Sự thiếu hụt vaccine Covid-19 và hành động của các nước giàu

Một năm trước, rất nhiều quốc gia đã cam kết với COVAX - cơ chế được thiết lập để cung cấp vaccine Covid-19 một cách công bằng đến mọi ngõ ngách trên hành tinh. Giờ đây, cơ chế này đang đứng trước nguy cơ không đạt mục tiêu đề ra.

 

Các nữ tu sĩ và cư dân Cơ đốc giáo đang chờ tiêm vaccine Covid-19 tại Nhà thờ Saint Mary ở Secunderabad, Ấn Độ, vào tháng trước. (Nguồn: AFP)
Các nữ tu sĩ và người Cơ đốc giáo đang chờ tiêm vaccine Covid-19 tại Nhà thờ Saint Mary ở Secunderabad, Ấn Độ, vào tháng trước. (Nguồn: AFP)

Tăng tốc cũng không đủ

Trước tình hình dự báo nguồn cung cho COVAX sẽ bị cắt giảm 25% trong năm, các đối tác của cơ chế này đang kêu gọi các quốc gia đã có đủ vaccine nhượng lại số vaccine dư thừa, đồng thời mong muốn các nhà sản xuất vaccine minh bạch hơn trong việc phân bổ nguồn cung.

Mục đích là đảm bảo các nước đang phát triển không bị thiệt thòi trong tiếp cận vaccine.

Các tổ chức đứng sau COVAX, trong đó có cả liên minh vaccine Gavi, đã chỉ ra một loạt thách thức, bao gồm các lệnh cấm xuất khẩu và các rào cản mà một số công ty đã gặp phải trong việc mở rộng quy mô sản xuất vaccine.

Các tổ chức này ngày 8/9 cho biết, COVAX dự kiến ​​sẽ có khoảng 1,4 tỷ liều vaccine vào cuối năm nay, con số này giảm so với dự báo hồi tháng 6 là khoảng 1,9 tỷ.

Mặc dù những người ủng hộ COVAX hy vọng chương trình sẽ tăng tốc trong những tháng tới, nhưng các chuyên gia y tế sức khỏe lo ngại rằng, việc tăng tốc đó cũng không đủ.

Trong một cuộc họp báo, ông Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết, hiện có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do Covid-19 mỗi ngày.

Theo ông Fatima Hassan, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến ​​Công lý y tế, một tổ chức phi lợi nhuận ở Cape Town (Nam Phi), “trong đại dịch, một vài tháng là một khoảng thời gian rất dài”.

Chiến dịch tiêm chủng cho thấy thế giới đã gặp phải vấn đề sau khi các quốc gia giàu có cũng phải chạy đua trong việc bảo vệ dân số của chính họ.

Theo Gavi và các đối tác, hiện chỉ có 1/5 dân số (tức 20%) ở các nước thu nhập thấp được tiêm mũi vaccine đầu tiên, so với tỷ lệ 80% ở các nước có thu nhập cao hơn.

Khoảng cách chênh lệch rõ ràng đó đã gây áp lực buộc các chính phủ nước giàu phải tăng tốc hơn trong việc hỗ trợ các nước nghèo hơn.

Nhưng cho đến nay, họ mới chỉ bàn giao một lượng nhỏ số vật tư mà đã cam kết, trong khi vẫn đang thúc đẩy các kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân trong nước để chống lại biến thể Delta.

Theo phân tích của Công ty Airfinity Ltd. đầu tháng 9, nhóm G7 và Liên minh châu Âu chỉ mới chuyển giao chưa đầy 15% trong tổng số 1 tỷ liều vaccine Covid-19 mà họ đã cam kết cung cấp.

Nhà khoa học hàng đầu của WHO bày tỏ lo ngại rằng một số quốc gia đề cập việc tiêm mũi tăng cường mặc dù có bằng chứng (dù chưa đầy đủ) cho thấy vaccine cũng không chống lại được việc nhiễm bệnh nặng. Và ở nhiều quốc gia, ngay cả nhân viên y tế cũng không được bảo vệ đầy đủ (dù đã tiêm vaccine).

Các nhân viên Bộ Y tế Palestine dỡ các thùng đựng vaccine Covid-19 do UNICEF cung cấp thông qua chương trình COVAX ở khu Bờ Tây. (Nguồn: AFP)
Các nhân viên Bộ Y tế Palestine dỡ các thùng đựng vaccine Covid-19 do UNICEF cung cấp thông qua chương trình COVAX ở khu Bờ Tây. (Nguồn: AFP)

Số các ca tử vong vẫn tiếp tục diễn ra “không phải là điều mà chúng ta nên chứng kiến trong 20 tháng sau khi xảy ra đại dịch, đặc biệt là khi chúng ta đã có tất cả những công cụ chống dịch cần thiết, được phát triển trong thời gian kỷ lục,” nhà khoa học Swaminathan nói.

Tổng giám đốc của WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 8/9 đã kêu gọi tạm hoãn việc tiêm mũi tăng cường cho đến ít nhất là cuối năm, đồng thời nói thêm rằng việc các nhà sản xuất ưu tiên giao dịch với các quốc gia giàu hơn đã khiến các quốc gia thu nhập thấp “thiếu thốn các công cụ để bảo vệ cho người dân”.

Không thể chậm trễ thêm

Các số liệu mới nhất cho thấy COVAX đã cung cấp khoảng 243 triệu liều vaccine cho 139 quốc gia.

Mục tiêu ban đầu của COVAX là có được 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, hiện cơ chế này cho biết phải đến quý đầu tiên năm 2022 mới đạt được mốc đó.

Theo Seth Berkley, Giám đốc điều hành của Gavi, COVAX đã có các thỏa thuận ràng buộc với các nhà sản xuất với khoảng hơn 4 tỷ liều vaccine, tuy nhiên cơ chế này cũng đối mặt với sự chậm trễ trong việc tiếp cận chúng.

Ông này cho biết: "Nếu không có sự rõ ràng hơn về các đơn đặt hàng vaccine, thì không thể biết tình trạng chậm trễ là thách thức đến từ các nhà sản xuất, hay là do các ưu tiên riêng của các quốc gia".

Thực tế đã có sự chậm trễ trong các chuyến hàng từ nhà sản xuất chính là Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Lý do là đầu năm nay, Ấn Độ đã phải tạm dừng xuất khẩu để giải quyết một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng tại quê nhà.

COVAX cũng chỉ ra những thách thức tại các cơ sở sản xuất đã ảnh hưởng đến việc cung cấp vaccine của Johnson & Johnson và AstraZeneca PLC.

Ông Berkley cho biết: “Đây tất nhiên là tin xấu cho toàn thế giới, vì chúng ta đã chứng kiến những hậu quả đáng sợ xảy ra khi virus lan rộng qua các khu vực một cách không kiểm soát. Chúng ta không thể để xảy ra sự chậm trễ hơn nữa".

Hồi đầu tuần này, lời kêu gọi chính phủ các nước giàu chia sẻ vaccine lại được nhắc lại.

Công ty Airfinity cho biết, các nước G-7 có đủ nguồn cung vaccine để đáp ứng nhu cầu của chính họ và có thể tăng lượng vaccine dự trữ dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Theo tính toán của công ty này, sản lượng vaccine toàn cầu hiện đang tăng ổn định và có thể vượt mốc 12 tỷ liều vào cuối năm 2021, bao gồm lượng vaccine của Trung Quốc. Các nước giàu có thể sẽ dư thừa khoảng 1,2 tỷ liều vào cuối năm nay.

Ông Thomas Cueni, Tổng giám đốc của Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế, phát biểu trong một cuộc họp báo: “Tôi tin rằng, nếu có ý chí chính trị, sự lãnh đạo toàn cầu, chúng ta sẽ có thể đạt được việc tiếp cận công bằng vaccine đầy đủ vào giữa năm tới",

MAI ANH

Nguồn: TGVN