọng, thể hiện sự phát triển tư duy đối ngoại mới, sáng tạo, thích ứng với những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn phát triển của đất nước.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga: Đại hội XIII của Đảng
Lãnh đạo VUFO trao bằng khen cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài năm 2020. (Ảnh: Tuấn Việt)

Nội dung “Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi” được thể hiện trong văn kiện là rất quan trọng, mang tính nguyên tắc. Việc xác định vai trò “tiên phong” của của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định như trong dự thảo văn kiện là một nhận định mới, thể hiện đúng vai trò, vị trí nhiệm vụ quan trọng của các hoạt động đối ngoại.

VUFO cùng các cơ quan đã tiến hành đóng góp ý kiến rất tích cực, trách nhiệm vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII. Chúng tôi cũng rất vui mừng nhận thấy, nhiều ý kiến đóng góp đã được tiếp thu trong đó có định hướng quan trọng về hoạt động đối ngoại song phương và đa phương và chủ động, tích cực hội nhập toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia.

Đặc biệt, dự thảo đã tiếp thu, bổ sung nội dung quan trọng về đối ngoại Đảng và ĐNND, nhấn mạnh “Xây dựng nền ngoại giao hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân” bảo đảm tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam, thể hiện được vai trò, nhiệm vụ của các lực lượng đối ngoại.

An Lê

(ghi)

Nguồn: TGVN

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link