Quan hệ Anh và Pháp khó “tan băng”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa có cuộc gặp song phương ngắn bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại lâu đài Elmau thuộc bang Bayern, miền Nam nước Đức mới đây.

Cuộc gặp diễn ra sau 9 tháng bất đồng liên quan đến “cuộc khủng hoảng tàu ngầm” giữa Pháp và Australia.

Tổng thống Macron và Thủ tướng Johnson tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này với một tâm thế không thoải mái khi cả hai đang phải đối mặt với những tình hình chính trị phức tạp trong nước. Liên minh của Tổng thống Macron vừa mất thế đa số tuyệt đối cho phép tự mình quyết định các chính sách quan trọng tại Quốc hội.

Trong khi đó, uy tín của Thủ tướng Johnson cũng bị suy yếu do một loạt bê bối, trong đó bao gồm cả vụ bê bối tiệc tùng “Partygate” mà ông tổ chức tại phòng làm việc và nhà riêng vào thời điểm nước Anh áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.

Quan hệ Anh và Pháp khó “tan băng”
   Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp ngày 26-6. Ảnh: AFP 

Gác lại việc riêng, hai nhà lãnh đạo Anh-Pháp đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 với mong muốn tìm kiếm cơ hội giải tỏa bất đồng song phương bấy lâu nay. Theo AFP, tháng 9-2021, Australia bất ngờ hủy “hợp đồng thế kỷ” trị giá 56 tỷ USD mua 12 tàu ngầm chạy diesel-điện của Pháp để theo đuổi chương trình tàu ngầm năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh.

Ngay sau đó, Mỹ, Anh và Australia ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên (gọi tắt là AUKUS). Tổng thống Macron gọi đây là “sự phản bội” làm rung chuyển không chỉ quan hệ đồng minh Pháp-Australia mà cả tổng thể quan hệ giữa Pháp với Mỹ và Anh.

Căng thẳng giữa Paris và London tiếp tục leo thang vào cuối năm 2021, sau khi Anh không cấp phép cho một số tàu, thuyền nhỏ của Pháp đánh cá trong vùng biển của Anh như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU). Chưa hết, quan hệ ngoại giao giữa Anh và EU đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua sau những bất đồng liên quan tới vấn đề Bắc Ireland thời kỳ hậu Brexit.

Ngay cả trong vấn đề Ukraine hiện nay, cả ông Macron và ông Johnson cũng có những quan điểm khác biệt. Nhà lãnh đạo Anh luôn kêu gọi các nước hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ông Johnson cũng từ chối bất kỳ cuộc đối thoại nào với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ cuối tháng 2-2022. Trong khi đó, Pháp là một trong những quốc gia phương Tây tích cực vận động cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine qua con đường đàm phán ngoại giao.

Trong cuộc gặp ngày 26-6, tuy không đề cập hết những vấn đề song phương nhưng ông Johnson và ông Macron đồng ý rằng đây là thời điểm quan trọng đối với tình hình xung đột ở Ukraine và có cơ hội để đảo ngược cuộc chiến này. Tuy nhiên, ông Johnson cũng cảnh báo ông Macron rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết xung đột lúc này sẽ chỉ gây ra bất ổn lâu dài”.

Về phần mình, Tổng thống Macron bày tỏ hy vọng sẽ nhận được tín hiệu tích cực từ phía nhà lãnh đạo Anh đối với dự án Cộng đồng chính trị châu Âu do Pháp đề xướng. Dự kiến, cuộc họp đầu tiên của Cộng đồng chính trị châu Âu cấp nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2022.

Ông Macron khẳng định, ủng hộ dự án trên sẽ mang lại lợi ích to lớn cho Anh khi nước này “tái hợp tác” với EU thời kỳ hậu Brexit. Tuy nhiên, phản ứng về đề xuất trên, nguồn tin từ Phủ Thủ tướng Anh ngày 27-6 nhấn mạnh, Thủ tướng Johnson tin rằng các cam kết giữa Anh với các nước trên thế giới, đặc biệt là với châu Âu, phải dựa trên các mối quan hệ chứ không phải các tổ chức và thể chế.

“Nếu một tổ chức mới phục vụ mục đích của Anh để tham gia các cuộc đàm phán, điều đó rất tốt. Nhưng nếu đó là nỗ lực để kiềm chế Anh trong một tổ chức có nhiệm vụ tập hợp EU và Anh lại với nhau và thay thế các thể chế trước đây thì đó không phải là ý kiến hay”, nguồn tin này nói thêm.

Theo nhận định của các nhà phân tích, cuộc gặp giữa Thủ tướng Johnson và Tổng thống Macron ngày 26-6 chỉ là động thái thăm dò chứ chưa thể giải quyết bất đồng giữa hai nước. Với quan điểm cứng rắn của Anh trong nhiều vấn đề, xem ra, quan hệ giữa hai quốc gia bên bờ biển Manche khó “tan băng” trong một sớm một chiều.

YÊN BÌNH/Theo QĐND