Ngoại giao khí hậu - khi Mỹ và Trung Quốc cùng 'so găng'

Tờ Financial Times (Anh) mới đây đăng bài viết của nhà báo Christian Shepherd và Leslie Hook về ngoại giao khí hậu như một mặt trận cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Các quan chức Trung Quốc đang thúc đẩy các cuộc thảo luận với châu Âu về mục tiêu trung hòa carbon trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp tới.

Nỗ lực thúc đẩy của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh các cam kết về biến đổi khí hậu của mình tại cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Pháp và Đức vào ngày 16/4.

Động thái này nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh khi cạnh tranh với Washington để được coi là nhà lãnh đạo thế giới trong các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng, cam kết của ông vào năm ngoái về mục tiêu Trung Quốc đưa mức phát thải carbon về 0 vào năm 2060 có nghĩa là Trung Quốc “sẽ sử dụng thời gian ngắn nhất trong lịch sử thế giới” để chuyển đổi từ nước phát thải carbon nhiều nhất thành nước trung hòa carbon.

Theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, biến đổi khí hậu không nên trở thành “con bài thương lượng địa chính trị, mục tiêu tấn công các nước khác hoặc là cái cớ cho các rào cản thương mại”.

Trong tuyên bố từ Văn phòng của bà Merkel cho biết, ba nhà lãnh đạo đã thảo luận về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp “hoan nghênh việc Chủ tịch Tập Cận Bình đã tái khẳng định mục tiêu trung hòa CO2 của Trung Quốc vào năm 2060”.

Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ chấp thuận một thỏa thuận năm 2016 nhằm loại bỏ dần hydrofluorocarbon, một loại chất làm mát hóa học được sử dụng trong tủ lạnh và máy điều hòa không khí và cũng là chất gây hiệu ứng nhà kính.

Các quan chức Trung Quốc đã thúc đẩy cuộc thảo luận với châu Âu như một “hội nghị thượng đỉnh về khí hậu” mặc dù các đối tác châu Âu cho rằng đây là một phần của đối thoại ngoại giao thông thường mà thôi.

Sự trở lại của Mỹ

Cuộc điện đàm ba bên này diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu mang tính bước ngoặt của Mỹ vào ngày 22/4 tới.

Tại sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến này, Tổng thống Biden được cho là sẽ giới thiệu các chính sách khí hậu và công bố mục tiêu khí hậu mới.

Mỹ dự kiến sẽ đặt mục tiêu giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 2005, và kêu gọi các quốc gia khác thực hiện động thái tương tự.

Washington đã mời hơn 40 nhà lãnh đạo, bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng vấp phải sự phản đối từ một số khu vực, gồm cả ở Ấn Độ.

Chuyến thăm của đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ, cựu Ngoại trưởng John Kerry đến Ấn Độ đã không đạt được kết quả tốt vào đầu tháng này. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng không đề cập hội nghị thượng đỉnh tới đây.

Đặc phái viên John Kerry đã đến Thượng Hải hôm 14/4 và có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, Bộ trưởng Môi trường Giải Chấn Hoa. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tới Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc ít chú ý đến chuyến thăm kéo dài ba ngày này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã mô tả Mỹ là một “học sinh trốn học trở lại trường học” chứ không phải là một “vị vua trở lại” trong các cuộc đàm phán về khí hậu, với lý do cựu Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Khi còn đang trong giai đoạn vận động tranh cử Tổng thống, Tổng thống Biden từng cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, do khí thải nhà kính là vấn đề toàn cầu nên ông sẽ không thể thực hiện cam kết của mình nếu không có sự hợp tác quốc tế.

Những "cuộc chơi"

Ông Li Shuo, một nhà vận động của Greenpeace khu vực Đông Á có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết việc Bắc Kinh tập trung vào cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo châu Âu có thể nhằm gửi đi một tín hiệu rằng “hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của ông Biden không phải là cuộc chơi duy nhất”.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tìm cách đóng vai trò tích cực hơn trong các cuộc thảo luận quốc tế về khí hậu.

Các nhà phân tích đánh giá sự thay đổi này là một phần nỗ lực tránh nhượng lại “miếng bánh” cho Washington. Nhất là khi hiện nay Bắc Kinh đã vướng vào tranh chấp trừng phạt gay gắt với Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Canada liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Trong khi Đặc phái viên John Kerry đã đi khắp thế giới để vận động ủng hộ cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Mỹ, Trung Quốc dự kiến sẽ không đóng góp bất kỳ chính sách lớn nào tại sự kiện này.

Bà Jennifer Tollman, cố vấn chính sách cấp cao tại E3G, một tổ chức tư vấn về khí hậu độc lập của châu Âu, cho biết Trung Quốc dường như không phản ứng lại với sức ép từ Mỹ.

Chuyên gia này nhận xét rằng điều đáng chú ý là sự khác biệt trong cách tiếp cận của hai bên và thế giới đang chứng kiến một cuộc chạy đua đến đỉnh cao xem ai là người dẫn đầu về khí hậu, theo đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi khí hậu là một vấn đề địa chính trị.

 

Hồng Phúc

Theo Baoquocte.vn
Nguồn:vpdf.org.vn Copy link