Ngoại trưởng Mỹ, Trung điện đàm với quan chức Ukraine cùng một ngày

Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương điện đàm với người đồng cấp Ukraine trong cùng một ngày để thảo luận về tương lai chiến sự.

 

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương hôm 16/3 điện đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba, cho biết Bắc Kinh lo ngại cuộc xung đột ở Ukraine "kéo dài, leo thang cũng như có thể vượt tầm kiểm soát".

"Hy vọng Ukraine và Nga sẽ để ngỏ cánh cửa đối thoại, đàm phán và không khép cánh cửa đối với giải pháp chính trị, dù điều đó có thể khó khăn và thách thức tới nhường nào. Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy ngừng bắn, xoa dịu khủng hoảng và lập lại hòa bình", ông Tần Cương nói với ông Kuleba.

Ngoại trưởng Ukraine cảm ơn hỗ trợ nhân đạo của Trung Quốc, đồng thời thông báo về diễn biến trên chiến trường cùng triển vọng đàm phán hòa bình. Ông Kuleba bày tỏ hy vọng duy trì liên lạc với Trung Quốc và nhận xét kế hoạch hòa bình Ukraine gồm 12 điểm của nước này đã phản ánh sự chân thành của Bắc Kinh, theo nội dung do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại New York, Mỹ, hôm 23/2. Ảnh: Reuters.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại New York, Mỹ, hôm 23/2. Ảnh: Reuters.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cùng ngày cũng thông báo về cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Antony Blinken và ông Kuleba, cho biết hai nhà ngoại giao đã thảo luận về tình hình chiến sự cũng như sự ủng hộ kiên định Washington dành cho Kiev.

Ngoại trưởng Ukraine sau đó đăng Twitter xác nhận cuộc điện đàm với hai người đồng cấp Mỹ và Trung Quốc. Ông cho biết đã thảo luận với Ngoại trưởng Tần Cương về tầm quan trọng của nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ. Kuleba khẳng định Kiev sẽ tiếp tục làm việc với Washington cùng các đồng minh khác để đảm bảo Ukraine nhận đủ số đạn dược cần thiết. Trong cả hai cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Ukraine đều đề cập tới công thức hòa bình do Tổng thống Zelensky đề xuất.

Theo kế hoạch này, quân đội Nga phải rút khỏi lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, đồng nghĩa Moskva phải từ bỏ cả 4 tỉnh đã tuyên bố sáp nhập hồi năm ngoái cùng Crimea, bán đảo Nga sáp nhập hồi năm 2014. Nga đã bác bỏ, nói rằng những đề xuất này phải bao gồm "tình hình thực tế".

Ngay từ khi nổ ra chiến sự ở Ukraine, Mỹ đã dẫn dắt các đồng minh đứng về phía Kiev và áp loạt lệnh trừng phạt với Moskva. Mỹ khẳng định vấn đề hòa bình Ukraine hoàn toàn do Kiev quyết định và cam kết sẽ hỗ trợ lâu dài.

Trung Quốc trong khi đó kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình và từ chối trừng phạt Nga, bất chấp sức ép của phương Tây. Bắc Kinh gần đây công bố kế hoạch 12 điểm về hòa bình Ukraine, được Nga, Belarus ủng hộ, song các nước phương Tây cho rằng kế hoạch này phản ánh chưa đầy đủ cuộc chiến.

Theo vnexpress.net