Thế giới hôm nay: 15/10/2021

Một số tin tức đáng chú ý trên thế giới ngày  13/10/2021 trên tờ the Economist

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng tính  theo năm của Mỹ đã tăng một chút trong tháng 9 lên 5,4% – cao hơn dự báo của các nhà kinh tế – so với 5,3% của tháng 8. Trong số đó giá thực phẩm và nơi ở chiếm hơn một nửa mức tăng theo tháng 0,4% . Giá nhiên liệu cũng tăng, nhưng giá ô tô đã qua sử dụng, vốn gây lạm phát hồi đầu năm, lại giảm. Để xoa dịu tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và tồn đọng giao hàng, cảng Los Angeles ​​sẽ bắt đầu hoạt động 24/7.

Ủy ban châu Âu đã đề xuất các thành viên EU cùng mua nhiên liệu và cắt giảm thuế trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Ủy viên năng lượng Kadri Simson cũng vạch ra một “bộ công cụ” các biện pháp các nước có thể thực hiện mà không vi phạm luật EU, bao gồm trợ cấp nhà nước cho các công ty năng lượng đang khó khăn và hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình nghèo để thanh toán hóa đơn năng lượng.

Lần đầu tiên FDA Mỹ chấp thuận bán thuốc lá điện tử: Vuse của hãng RJ Reynolds. Cơ quan cho biết loại vape này có thể giúp người trưởng thành cai thuốc lá, và do đó phần lợi ích lớn hơn phần nguy cơ đối với thanh thiếu niên. FDA đã cấm bán hàng trăm sản phẩm vaping nhưng vẫn chưa đưa ra phán quyết đối với Juul, hãng lớn nhất.

JPMorgan Chase báo cáo lợi nhuận 11,7 tỷ USD trong quý 3, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập tăng lên nhờ ngân hàng hoàn nhập 2,1 tỷ đô la trích lập dự phòng vào đầu đại dịch để đề phòng các khoản nợ xấu. Trong khi đó lợi nhuận quý 3 của BlackRock, công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới, tăng 23% lên 1,68 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.

Ít nhất 5 gia đình người Mỹ có liên quan đến đại sứ quán Mỹ ở Colombia đã báo cáo các triệu chứng của “hội chứng Havana”, một căn bệnh thần kinh bí ẩn từng ảnh hưởng đến hơn 200 nhà ngoại giao Mỹ trên toàn thế giới. Đại sứ hứa sẽ điều tra. Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Bogotá vào tuần tới. Có một giả thuyết nói những người nhiễm hội chứng này bị tấn công bằng vi sóng tiến hành bởi một nước thù địch, chẳng hạn như Nga,

Biên giới đất liền và trên biển của Mỹ với Canada và Mexico sẽ cho phép đi lại không thiết yếu nếu có tiêm phòng đầy đủ từ đầu tháng 11. Và từ tháng 1 bất kỳ ai đi lại vì mục đích thiết yếu, mà hiện vẫn được nhập cảnh dù không tiêm chủng, chẳng hạn như tài xế xe tải, nhân viên y tế và học sinh, cũng sẽ phải tiêm phòng. Các thông báo trước đó cũng cho thấy hạn chế đi lại đường hàng không sẽ được nới lỏng vào tháng 11.

Netflix cho biết “Squid Game”, một bộ phim bạo lực gây cấn của Hàn Quốc được phát hành vào giữa tháng 9, là sản phẩm gốc thành công nhất từ ​​trước đến nay của hãng. Bộ phim theo chân một nhóm những kẻ mắc nợ chơi phiên bản chết chóc của các trò chơi trẻ em truyền thống để giành giải thưởng lớn. Thành công của nó đã tạo nên niềm vui ở Hàn Quốc. Nhưng chắc chắn người ta sẽ thấy nhiều bộ đồ thể thao màu xanh lá cây và áo liền quần màu hồng xuất hiện vào lễ Halloween năm nay.

Con số trong ngày: 5,681 bảng Anh (7,706 đô la), là chi phí thị thực các công ty Anh phải chịu để thuê một công nhân lành nghề.  Chi phí này chỉ ở mức € 175 (203 đô la) ở Đức.

TIÊU ĐIỂM

Mâu thuẫn kéo dài giữa nông dân Ấn Độ và chính phủ

Cách đây hơn một năm, chính phủ Narendra Modi đã làm phật lòng các tổ chức nông dân khắp miền bắc Ấn Độ bằng cách khởi động một bộ ba cải cách thị trường nông nghiệp. Kết quả là hàng trăm nghìn người biểu tình ở Delhi gần như liên tục kể từ tháng 11.

Giờ đây người ta không còn nhắc đến giá cây trồng nữa do Tòa án Tối cao đã đình chỉ các quy định mới vào tháng 1. Dù vậy tình hình lại càng trở nên bế tắc. Trong tháng này, một chiếc SUV của một bộ trưởng chính phủ đã lao vào người biểu tình ở bang Uttar Pradesh, tạo ra một cuộc hỗn chiến khiến tám người thiệt mạng. Những nông dân thiệt mạng, giống như nhiều người biểu tình xung quanh Delhi, đều theo đạo Sikh. Do đó phe ủng hộ ông Modi, gồm một bộ phận người Hindu sùng đạo, đã miệt thị họ là “bọn phản quốc”. Thủ hiến Uttar Pradesh, một đồng minh của ông Modi, đang ra tái tranh cử trên nền tảng luật pháp và trật tự. Song cảnh sát dưới quyền ông lại không mạnh tay thiết lập trật tự, có lẽ vì không muốn đụng đến người ủng hộ ông Modi.

Pháp xuất hiện một nhân vật giống Trump

Người Pháp sẽ chú ý theo dõi những động thái tiếp theo của Eric Zemmour, một nhân vật truyền hình chống nhập cư. Ông đã tự phong mình là Donald Trump của Pháp. Không đảng phái, phát biểu không kiểm soát và không quan tâm đến tính đúng đắn chính trị, ông Zemmour đang thách thức Marine Le Pen bằng cách làm cho nhà lãnh đạo cực hữu trông quá mềm mỏng. Cho đến nay có vẻ như ông đang thành công. Một cuộc thăm dò hôm 6 tháng 10 đã xếp ông cao hơn cả bà Le Pen cho vòng một cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 tới, chỉ sau tổng thống Emmanuel Macron.

Trong khi bà Le Pen cố gắng sửa sang hình ảnh của đảng mình, ông Zemmour lại tìm cách khiêu khích. Là người gốc Do Thái-Algeria, ông đã tuyên bố chính phủ Vichy bảo vệ người Do Thái ở Pháp, và rằng Hồi giáo không thể tương thích với xã hội Pháp. Ông đã trở thành chủ đề của các chương trình truyền hình sôi động mà ông từng dẫn. Với chỉ sáu tháng còn lại, cuộc đua hứa hẹn sẽ rất tồi tệ và đầy chia rẽ.

FDA họp bàn việc tiêm nhắc lại vắc-xin covid-19

Trong hai ngày tới một ủy ban cố vấn của FDA Hoa Kỳ sẽ họp để đánh giá công dụng tiêm nhắc lại của hai loại vắc-xin do Moderna và Janssen sản xuất. Ủy ban cũng sẽ xem xét có nên chỉ tiêm nhắc lại cùng hãng hay không. Bằng chứng từ Châu Âu cho thấy trộn thuốc là an toàn và thậm chí có thể hiệu quả hơn so với chỉ một hãng duy nhất. Song ủy ban sẽ không bỏ phiếu về chiến lược tiêm trộn này, mà chỉ xem xét có nên cho phép tiêm nhắc lại hay không.

Nếu họ bỏ phiếu ủng hộ và FDA chấp thuận, thì vào ngày 20 và 21 tháng 10, một ủy ban khác tại CDC sẽ họp để xác định ai đủ điều kiện tiêm nhắc lại. Và vài ngày sau, liều nhắc lại Janssen và Moderna sẽ bắt đầu được tung ra.

Quan hệ EU và Ba Lan tiếp tục căng thẳng

Căng thẳng Ba Lan-EU leo thang trong tuần này. Nguyên nhân là một phán quyết vào tuần trước từ Tòa án Hiến pháp của Ba Lan nói rằng một số phần trong luật EU không phù hợp với hiến pháp Ba Lan. Phán quyết đã làm dấy lên lo ngại về “Polexit”, mặc dù Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền, đã gọi những cáo buộc nói rằng ông muốn Ba Lan muốn rời EU là “tuyên truyền”.

Các cuộc thăm dò cho thấy gần 90% người Ba Lan muốn ở lại EU. Nhưng dù sao thì nước này cũng đang căng thẳng với các thể chế của EU. Thông thường các phán quyết của Tòa án Hiến pháp có thể mất vài tuần, hoặc vài tháng, mới có hiệu lực; nhưng phán quyết này có hiệu lực từ hôm thứ Ba. Trong khi đó, EU đang tranh luận về một biện pháp có thể cắt Ba Lan khỏi quỹ chung (cùng với Hungary, một nước khác bị EU tố cáo làm xói mòn nhà nước pháp quyền). EU sẽ đưa ra quan điểm về phán quyết của tòa án hiến pháp Ba Lan vào cuối năm nay. Chắc chắn sẽ không có một giải pháp êm đẹp.