Hàng chục du khách Tây vác cát, đắp đê cùng người Hội An giữ bờ biển

 Những ngày qua ở dọc bờ biển Hội An có một hình ảnh khá lạ lẫm: hàng chục người nước ngoài xông xáo cùng người dân xúc cát, đóng bao, đẩy xe rùa đắp đê bao ngăn sóng từ sáng đến tối

Hàng chục du khách Tây vác cát, đắp đê cùng người Hội An giữ bờ biển - Ảnh 1.

           Ông Dunncan (quốc tịch Anh) cùng người dân chất bao cát, dựng đê hãm sóng - Ảnh: B.D

Những ngày cuối tháng10, đường Nguyễn Phan Vinh chạy dọc bờ biển ở phường Cẩm An - con đường sang trọng, sat sát các villa, resort hạng sang ngổn ngang như chiến địa.

Nhiều người quần áo lấm lem, mặt mày đen nhẻm hối hả chạy đua từng phút chất cao tuyến đê bao trước khi bão số 8 ập tới.

"Thay vì ngồi cà phê, chúng tôi ra đây cứu biển"

"Nhanh nào! Khẩn trương lên nào các chàng trai" - ông Joe (quốc tịch Mỹ) vừa hô vừa đẩy chiếc xe rùa ghé vào đống bao tải đựng cát đã được buộc sẵn. Trong quán bar gần đó, những bài hát sôi động được phát để làm rộn ràng thêm bầu không khí.

"Chúng tôi đến đây cùng nắm tay người Hội An giữ biển, Hội An là một thành phố quá đặc biệt nên sẽ giảm đi hấp dẫn rất nhiều nếu bờ biển bị hư hại do biến đổi khí hậu" - ông Joe nói.

Hàng chục du khách Tây vác cát, đắp đê cùng người Hội An giữ bờ biển - Ảnh 2.

Bà Christ In (quốc tịch Mỹ) đóng cát vào túi nhỏ để những người khác vác ra đắp đê chắn sóng - Ảnh: B.D

Làm cùng ông Joe từ tờ mờ sáng tới xế chiều tại bờ biển Cửa Đại còn có vợ ông - bà Christ In (46 tuổi). Ông Joe cùng bà Christ là giáo viên thể hình tại Mỹ. Họ qua Việt Nam đi du lịch từ đầu năm và hiện thuê một căn phòng nhỏ để nán lại Hội An.

Hai vợ chồng cho biết rất hay ra biển An Bàng tắm, uống bia nên thấy sóng lớn đánh vào làm tan nát bờ biển, cả hai đã rất lo lắng.

"Khi biết chính quyền kêu gọi mọi người ra đắp đê ngăn sóng, chúng tôi ra tham gia ngay" - bà Christ nói.

Hàng chục du khách Tây vác cát, đắp đê cùng người Hội An giữ bờ biển - Ảnh 3.

Ông Khoa Trần - giám đốc Công ty du lịch Jack Trần Tours Hội An (bên trái) cùng một vị khách nước ngoài chất cát lên xe đẩy để cứu biển Hội An - Ảnh: B.D

Ông Perter (quốc tịch Úc) cũng nói rất vui khi được làm cùng người dân địa phương.

"Nếu không ra đây làm, chúng tôi cũng đi loanh quanh đâu đó tham quan, uống cà phê. Nhưng có lẽ việc đó sẽ không vui và không ý nghĩa bằng việc làm đê ngăn sóng ở bờ biển như thế này" - ông Perter nói.

Những ngày qua, hàng ngàn lượt chiến sĩ, thanh niên tình nguyện, xung kích, nhân dân... đã đổ mồ hôi để giữ từng mét đất bờ biển. Đặc biệt nhiều nước ngoài cũng tham gia. Chúng ta có thể khác màu da, khác nơi sinh sống nhưng sự chia sẻ thì luôn đầy ắp

Ông NGUYỄN VĂN LANH - phó chủ tịch UBND TP Hội An

Cộng đồng đặc biệt của Hội An

Thống kê từ chính quyền cho thấy hiện có khoảng 1.200 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Hội An, trong số này có khoảng 300 hộ gia đình đã chọn phố cổ làm nơi sinh sống lâu dài.

Hàng chục du khách Tây vác cát, đắp đê cùng người Hội An giữ bờ biển - Ảnh 5.

         Để giữ bờ biển, những vị khách nước ngoài chẳng nề hà đẩy xe cát, làm những công việc nặng nhọc mà ít khi họ động tay chân - Ảnh: B.D

Bà Alwy (46 tuổi, quốc tịch Úc) cho biết bà sống ở Hà Nội 8 năm. Khi xảy ra đại dịch COVID-19, bà quyết định gói gém về Hội An. Hàng ngày bà mở tài khoản trên mạng để dạy online về cách pha chế rượu.

Tối 19-10, khi hàng trăm người nước ngoài ở Hội An lên mạng kêu gọi nhau ra bờ biển An Bàng vác cát giúp chính quyền và người dân đắp đê bao, bà chẳng ngần ngại tham gia ngay.

Hàng chục du khách Tây vác cát, đắp đê cùng người Hội An giữ bờ biển - Ảnh 6.

 Nhóm khách du lịch người nước ngoài đắp đê bao phía sau biển Hội An ở phường Cẩm An - Ảnh: B.D

Nhiều ngày qua, người phụ nữ Úc này lăn lộn suốt ngày với mớ bao tải cát, những chuyến xe rùa để đắp vệt đê nằm dọc biển An Bàng y hệt một người lao động.

"Tôi làm cùng mọi người ở đây chính là đóng góp một phần để giữ biển, giữ cho phố cổ Hội An tuyệt vời mà cả thế giới đang mê mẩn" - bà Alwy nói.

Hàng chục du khách Tây vác cát, đắp đê cùng người Hội An giữ bờ biển - Ảnh 7.

 Dải đê bao có sự góp sức của người dân Hội An lẫn người nước ngoài đã được thành hình nhiều ngày qua - Ảnh: B.D

Cùng hai người bạn đứng dưới bãi cát, mặt ông Duncan (quốc tịch Anh) đã đen nhẻm lọ than sau nhiều giờ cùng nhóm tình nguyện viên đưa bao cát nhỏ thả vào túi lớn (loại túi được dùng để đựng than đá).

"Mọi người làm việc hăng say, dù tay chân sưng tấy, nổi bóng nước nhưng chúng tôi tin rằng mình đang góp sức để giữ cho môi trường, giữ biển cho tất cả mọi người. Làm mệt nên tối về… ăn ngủ rất ngon".

Theo Tuổi trẻ

Nguồn:vpdf.org.vn Copy link