Thế giới hôm nay: 13/09/2021

Một số tin tức đáng chú ý trên thế giới ngày 13/9/2021 trên tờ the Economist

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giữa lúc Mỹ kỷ niệm 20 năm ngày 11/9, Cục Điều tra Liên bang FBI đã giải mật các tài liệu mô tả chi tiết mối liên hệ giữa một số công dân Ả Rập Saudi ở Mỹ và không tặc, trong đó phần lớn cũng là công dân Ả Rập. Văn bản chi chít vết chỉnh sửa này không cho thấy có liên hệ nào giữa các cuộc tấn công và chính phủ Ả Rập Saudi; trước đó vào đầu tuần chính phủ nước này đã hoan nghênh việc giải mật các báo cáo, và nói những cáo buộc Ả Rập Saudi có liên quan là “sai sự thật và ác ý”.

Taliban tuyên bố phụ nữ có thể tiếp tục học đại học, nhưng lớp học phải tách biệt nam nữ và có quy định về trang phục. Lần gần nhất nhóm này nắm quyền ở Afghanistan, từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ đã bị cấm đi học. Trong tuần qua Taliban đã cấm các môn thể thao phụ nữ và đàn áp dữ dội các cuộc biểu tình về quyền giới tính.

Các quan chức y tế Israel cho biết nước này, vốn đi đầu trong cuộc đua tiêm chủng covid-19 toàn cầu, đang lên kế hoạch đề phòng tình huống phải tiêm liều thứ tư. Nước này rất được quan tâm vì mọi người muốn biết diễn tiến của đại dịch khi có tiêm chủng tốt. Và họ đã bắt đầu tiêm liều ba từ tháng trước sau khi số ca nhiễm mới tăng đột biến.

Thượng nghị sĩ Dân chủ ôn hòa Joe Manchin nói ông sẽ không ủng hộ gói ngân sách 3,5 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden và khuyến khích các thành viên cùng đảng trì hoãn kế hoạch. Ông Manchin cho rằng từ 1 nghìn tỷ đến 1,5 nghìn tỷ sẽ thích hợp hơn. Vì Thượng viện chia phiếu đều giữa hai đảng, đảng Dân chủ sẽ làm mọi thứ để giữ lá phiếu của ông.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã kêu gọi trừng phạt Iran, nhằm gây áp lực trước khi nối lại đàm phán khôi phục thỏa thuận kiểm soát chương trình hạt nhân Iran. Đàm phán bị đình chỉ từ tháng 6 vì tổng thống mới của Iran, Ebrahim Raisi, bận xây dựng chính quyền mới. Trong khi đó Iran đồng ý cho phép cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc bảo dưỡng thiết bị giám sát các địa điểm hạt nhân.

Anne Hidalgo, thị trưởng đảng Xã hội của Paris, đã tuyên bố chạy đua tổng thống Pháp vào năm 2022. Dù  giành được đề cử của đảng, bà cũng sẽ còn nhiều thách thức phía trước. Thăm dò hiện cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron, người vẫn chưa xác nhận tranh cử, và bà Marine Le Pen phía cực hữu, người vừa tuyên bố hôm nay, sẽ dễ dàng vượt qua vòng đầu và tiến vào vòng hai.

TIÊU ĐIỂM

Nhật Bản tiếp tục giãn cách

Tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và phần lớn Nhật Bản đáng lẽ sẽ kết thúc hôm nay. Song chính phủ đã gia hạn nó đến 30 tháng 9. Dù số ca nhiễm mới theo ngày có giảm hơn một nửa kể từ tháng 8, chúng vẫn tăng. Các nhà hàng được khuyến khích đóng cửa sớm và ngừng bán rượu. Tụ tập đông người và đi lại giữa các tỉnh tiếp tục bị cấm cho đến tháng 11, đợi khi tỉ lệ tiêm chủng tăng lên. Hiện mới có một nửa dân số được tiêm đầy đủ.

Thời hạn của các hạn chế, vốn ảnh hưởng đến 4/5 người Nhật, rất có ý nghĩa chính trị. Trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ bản thân giảm mạnh, Thủ tướng Suga Yoshihide đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử vị trí lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do. Người thay thế ông sẽ được chọn vào tháng này, và sẽ dẫn dắt đảng vào cuộc bầu cử hạ viện tháng 11 tới. Đảng đang hy vọng có thể sớm nới lỏng các hạn chế để cử tri quên đi những khó khăn của mùa hè.

Khủng hoảng nhân đạo Afghanistan

Chiến tranh đã qua đi nhưng cuộc khủng hoảng nhân đạo Afghanistan vẫn ngày càng tồi tệ. Nước này đang phải đối mặt cả khủng hoảng kinh tế, covid-19 và hạn hán. Hệ thống ngân hàng bị tê liệt và dự trữ ngoại hối bị đóng băng. Viện trợ, vốn chi cho khoảng 3/4 ngân sách chính phủ, cũng không còn nữa. Hệ thống y tế đang trên bờ vực sụp đổ, trong khi chỉ vài tuần nữa là có tuyết mùa đông.

Các đánh giá bi quan nhất dự đoán 97% dân số có thể xuống dưới mức nghèo khổ của Liên Hợp Quốc vào năm tới. Thực phẩm, thuốc men, nước sạch và vệ sinh đều thiếu thốn. Hôm nay Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres sẽ triệu tập một hội nghị để xin cam kết viện trợ, với mục tiêu huy động hơn 600 triệu đô la tài trợ khẩn cấp cho 11 triệu người. Song nhiều nước miễn cưỡng viện trợ cho đến khi thấy cách Taliban cai trị.

Mỹ vừa muốn xanh hóa vừa chối bỏ điện hạt nhân

Các nhà lập pháp ở Illinois, bang khai thác than lớn thứ tư nước Mỹ, đặt mục tiêu phi carbon hóa mạng lưới điện cho tới năm 2050. Mục tiêu này vô tình giúp tăng vị thế đàm phán của Exelon, một công ty năng lượng từng đe dọa đóng cửa hai cơ sở điện hạt nhân “không kinh tế” — một vào hôm nay và một vào tháng 11 — trừ khi được cứu trợ. Hai nhà máy này cung cấp tới 30% năng lượng phi carbon của bang. Do đó với mong muốn hiện thực hóa tham vọng xanh, các nhà lập pháp khó có thể để chúng đóng cửa. Họ có thể sẽ chi 694 triệu đô la trợ cấp.

Những vụ cứu trợ như Exelon không hề hiếm, nhưng Mỹ đã qua thời năng lượng hạt nhân. Dù hạt nhân tốt cho môi trường, các nhà đầu tư lại thích khí tự nhiên rẻ và dồi dào hơn. Ở Mỹ chỉ có một lò phản ứng đi vào hoạt động trong vòng 25 năm qua; với 21 lò khác đang được ngừng hoạt động. Tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân được dự báo sẽ giảm từ 20% hiện nay xuống còn 12% vào năm 2050. Có vẻ như Mỹ sẽ phải đi tìm nguồn năng lượng khác để thực hiện mục tiêu không carbon của mình.

Na Uy tổ chức bầu cử quốc hội

Erna Solberg đã giữ chức thủ tướng Na Uy tám năm, một kỷ lục đối với một lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Nhưng trừ khi các cuộc thăm dò có sai sót nghiêm trọng, cuộc bầu cử quốc hội hôm nay sẽ trao chức vụ của bà cho Jonas Gahr Store của đảng Lao động.

Chiến dịch tranh cử lần này tập trung vào chủ đề biến đổi khí hậu. Người Na Uy muốn các chính trị gia dung hòa giữa các cam kết về môi trường với các mỏ dầu và khí đốt rộng lớn ở Biển Bắc vốn mang lại cho nước này một quỹ đầu tư quốc gia 1,4 nghìn tỷ đô la và tài trợ cho nhà nước phúc lợi. Cả Đảng Bảo thủ và Lao động đều không muốn nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Đảng Trung tâm có cơ sở chính là vùng nông thôn, đảng lớn nhất có khả năng tham gia liên minh do Lao động lãnh đạo, cũng cảm thấy như vậy. Nhưng các đảng Cánh tả Xã hội và Xanh nhỏ hơn lại không đồng ý. Đảng Lao động có thể cần họ – hoặc thậm chí cả đảng Đỏ cực tả – để đạt được thế đa số. Nếu đảng Xanh giành được ít nhất 4% phiếu, mức ngưỡng để vào quốc hội, thì chính phủ của ông Store có thể sẽ cả xanh lẫn đỏ hơn so với ý định của ông.